Chỉ vì ăn tiết canh, đồ tái sống mà hàng chục bệnh nhân đã rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh, thậm chí đã có bệnh nhân tử vong
Một bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn heo sau khi ăn lòng heo và tiết canh. |
Bệnh nhân mới nhất được chuyển tới cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cuối tuần qua là ông T.V.S, 60 tuổi, quê Thái Bình, trong tình trạng sốc rất nặng, huyết áp tụt sâu, sốt cao, tiêu chảy, hoại tử da xuất hiện nhiều ở 2 chân.
Bệnh nhân được xác định nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis - một loại vi khuẩn của heo. Theo gia đình bệnh nhân S., 2 ngày trước khi có biểu hiện nói trên bệnh nhân có ăn lòng heo và tiết canh.
Nguy cơ tử vong cao
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong số gần 50 trường hợp nhập viện điều trị do liên cầu khuẩn heo từ đầu năm đến nay thì hầu hết nhập viện trong giai đoạn muộn. Ngoài một trường hợp nặng quá gia đình xin về nhà thì còn có một bệnh nhân nam, hơn 40 tuổi (quê Hà Nam) tử vong do sốc nhiễm khuẩn quá nặng và tử vong sau 2 ngày điều trị. Theo gia đình, bệnh nhân này rất khoái món tiết canh heo nên hầu như sáng nào cũng điểm tâm bằng bát tiết canh và chén rượu.
Đặc biệt có những bệnh nhân sau khi có biểu hiện bệnh đã tự điều trị nên khiến bệnh càng nặng hơn. Đó là bệnh nhân N.V.L ở Nghệ An, ngày 15-8 vừa qua, sau khi uống rượu và ăn tiết canh heo khoảng 12 giờ, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, rét run nên đã tự mua thuốc về điều trị nhưng không đỡ.
Ngày 18-8, khi được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng xuất huyết, sốc nhiễm khuẩn nặng, rối loạn đông máu, suy tạng cấp... Dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân L. vẫn đang là một trong số 3 bệnh nhân nặng đang được theo dõi đặc biệt.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Khoa Điều trị tích cực, cho biết qua điều tra dịch tễ ban đầu, phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh đều tiếp xúc với heo mắc bệnh, ăn thịt heo tái hoặc tiết canh, lòng heo bệnh... Ở nhóm những bệnh nhân nghiện rượu thường bị bệnh nặng hơn, diễn biến bệnh nhanh hơn các bệnh nhân khác.
Khi người bị nhiễm vi khuẩn liên cầu heo, thời gian ủ bệnh thường rất ngắn, chỉ trong vòng 10-20 giờ đã có thể rất nguy hiểm. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của người khi mắc bệnh liên cầu heo là sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, giảm sức nghe, cứng gáy… Với trường hợp bị viêm màng não, bệnh nhân sẽ bị rối loạn ý thức, phát ban ngoài da, giảm thính lực, điếc tai, liệt thần kinh sọ, suy thận.
Tiết canh không mát, không bổ
Giới chuyên môn khẳng định tiết canh không mát, bổ như mọi người vẫn nghĩ. Đây là món ăn khoái khẩu nhưng cực kỳ mất vệ sinh. “Trong máu của gia súc, gia cầm kể cả những con khỏe mạnh đều chứa rất nhiều virus, vi khuẩn gây bệnh. Đó là chưa kể quá trình cắt tiết, vi khuẩn ở đường hô hấp, da, lông dễ dàng xâm nhập vào máu.
Tiết canh heo, dê, vịt, ngan… đều là món ăn có thành phần máu tươi của con vật nên sẽ chứa nhiều mầm bệnh. Khi ăn, tức là con người trực tiếp đưa vi trùng, vi khuẩn vào người. Tại bệnh viện này, trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn heo là do ăn tiết canh”- bác sĩ Nguyễn Hồng Hà cảnh báo.
Chân một bệnh nhân bị hoại tử sẽ phải cắt bỏ
Nguồn gây bệnh cho người không chỉ từ heo bệnh mà do bệnh này còn có thể lây từ heo sang các loài vật khác như chó, mèo, bò, dê. Đã có bệnh nhân sau khi ăn tiết canh dê phải nhập viện điều trị cả tháng trời. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, bệnh liên cầu khuẩn heo không chỉ lây dễ dàng qua đường tiêu hóa như ăn phải thịt, nem chạo, tiết canh chưa được nấu chín mà còn qua đường tiếp xúc.
Đó là những người có các vết thương, sây sát ở da nhưng lại tiếp xúc với máu, dịch tiết của heo bị bệnh liên cầu khi chăm sóc, giết mổ, vận chuyển thịt, máu heo bệnh… “Một bát tiết canh chỉ hơn chục ngàn đồng nhưng khi người ăn mắc bệnh ở thể nặng phải nằm viện điều trị từ vài tuần đến vài tháng với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng. Nếu bệnh nặng có thể tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh như ngớ ngẩn, mất trí nhớ, liệt, phải cắt bỏ chi”- bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cảnh báo.
Theo bác sĩ Hà, bình thường nấu chín thức ăn ở nhiệt độ 1000C, vi khuẩn liên cầu heo mới bị tiêu diệt.
Nhận biết heo bị nhiễm khuẩn liên cầu
Bình thường, vi khuẩn liên cầu vẫn cư trú ở họng một số con heo mà không gây bệnh. Tuy nhiên, khi heo bị bệnh, sức miễn dịch bị suy giảm khiến vi khuẩn liên cầu phát triển, gây bệnh. Người chăn nuôi cứ thấy heo có biểu hiện bệnh là vội vàng bán thịt nên khó nhận biết heo bị viêm phổi hay bị nhiễm trùng huyết do khuẩn liên cầu vì trên da heo chưa có biểu hiện xuất huyết, do vậy việc xác định nguồn lây để phòng tránh rất khó khăn. Với những con heo bệnh, thường có triệu chứng sốt 40-41,50C, ủ rũ, biếng ăn, run rẩy, đứng không vững, liệt và một số biểu hiện khác như viêm khớp, viêm khí quản, viêm phổi và chết đột ngột.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%