Trước đó, một số bệnh viện, siêu thị tổ chức dán ảnh kẻ gian nhằm mục đích cảnh cáo cho mọi người đề phòng. Từ đây, dư luận đặt câu hỏi về quyền nhân thân và liên quan đến quyền nhân thân là báo chí được quay phim, chụp ảnh ở nơi nào; còn nơi nào thì không được quay phim, chụp ảnh?
Quyền nhân thân về hình ảnh đã có sự điều chỉnh
Quyền nhân thân, theo quy định tại Điều 24 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2005 là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Hình ảnh của cá nhân gắn liền với quyền nhân thân. Vì vậy, có ý kiến cho rằng việc tự ý dán ảnh của đối tượng phạm pháp ở chỗ đông người là sai quy định của pháp luật. Bởi vì, theo Điều 31 BLDS năm 1993 thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc thân nhân người đó đồng ý nếu người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, BLDS năm 2005 lại có chỉnh lý rất căn bản. Theo Điều 31 BLDS năm 2005 thì việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Thế nhưng, BLDS 2005 có một điều chỉnh rất đáng lưu ý so với BLDS 1993, đó là quyền trên được miễn trừ trong trường hợp vì lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng. Đối chiếu quy định này thì việc dán ảnh kẻ gian của các cơ quan trên không còn bị xem là sai pháp luật. Bởi vì việc dán ảnh đó hướng đến việc bảo vệ quyền lợi của số đông, giúp mọi người cảnh giác với những đối tượng phạm pháp.
Quay trở lại chụp ảnh báo chí, nơi nào được chụp, nơi nào không? Nhà báo Hoàng Quý, Báo Bảo vệ pháp luật cho biết: “Tôi nghĩ không khó để xác định nơi nào không được quay phim, chụp ảnh. Ví dụ, khu vực quân đội, kho đạn... thì cho dù ở đây không gắn biển cấm thì nhà báo cũng không được chụp ảnh, quay phim. Riêng đối với các nơi còn lại, nếu không có biển cấm thì nhà báo được quay phim, chụp ảnh mà không phải xin phép ai cả. Từ trước đến nay, trong quá trình tác nghiệp báo chí, tôi vẫn làm như thế và không gặp trở ngại nào”.
Nơi được chụp ảnh, nơi không
Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiến, giảng viên Đại học Luật TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Tại các cơ quan, đơn vị quân đội, công an mà có liên quan đến bí mật quốc gia và có biển cấm thì nhà báo không được quay phim, chụp ảnh; nếu muốn quay phim, chụp ảnh để làm việc thì buộc phải xin phép. Ngược lại, tại các cơ quan hành chính như: Ủy ban nhân dân, cơ quan tiếp dân thì nhà báo được quay phim, chụp ảnh các hoạt động diễn ra công khai. Trừ khi đó là các phòng làm việc nội bộ thì nhà báo muốn quay phim, chụp ảnh phải tuân thủ nội quy cơ quan đó. Tôi nói vậy dựa trên nguyên tắc: công dân được làm những gì pháp luật không cấm”.
Thế nhưng, liên quan đến một sự việc, có khi chịu sự điều chỉnh của nhiều quy phạm pháp luật. Như việc các nhà báo chụp ảnh tại các phiên tòa, Luật sư Lê Văn Bình (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) diễn giải: Theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 51/2002 ngày 26/4/2002 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Luật Báo chí) thì nhà báo “được chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai”. Tuy nhiên, việc tác nghiệp này của báo chí lại có liên quan đến quyền điều hành của chủ tọa phiên tòa theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và quyền đối với hình ảnh của các đương sự, bị cáo theo BLDS. Nhà báo muốn quay phim, chụp ảnh phiên tòa phải có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa.
Vì vậy, chỗ nào được chụp ảnh, chỗ nào không được chụp ảnh thì nhà báo cần hiểu rõ các quy định pháp luật, để hành xử cho đúng trong quá trình tác nghiệp.