Cùng thời điểm, một cháu bé 4 tuổi ở Đồng Tháp cũng được xác định tử vong do nhiễm virus cúm này. GS.TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, nguy cơ dịch H5N1 lây từ chim yến sang người là hoàn toàn có thể.
- PV: Trước nay, các ca nhiễm cúm A/H5N1 ở nước ta đều lây từ gia cầm như gà, vịt sang người. Vậy nguy cơ lây nhiễm cúm từ chim yến sang người như thế nào?
- GS.TS Trịnh Quân Huấn: Cúm A/H5N1 được phát hiện từ năm 2005, chủ yếu trên gia cầm. Từ đó đến nay, năm nào tại nước ta cũng có bệnh nhân tử vong do lây nhiễm cúm A/H5N1 từ gia cầm. Nguy hiểm nhất là vịt, ngan nói riêng, các đàn gia cầm, thủy cầm nói chung vì chúng có thể mang virus cúm này mà không có biểu hiện bệnh lý, lại tồn tại được lâu. Tuy nhiên, nguồn bệnh H5N1 cũng có thể lây lan giữa các đàn chim, trong đó có chim yến. Sau khi một đàn chim yến hơn 4.000 con ở Ninh Thuận bị chết, cơ quan Thú y ở địa phương này đã lấy mẫu chim yến, phân tổ yến để xét nghiệm, kết quả cả 3 lần đều dương tính với virus H5N1. Đây là lần đầu tiên ở nước ta phát hiện H5N1 trên đàn chim yến song nguy cơ lây nhiễm cúm H5N1 từ đàn chim yến sang người là có thể.
- Virus cúm H5N1 lây từ chim yến sang người theo con đường nào?
- Nguy cơ lây virus H5N1 từ gia cầm, thủy cầm cũng như từ chim yến sang người thường qua đường trực tiếp, qua tiếp xúc với bệnh phẩm chứ không phải qua đường hô hấp. Chẳng hạn như trường hợp cháu bé 4 tuổi ở Đồng Tháp tử vong do cúm H5N1 mới đây, bị lây virus cúm khi xem người lớn chặt thịt gia cầm, dịch tiết từ gia cầm bắn vào mắt.
Virus cúm A/H5N1 khi ra môi trường bên ngoài thường chết rất nhanh, nhưng nếu trong điều kiện ẩm, phân, môi trường nhiệt độ thấp, chẳng hạn như môi trường ở các tổ yến nuôi, thì nó tồn tại được khá lâu. Ngay với các sản phẩm từ gia cầm, chim yến thì virus này vẫn có thể tồn tại, đặc biệt là với các sản phẩm đông lạnh. Do đó, tốt nhất là khi sử dụng các sản phẩm chim yến phải được xử lý kỹ qua nhiệt độ cao. Khi chế biến cần có phương tiện phòng hộ. Khi sử dụng sản phẩm từ chim yến thì cần xem kỹ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm phải được lấy từ đàn yến khỏe mạnh. Người dân ở khu vực về dịch tễ học đang có dịch cúm H5N1 trên chim yến, đặc biệt là những người tiếp xúc trực tiếp với chim yến nếu thấy sốt, ho, phải nghĩ đến khả năng nhiễm cúm này để đi khám sớm.
- Vậy làm thế nào để ngăn được nguy cơ lây nhiễm virus H5N1 giữa các đàn chim yến?
- Cũng giống như các loài chim, chim yến nuôi thường di chuyển từ nơi này sang nơi khác, phạm vi di chuyển rộng và khả năng giao lưu lớn. Chẳng hạn với các đàn chim yến ở khu vực Nam Trung bộ như Ninh Thuận, có thể ban ngày chúng bay ngoài biển rồi tối lại bay lên Tây Nguyên, trong khi khu vực Tây Nguyên cũng có rất nhiều chim yến, nên nguy cơ lây nhiễm virus cúm từ đàn này sang đàn khác là rất dễ xảy ra. Vì vậy, các khu vực nuôi chim yến cần theo dõi giám sát chặt chẽ, khi có chim yến ốm, rơi tự do ở khu vực nuôi cần phải cảnh giác.
Mặt khác, hầu hết các nước ở khu vực Đông Nam Á đều lưu hành virus cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm, do đó cần có biện pháp phòng chống vận chuyển gia cầm từ vùng có dịch sang không có dịch.
- Cảm ơn ông!