“Ngẫm phận mình sao buồn, sao tủi”
Chúng tôi về thăm gia đình chị Lê Thị Thanh Loan (sinh năm 1978) tại ấp Thị, xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre trong một buổi trưa nắng gắt. Căn nhà chỉ có vách trước là bằng gỗ tạp, còn các vách khác đều được che bằng tôn nên nóng hầm hập. Trong căn nhà ấy, chị Loan phải làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt để chắt chiu từng đồng chạy tiền truyền máu cho con.
Đưa hồ sơ bệnh án của cháu Lý Quý Hưng (sinh năm 1999) cho chúng tôi xem, chị Loan kể: “Cũng chẳng biết nó bệnh gì mà nuôi hoài không lớn. Dù nhà nghèo nhưng có bao nhiêu tiền em cũng chẳng tiếc, mua đủ thứ thức ăn bồi bổ cho con mà nó vẫn không lớn. Cách đây 3 năm, thằng Hưng nó gầy rộc người đi, da tái xanh, môi thâm xì… nên em vay tiền đem nó đi bệnh viện mới biết nó bị bệnh thiếu máu gì đó. Bác sĩ bảo giờ cứ phải truyền máu hoài nó mới sống được”.
Theo hồ sơ bệnh án, hưng bị bệnh Thalassemia (một dạng thiếu máu hiếm gặp) từ 7 năm nay. Nhìn thân thể nhỏ choắt của Hưng không ai dám nghĩ em đã 14 tuổi vì em chỉ nặng 22kg. Mỗi khi cơ thể thiếu máu em càng gầy hơn, da dẻ tái xanh như người sốt rét nặng, mắt hõm sâu và hay mệt mỏi, đôi chân thì lở loét và rất khó lành…
Họa vô đơn chí, chỉ 1 năm sau ngày phát hiện Hưng bị bệnh, đứa con nhỏ của chị Loan là Lý Quý Thịnh (sinh năm 2005) cũng phát bệnh giống như anh trai. Toàn bộ tiền bạc hai vợ chồng dành dụm bao năm đều dùng để chữa trị cho con nhưng vô vọng… Cuộc sống túng bấn, con bệnh ngặt nghèo khiến gia đình nhỏ vốn nghèo khổ càng thêm khó khăn, người chồng chịu không nổi cũng dứt áo ra đi, để lại 2 đứa con bệnh tật cho chị chèo chống.
Kể đến đây, chị quay mặt đi mà than mà trách: “Ngẫm phận mình sao buồn sao tủi… Mẹ khổ đã đành mà nhìn tụi nhỏ đau đớn vì bệnh tật càng chịu không nỗi!”.
Khi chẳng có ai thuê, chị ở nhà đan giỏ kiếm sống
“Mẹ ơi, đừng chữa bệnh cho con nữa!”
Mới bước sang tuổi 36 nhưng chị Loan có khuôn mặt rệu rã, đôi mắt quầng thâm, mỏi mệt và bộ quần áo xộc xệch đến tạm bợ. Bởi hiện chị vừa phải nuôi 3 miệng ăn, vừa phải kiếm tiền cho 2 đứa con đi truyền máu hàng tháng ở bệnh viện tỉnh.
Chị Loan cho biết: “Thằng Hưng thì bị nặng, bác sĩ bảo tháng truyền 2 lần. Thằng thịnh nhẹ hơn, mỗi tháng chỉ truyền 1 lần. Nhưng mỗi lần đi lại chi phí tốn kém lắm, chỉ khi nào em làm có tiền mới đem tụi nhỏ đi truyền máu. Cũng vô chừng lắm, có tháng đi, có tháng không. Tội nhất là thằng Hưng, mỗi khi nó thiếu máu là bị hành dữ lắm nhưng nó ráng chịu vì nó biết nhà không có tiền…”.
Từ mấy năm nay, ai kêu gì chị làm nấy, từ bóc dừa thuê cho đến khuân vác gạo thuê… chị sẵn sàng làm tất cả những công việc chỉ mong cuối tháng có tiền vào máu cho con. Khi nào không có ai thuê thì chị đan giỏ kiếm sống. Mỗi ngày đan được 3 – 4 cái giỏ lớn hoặc 10 cái giỏ nhỏ, bán lời được vài chục ngàn.
Sức người có hạn, cho đến một ngày chị không trở dậy được nữa. Hàng xóm đưa đi cấp cứu, bác sĩ nói chị bị thận yếu, suy nhược cơ thể kéo dài cần phải nghỉ ngơi tịnh dưỡng. Nhưng nghỉ ngơi sao được khi sự sống của các con đều phụ thuộc vào mình?! Vậy là, khi vừa hồi sức chị lại lao vào công việc với hy vọng kiếm tiền truyền máu cho con, cho con mình bớt đau đớn vì chứng thiếu máu hành hạ…
Dù bị ốm nằm liệt giường, nhưng hễ có được chút sức lực nào là chị lại gượng dậy bóc những quả dừa khô, đan vài cái giỏ để kiếm mấy chục ngàn đồng. Thằng anh thương mẹ khóc mà bảo: “Mẹ ơi, đừng chữa bệnh cho con nữa. Mẹ có bị gì con biết sống với ai!”.
Kể đến đây chị nuốt nước mắt nghèn nghẹn bảo: “Có lúc tưởng cả 3 mẹ con cùng chết thì càng thanh thản. Nhưng em nghĩ lại 2 đứa nhỏ có tội tình gì đâu nên ráng mà sống tiếp”. Nói rồi chị nhoẻn miệng cười kể với vẻ tự hào: “Được cái hai thằng nhỏ nhà em ham học lắm. Thằng anh bảo nó bệnh vậy không làm việc nặng được, chỉ có học giỏi mới làm ra tiền giúp mẹ nuôi em!”. Có lẽ đó là hy vọng tương lai của chị, nhưng con đường trước cho gia đình nhỏ này thật gian nan!
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Chị Lê Thị Thanh Loan, ấp Thị, xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre.
ĐT: 01654356581
Hoặc giúp đỡ trực tiếp tại Khoa Tiêu hóa- Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.