Chính phủ đồng ý bằng lái xe có 12 điểm/năm, vi phạm hết điểm phải thi lại

Chính phủ vừa đồng ý đề xuất giấy phép lái xe được cấp 12 điểm mỗi năm, nếu tài xế không bị trừ hết điểm sẽ được cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc không vi phạm giao thông sẽ được cộng điểm.

Ngày 2-9, Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất giấy phép lái xe được cấp 12 điểm mỗi năm của Bộ Công an. Theo đó, nếu tài xế không bị trừ hết điểm sẽ được cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc không vi phạm giao thông sẽ được cộng điểm. Nội dung trên được Chính phủ thống nhất đưa vào nghị quyết 123 sau phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật cuối tháng 8.

Nếu trong 1 năm mà tài xế bị trừ hết 12 điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe (Ảnh: Báo Người lao động)

Do còn ý kiến khác nhau, nên trong tờ trình Quốc hội về dự án Luật này, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến về vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, theo 2 phương án.

Phương án 1: Vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phương án 2: Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.

Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.

Về những vấn đề khác có ý kiến khác nhau, Chính phủ thống nhất quy định về điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính (không phải là một hình thức xử phạt hành chính) theo hướng giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/năm.

Nếu trong 1 năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe, còn nếu không trừ hết điểm thì phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong 1 năm mà không có vi phạm thì phải được cộng điểm, tức là phải có hình thức cộng lại điểm (hoặc khôi phục điểm) cho giấy phép lái xe hàng năm.

Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân; dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc. Chính phủ sẽ quy định cụ thể các hành vi, nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan.

Để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực thi, phù hợp với thực tiễn quản lý, về cơ bản, các vấn đề thuộc nội dung của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần được quy định theo hướng mang tính nguyên tắc, nhất là về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương.

Chính phủ giao Bộ Công an tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa 14 tại Kỳ họp thứ 10.

Thanh tra giao thông tránh chồng chéo với Cảnh sát giao thông

Đối với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) Chính phủ thống nhất, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống báo hiệu đường bộ; phối hợp với Bộ Công an trong việc xây dựng, ban hành quy tắc giao thông đường bộ, chương trình, nội dung đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Đồng thời, đổi mới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra giao thông cho phù hợp với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải về giao thông đường bộ, không chồng chéo, trùng lắp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông.

Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa 14 tại Kỳ họp thứ 10.