Chị em đừng lấy chồng gần!

Lấy chồng càng xa thì tính tự lập càng cao, tỷ lệ ly hôn càng thấp. Không có bố mẹ ở bên, chị em chỉ có thể tự lực cánh sinh và một lòng với gia đình chồng.

Thông thường thì phụ nữ, nhất là các bậc cha mẹ đều muốn con gái lấy chồng gần để “có bát canh cần nó cũng mang sang”. Nhưng theo quan điểm của mình thì đã lấy, phải cố lấy được chồng xa. Mình nói thế này mọi người có đồng ý không nhé.

Thứ nhất, tâm lý chung là ai cũng muốn nhìn ra biển lớn. Nếu ở thành phố nhỏ thì phải lấy chồng ở thành phố lớn hơn. Nếu ở thành phố lớn rồi thì phải lấy chồng nước ngoài. Kiểu như vậy. Ở một thành phố lớn hơn hay một đất nước lớn hơn thì cơ hội và khả năng phát triển cũng lớn hơn. Vì vậy nếu lấy một người đàn ông mà chí hướng và tương lai chỉ quanh quẩn cái ao làng nơi ta sống thì chán lắm.

Bạn mình lấy được anh chồng ở gần nhà, cách một con ngõ bố mẹ nó mừng rơi cả nước mắt, bảo cuộc sống thế này thì an toàn, trọn vẹn quá. Theo mình cái gì bình lặng thì không phát triển. Chồng nó làm dù nghề nghiệp ổn định thật nhưng tiền và môi trường sống chỉ cứ tà tà như thế thôi. Nhưng tôi nghĩ, không có rủi ro và thách thức thì bao nhiêu ý chí và tham vọng của chồng nó trước sau gì cũng bị thui chột.

Thông thường thì phụ nữ, nhất là các bậc cha mẹ đều muốn con gái lấy chồng gần để
“có bát canh cần nó cũng mang sang” (Ảnh minh họa)

Thứ hai, “xa thơm gần thối” là quy luật trong quan hệ gia đình hai bên nội ngoại. Lấy chồng gần làm gì để rồi ngày nào nhà vợ có việc to nhỏ cũng í ới gọi con rể sang bằng được. Rể nào nhiệt tình thích chuyện bao đồng thì không nói. Chứ rẻ nhà ai mà trăm công nghìn việc thì thể nào vợ chồng cũng sớm lục đục. Vợ thì nhảy cẫng lên bảo: “Nhà vợ gọi sao anh không sang?”. Còn anh chồng thì lại hậm hực: “Nhà cô làm gì mà gọi tôi lắm thế?”. Mình đoán chắc do tính gia trưởng ích kỷ nên nhiều người đàn ông đều không hứng thú lắm với việc gia đình nhà vợ.

Trong quan hệ với hai bên thông gia cũng thế. Ở xa nhau, thỉnh thoảng một vài năm gặp nhau một lần, dẫu chỉ biếu gói trà cũng thấy quý hóa. Còn ở gần, càng tiếp xúc thì càng va chạm. Khi đó cho dù có tặng nhau hàng núi vàng vẫn bằng mặt không bằng lòng.

Nhà mình đã trải qua một lần đại họa như thế nên mình biết quá rõ. Mẹ mình đi chợ gặp mẹ chồng của chị mình nhưng không chào vì không thấy. Vậy mà mẹ chồng chị về bóng gió bảo với chị mình rằng “Tao đâu có ăn ở bạc với mày sao mẹ mày gặp tao mà không chào”.

Chị mình hối hả về trách mẹ mình sao không chào thông gia. Mẹ mình không hiểu đầu cua tai nheo thế nào nhưng cũng sĩ diện, bảo “bà ấy thấy mẹ sao không chào trước còn trách”. Hai bên bỗng dưng đâm ra căng thẳng. Từ đấy hai bà mẹ gặp nhau ở chợ hàng ngày nhưng ai cũng không đến chào trước vì tự ái. Rồi như một vết rạn nhỏ thành một vết nứt lớn, bên nào nói ra câu gì, đi quà gì hay không làm gì cũng bị săm soi bắt bẻ. Chị mình khóc lên khóc xuống vì họa vô đơn chí.

Thứ ba, lấy chồng xa giúp phụ nữ chúng ta bớt đi một gánh nặng. Ai cũng hiểu làm dâu rất mệt. Và nó sẽ càng mệt hơn khi phụ nữ vừa cố làm con dâu tốt vừa muốn làm con gái hiền của bố mẹ mình. Ai mà chẳng muốn được lo cho bố mẹ mình nhiều như những gì mình lo cho nhà chồng nhưng hình như chẳng nhiều nhà chồng rộng lượng đến thế.

Ở nhà chồng từ ngày này qua ngày khác thì được mà cuối tuần xin về nhà mẹ đẻ là bị khó chịu. Mua sắm, biếu xén cho bố mẹ chồng bao nhiêu cũng được mà chỉ cho bố mẹ mình vài trăm nghìn cũng bị xóc xỉa là lấy của nhà chồng, ở một nơi mà linh hồn một nẻo. Một chị ở cơ quan mình kể mẹ chị đau, chị mua bồ câu về nấu cháo tẩm bổ cho mẹ. Vậy mà mẹ chồng dỗi vờ lăn đùng ra ốm bảo “Tao cũng ốm xem mày có nấu cho tao được miếng cháo trắng mà húp không”.

Cuối cùng, lấy chồng càng xa thì tính tự lập càng cao, tỷ lệ ly hôn càng thấp (Ảnh minh họa)

Vì vậy tốt nhất là tách hai nhà thông gia càng xa càng tốt. Vừa để chị em ta lo tốt cho nhà chồng, vừa lo tốt cho nhà đẻ mà không bị bố mẹ chồng săm soi phát hiện. Nếu có hiếu thảo thì 1-2 năm bế con về thăm. Còn bình thường có được khoản nào thì cứ gởi tiền gửi quà về nhà khỏi phải thông qua bố mẹ chồng cho rách việc.

Cuối cùng, lấy chồng càng xa thì tính tự lập càng cao, tỷ lệ ly hôn càng thấp. Không có bố mẹ ở bên, chị em chỉ có thể tự lực cánh sinh và một lòng với gia đình chồng. Như thế phụ nữ sẽ biết nhẫn nhịn chịu đựng, ít bị cái tôi chi phối hơn hơn.

Bởi nếu có lỡ gây sự với nhà chồng thì chỉ còn nước ra đường chứ có nhà đâu nữa mà về. Chứ còn nhà đẻ gần nhà chồng, chỉ cần ai nặng lời một câu cũng khăn gói tếch về nhà làm mưa làm gió với bố mẹ. Làm như thế vừa bị nhà chồng ghét mà vừa làm sứt mẻ tình cảm hai gia đình thông gia.

Với chừng đó lý do mình thật lòng khuyên chị em muốn hạnh phúc nhất định phải lấy chồng xa. Mọi người nghĩ có đúng không?