Áp lực quá lớn
Vốn là những ông chủ lớn, chèo lái thành công các doanh nghiệp ngàn tỷ, thậm chí chục ngàn tỷ, những cái tên như Đặng Thành Tâm, Phạm Thị Diệu Hiền,… từng được báo giới hết lời ca ngợi. Nhưng khi khủng hoảng kinh tế lan rộng, “thuyền càng lớn, sóng càng mạnh”, các đại gia này phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Áp lực quá lớn khiến không ít đại gia đổ bệnh trọng.
Trong những ngày qua, cái tên Đặng Thành Tâm được nhắc đến rất nhiều. Là một trong những đại biểu Quốc hội nhận được nhiều sự chú ý nhưng ông Tâm lại vắng mặt trong một số buổi họp đầu tiên, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII. Ông đã được Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho phép nghỉ vì lý do sức khỏe. Nhưng tới ngày 29/10, ông Tâm bất ngờ xuất hiện ở nghị trường.
Ông Đặng Thành Tâm là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của các công ty đã niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán Việt Nam như: Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, Công ty Công nghệ Viễn thông Sài Gòn.
Ông Tâm từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2007 và thứ ba Việt Nam năm 2008, 2009 và 2010 dựa trên giá trị cổ phiếu sở hữu.
Hiện tại, dù vẫn có mặt trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán nhưng ông Tâm vẫn không tránh được khó khăn, áp lực về vốn. Chính áp lực đã khiến ông đổ bệnh.
Ông tâm sự: “Kinh tế khó khăn, ngân hàng không cho vay, rồi lại còn nhiều áp lực khác, không bệnh sao được. Người ta có thể kiểm soát được ý chí, tự bảo mình quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn, nhưng không ai có thể kiểm soát được sức khỏe của mình nhất là khi chịu nhiều áp lực như thế”.
Đầu năm nay, một đại gia khác được báo chí “chăm sóc” nhiệt tình chính là bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty thủy sản Bianfisco. Đầu tiên, bà Hiền gây sốc khi tổ chức đám cưới với dàn siêu xe rước dâu.
Nhưng ngay sau đó, nổi tiếng đã trở thành tai tiếng khi nông dân liên tục tố cáo bà xù nợ hàng ngàn tỷ đồng.
Khi sự việc trở nên vô cùng căng thẳng, bà Hiền bỗng dưng mất tích. Sau đó, dù phía bà Hiền công bố tấm ảnh bà trị bệnh ung thư, dư luận vẫn mổ xẻ, nghi ngờ bà… giả vờ bệnh. Áp lực nặng nề ngày càng đè nặng lên người đàn bà từng được cả xã hội ca tụng.
Và rồi cuối cùng bà cũng được “minh oan” là lâm bệnh thật.
Khi về nước sau đợt điều trị, bà Hiền đã có lý giải cho việc đổ bệnh đột ngột của mình: “Chúng tôi đã ký được hợp đồng với một tập đoàn quản lý siêu thị hàng đầu của Mỹ, một tháng xuất 100 container sản phẩm cá tra, một năm là 1.200 container. Đột ngột, ngân hàng rút vốn, như chiếc xe đang chạy có trớn ngon lành thì bị rút ống xăng".
“Trồng cây, đến ngày hái quả thì không hái được, chúng tôi đau lắm. Cùng lúc đó, tôi tổ chức đám cưới cho con lại bị nhiều báo chí bêu riếu, tôi sốc quá nên đổ bệnh”.
Bà Phạm Thị Diệu Hiền về nước sau đợt trị bệnh tại Mỹ
Dù doanh nghiệp vững vàng hơn nhưng áp lực cũng khiến một số sếp lớn khác đổ bệnh. Cách đây không lâu, ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT cũng xin nghỉ phép 2 tháng để chữa bệnh. Điều đó nói, ông đổ bệnh đúng thời điểm, FPT không đạt kế hoạch kinh doanh đề ra từ đầu năm.
Ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng Á Châu cũng đã gửi đơn từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông Giá bị khởi tố vì tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Chữa bệnh trên… “đống lửa”
Dường như bệnh tật không phải vấn đề quá lớn với ông Trương Đình Anh. Sau thời gian nghỉ phép trị bệnh, ông Anh đã trở lại khỏe mạnh bình thường và từ chức Tổng giám đốc FPT và rời ghế Chủ tịch FPT Telecom.
Trong khi đó, ông Đặng Thành Tâm dù trở lại nhưng “xuống sắc” rất nhiều. Râu và tóc bạc trắng.
Ông Tâm chia sẻ: “Tôi không phải cố tỏ ra mình khỏe mạnh, không có vấn đề gì. Ốm thì xin nghỉ, đến khi có thể bò về được thì cố mà bò về để đi họp.
Râu tóc tôi dài ra, bạc đi, thì có gì đáng xấu hổ, vì bác sĩ yêu cầu phải để như thế để họ theo dõi bệnh tình của tôi. Sợ nhất là bị chết, chứ trông xấu tí có gì đáng lo”.
Nhưng có một điều có thể thấy ông không chỉ “sợ chết” mà còn lo ngay ngáy cho các doanh nghiệp của mình. Dù tin tưởng vào chính sách vĩ mô và nội lực của doanh nghiệp nhưng ông cũng “chưa biết nay mai sống chết thế nào”.
Ông nói: “Có một điều chúng tôi thấy tự hào, đó là suốt một năm qua không ngân hàng nào cho chúng tôi vay tiền, nhưng chúng tôi vẫn sống. Tất nhiên, nếu cứ tiếp tục thế này thì chưa biết nay mai sống chết thế nào. Nhưng chúng tôi tự nhìn vào thực lực của mình, nội bộ tự động viên nhau tiết kiệm cùng vượt qua khó khăn”.
Cùng nỗi lo cho doanh nghiệp - “đứa con cưng”, bà Phạm Thị Diệu Hiền cũng chẳng thể an tâm tập trung chữa bệnh.
Bà Hiền kể: “Ở Mỹ, bệnh xỉu lên xỉu xuống nhưng tôi cũng ráng nhờ nhiều người giúp đỡ hoàn trả được tiền đặt cọc cho đối tác ký hợp đồng, để bảo vệ thương hiệu Bianfishco, giữ thị trường Mỹ”.
Bà không trốn chạy như những lời đồn nghiệt ngã vì: “Nhà máy chế biến cá tra là tâm huyết cả đời tôi, còn nợ tiền cá phải trả hết, thì tôi nếu có chết mới nhắm được mắt”.
Mong ước của bà phần nào đã thành hiện thực khi khoản nợ tiền cá trước đây của bà con nông dân, đến nay trả gần xong theo lộ trình đã hứa, chỉ còn hai đợt giải ngân vào ngày 5/11 và 5/12 là dứt điểm.
Tuy nhiên, có lẽ niềm vui của bà không trọn vẹn khi quyền điều hành Bianfisco đã thuộc về ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sau khi SHB tham gia tái cơ cấu toàn diện Bianfisco.