Theo Tổ chức Sao băng quốc tế (IMO), năm nay, số lượng sao băng Leonids có thể lên đến hơn 20 vệt/giờ lúc cực điểm và dự đoán có hai lần đạt đỉnh vào khoảng 4h sáng ngày 18/11) và 13h ngày 20/11 (tính theo giờ Việt Nam).
Cũng giống như hầu hết các trận mưa sao băng khác, Leonids xuất hiện khi Trái đất đi qua vùng bụi của một sao chổi, trong trường hợp này đó là Tempel-Tuttle – ngôi sao chổi chu kỳ 33 năm cho một vòng quay xung quanh Mặt trời. Mưa sao băng Leonids xuất hiện định kỳ vào tháng 11 hàng năm. Sở dĩ nó có cái tên như vậy bởi vì nơi xuất phát của nó là chòm sao Leo ở phía đông.
Mặc dù Leonids năm nay được dự đoán là sẽ rất sáng nhưng trong quá khứ nó còn đẹp hơn nhiều, từng được ví là “bão sao băng”. Điển hình vào năm 1833, nhiều người dân Bắc Mỹ đã vô cùng hoang mang khi bầu trời rực sáng cùng khoảng 100.000 vệt một giờ lúc đạt đỉnh và liên tục trong suốt hơn 9 giờ đồng hồ.
“Tuy nhiên kể từ sau đó 10 năm, Trái đất sống trong sự yên tĩnh cho đến khi sao chổi tiếp cận trở lại Mặt trời vào hai thập kỷ trước”, Ben Burress, nhà thiên văn học tại Trung tâm Khoa học và Không gian Chabot ở Oakland, California nói. Lần “bão Leonid” gần đây nhất là năm 2002 với số lượng 3000 vệt sao băng/giờ.