Chơi đồ cổ - gìn giữ nét văn hóa dân tộc
Thứ tư, 22/05/2013 14:15

Chơi đồ cổ là một thú vui, một nét văn hóa đặc biệt đã tồn tại từ lâu đời.

Ông Phương bên những món đồ của mình

Ông Phương bên những món đồ của mình

Nhắc đến Sông Hương, Đại Nội chắc hẳn không ai không biết đến thành phố Huế. Thành phố đã đi vào trong thơ, ca của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, đã làm đắm say biết bao cô gái chàng trai khi đến với mảnh đất này. Với những công trình kiến trúc lâu đời, chùa chiền, đền đài, lăng tẩm đồ sộ... Đã làm nên một "nước" Huế có một nét gì đó rất thiêng liêng và cổ kính mà không phải nơi nào cũng có được. Không chỉ có những di tích, địa danh mà chơi đồ cổ cũng là một nét đặc trưng cho thành phố cổ kính nhỏ bé này.

Đến với đồ cổ, duyên và nợ…

Chơi đồ cổ là một thú vui, một nét văn hóa đặc biệt đã tồn tại từ lâu đời. Ngoài sự tinh tế, bắt mắt, nhạy cảm và lòng đam mê còn đòi hỏi người chơi phải có đủ thời gian và tiền bạc để duy trì nó.

Thú chơi đồ cồ đã xuất hiện cách đây hàng trăm năm và bắt đầu nở rộ ở khoảng thời gian đất nước sau giải phóng. Đối với người dân sống trên mảnh đất cố đô thì những món đồ cổ đã trở nên không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Từ những món đồ có giá trị lớn lao không đủ điều kiện chơi cho đến những loại có nhiều quá rồi đều được người dân bản đò vớt lên và bán lại cho các thương buôn để kiếm tiền mưu sinh.

Sau một ngày ròng rã khám phá những đền đài lăng tẩm, ngắm nghía những món đồ cổ được trưng bày, ngồi nghe tâm sự chia sẻ của những người lão thành đối với mảnh đất, đối với cái ngề đồ cổ này, tôi thực sự cảm thấy thú vị và tò mò hơn về những gì được gọi là "Cổ" ở đây. Phải nói, đồ cổ của bất cứ triều đại, của bất cứ nơi nào cũng là đáng quý, đáng nâng niu trân trọng.

Những món đồ được ông sắp xếp rất cẩn thận và bắt mắt

Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Hoài Phương, người bán đồ cổ đã gần bốn mươi năm nay trên đoạn đường Trần Hưng Đạo, Thành phố Huế ông chia sẻ. Vốn là một người cán bộ chính sách công tác trong thời kì cách mạng, sau khi đất nước giải phóng, ông về hưu và bắt đầu chuyển sang buôn bán đồ cổ. Công việc buôn bán của ông lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn như tiền vốn, đất buôn bán... Từ thu mua đồ cổ qua những lái buôn chèo vớt được từ dưới đáy sông lên cho đến những gia đình có ý định bán đi ông đều tìm đến mua lại. Dù bước đầu khó khăn nhưng ông vẫn không nản chí, bởi ông cảm thấy được niềm vui khi đến với nghề. Ông nói, công việc bán đồ cổ với ông là một cái duyên cũng là một cái nợ, là thú vui tao nhã khi về già. Cái duyên là vừa về hưu ông lại bắt gặp được công việc này, ông thấy có hứng thú, dần dần ông đam mê và chìm mình vào đồ cổ lúc nào cũng không hay. Từ cái duyên mà đã trở thành cái nợ, ông nói: "Nếu được chọn lại từ đầu ông cũng sẽ chọn con đường đến với đồ cổ, và bây giờ thì nó thực sự gắn bó với ông, ngoài công việc này chắc ông không tìm được nghề nào vừa phù hợp với khả năng tuổi già cũng như mang lại niềm vui cho ông nữa".

Đam mê và trách nhiệm là điều không thể thiếu

"Chơi đồ cổ là đam mê, nhưng phải có trách nhiệm, không phải ai mua cũng bán,cũng không phải món đồ cổ nào cũng bán. Có những món đồ dù có nhiều người hỏi, dù có trả nhiều tiền nhưng vẫn không bán vì nó là đồ hiếm hoi và ông giữ lại trong nhà làm kỉ niệm. Nhưng cũng có những món đồ vì người ta đam mê, trân quý nó nên ông mới bán cho họ. Trách nhiệm của ông là phải làm sao để người mua biết được xuất xứ, giá trị của những mó đồ cổ mà trân trọng nó".

Với ông, bán được hàng hay không cũng không ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của mình, cái chính là được giao lưu, chia sẻ với nhiều người, nhiều du khách cả trong nước lẫn nước ngoài, trau dồi được vốn kiến thức ngoài xã hội, hiểu thêm nhiều ngôn ngữ khác nhau từ đó quảng bá cho đất nước cũng như giới thiệu ra bạn bè thế giới về nền văn hóa, tập tục nước nhà. Nói chuyện với những người cùng đam mê về đồ cổ giúp ông hiểu được giá trị của đồ cổ đối với nhiều người vì thế ông càng trở nên trân trọng và yêu quý cái nghề của mình hơn.

Bát sứ thời Nguyễn đến nay vẫn còn được lưu giữ cẩn thận

Trong bộ sưu tập của ông có đủ loại đồ cổ từ bao đời đã để lại. Các loại đĩa sứ, chén bát sứ cho đến đồng xu cổ, chiêng đồng, đèn dầu, bình gốm... của thời Lý, thời Nguyễn.Tất cả đều được trưng bày một cách thật bắt mắt và tinh tế khiến cho những du khách đi qua không thể không ngoái đầu nhìn lại. Và cái tên Hoài Phương của ông cũng đã được nhiều người biết đến, tuy nhiên, ông lại không đặt biển hiệu, tên tuổi như bao cửa hàng đồ cổ khác. Phải chăng đó là sự khác biệt?!

Sau một hồi trò chuyện, ông vui vẻ đưa tấm danh thiếp hồng hồng ra như là minh chứng cho lịch sử tồn tại và sự phát triển nghề đồ cổ của mình. Ông bảo, muốn mua món nào thì cứ tới đường Trần Hưng Đạo này mà mua, dọc đường này có đến 5 hàng bán đồ cổ do con cháu ông phụ trách nên cứ yên tâm.... Gía cả hợp lý, phục vụ tận tình, nhiều người đến không phải để mua nhưng ông vẫn luôn vui vẻ, bởi với ông, bán đồ cổ bây giờ không chỉ là đam mê, là thú vui mà còn là trách nhiệm của một người con của dân tộc đang góp sức gìn giữ những nét đẹp của tổ tiên xưa.

Phải nói đồ cổ có vai trò không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch cũng như mang lại giá trị tinh thần cho mỗi người chơi đồ cổ. Dù công việc có bận rộn đến thế nào, dù không gian có chật hẹp đến cỡ nào nhưng những người dân ở đây cũng cố gắng sắp xếp một khoảng không gian và thời gian cho những món đồ cổ, lựa những vị trí đẹp mắt nhất trong ngôi nhà của mình để trưng bày.

Thiết ngĩ, nếu mỗi người dân nước Việt ai cũng ý thức được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc thì những nét văn hóa ấy sẽ không bao giờ có thể mai một, chìm vào quên lãng.

Hoàng Yến

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Chơi đồ cổ , Đồ cổ thời nhà Nguyễn , Văn hóa dân tộc , Thú chơi đồ cổ , Nguyễn Văn Hoài Phương , Thừa Thiên Huế