Câu chuyện World Cup: Cú 'lật kèo' ngoạn mục nhất trong lịch sử giải đấu lớn nhất hành tinh

Không bất cứ ai có thể tin nổi rằng đội bóng là ứng cử viên vô địch World Cup lại bị hạ bởi một đội bóng nghiệp dư, bởi một cầu thủ không hề biết "đá bóng" theo đúng nghĩa đen.

Ngày 29/6/1950, 10 nghìn khán giả đến sân Magalhaes Pinto với tinh thần chuẩn bị chứng kiến một màn "tàn sát không thương tiếc" của một trong những đội bóng hùng hậu nhất thế giới khi ấy, còn người hâm mộ Anh quốc và báo giới nước này chờ mong một kết quả siêu đậm đà cho đội nhà, khi đối thủ của những Alf Ramsey, Roy Bentley, Tom Finney, Stan Matthews... chỉ là đội tuyển Mỹ đậm chất nghiệp dư.

Kết thúc trận đấu, một bức điện tín từ bên kia Đại Tây Dương - thành phố Belo Horizinte (Brazil), về đến London với nội dung thông báo kết quả trận đấu thuộc lượt trận thứ hai VCK World Cup giữa Anh và Mỹ: 0-1.

Đội tuyển Mỹ ở World Cup 1950.

Sau một hồi thảo luận, phàn nàn về lỗi cẩu thả của nhân viên điện tín, tất cả các báo Anh đều đồng lòng lên trang kết quả trận đấu này là 10-1 nghiêng về đội tuyển Anh.

Đấy là kết quả hợp lý nhất, bởi khi ấy đội tuyển Anh đang ở thời kỳ thịnh vượng trên đỉnh cao, còn đội tuyển Mỹ chỉ được tập trung trước giải đấu có 10 ngày, với toàn những cầu thủ nghiệp dư với mục đích giao lưu và... du lịch là chính, thậm chí trang phục thi đấu của họ chút xíu nữa là may không kịp lúc lên đường.

Ai mà ngờ được kẻ ngáng đường, thậm chí "đá đổ" đội tuyển Anh hùng mạnh lại là một cầu thủ vô danh, thậm chí còn không đá nổi quả bóng - thủ thành Frank Borghi.

Thật ra, môn thể thao yêu thích nhất của Frank Borghi không phải là bóng đá, mà là bóng chày. Sau khoảng thời gian chơi bóng chày chuyên nghiệp khá ngắn ngủi, ông tòng quân lên đường sang châu Âu chiến đấu sau sự kiện Trân Châu Cảng năm 1942, không ít lần cận kề với cái chết ở những mặt trận ác liệt nhất trên đất Đức và được thưởng hai huy chương Trái tim tím và hai Ngôi sao đồng cho những chiến công của mình.

Frank Borghi

Chiến tranh kết thúc, chàng trai Frank Borghi trở về quê hương, chơi bóng chày cho một CLB địa phương, và chơi thêm bóng đá để giữ phong độ trong mùa đông.

Không hề biết cách đỡ bóng, khống chế, chuyền ban... dứt điểm lại càng không, vị trí duy nhất mà anh có thể lựa chọn là thủ môn. Bù lại, Frank Borghi có sự nhanh nhẹn, cộng với sự linh hoạt trong phối hợp giữa mắt và tay. Trong suốt cuộc đời mình, thủ thành này chưa từng đá một quả bóng nào, thay vào đó chỉ dùng tay để phát bóng lên.

Thể hình cao lớn cộng với bàn tay cực to và phản xạ nhanh nhẹn, đầy năng khiến của Frank Borghi khiến thủ thành này gần như ngay lập tức lọt vào mắt xanh của những tuyển trạch viên CLB bóng đá Simpkins-Ford. Cùng đội bóng này, Frank Borghi giành hai chức vô địch US Open Cup và được gọi vào đội tuyển quốc gia Mỹ tham dự World Cup 1950.

Trở lại với trận đấu lịch sử ngày ấy. Trước trận đấu này, tuyển Anh đã sớm có được chiến thắng 2-0 trước Chile, trong khi đó tuyển Mỹ thua chóng vánh 1-3 trước Tây Ban Nha ở loạt đấu đầu tiên.

HLV đội tuyển Anh tự tin vào một chiến thắng đậm đà đến mức độ để ngôi sao sáng nhất của đội lúc ấy là Stan Matthews nghỉ ngơi, hòng giữ sức cho trận đấu tiếp theo.

Và như thế, trận đấu "kỳ diệt" nhất trong lịch sử World Cup bắt đầu...

Đội tuyển Mỹ ra sân với mục tiêu chỉ thua 4-5 bàn, bởi đối thủ của họ đang được đánh giá là ứng cử viên nặng ký nhất của chức vô địch World Cup, với tỷ lệ 1 ăn 3 từ các nhà cái hàng đầu thế giới.

Ngay sau khi trọng tài nổi hồi còi khai cuộc, các cầu thủ Anh đã tràn lên tấn công dữ dội. Chỉ trong vòng có 12 phút, khung thành của Frank Borghi đã phải nhận đến 6 pha kết thúc, trong đó Frank Borghi cứu thua ngoạn mục một lần, và có đến hai lần bóng tìm đúng cột dọc.

Song "như ma làm", tất cả các đợt tấn công của đội tuyển Anh đều không thể tìm nổi mành lưới của đội tuyển Mỹ, để rồi tám phút trước giờ giải lao, bước ngoặt của trận đấu xuất hiện. Từ cự ly 23 mét, Walter Bahn tung cú dứt điểm đưa bóng đi vào góc trái khung thành của thủ môn người Anh Bert Williams, trong khi thủ thành này di chuyển theo hướng bóng, thì Joe Gaetjens đã kịp lẻn xuống đánh đầu tung lưới. 1-0 cho đội tuyển Mỹ. Và người ghi bàn đang làm công việc rửa bát trong một nhà hàng ở New York.

Joe Gaetjens ghi bàn vào lưới đội tuyển Anh.

Cả sân vận động vỡ òa trong tiếng hò reo. Song Frank Borghi và các đồng đội thì lo sợ hơn là vui mừng. "Lạy Chúa, sự trả thù của người Anh sắp đổ ập xuống đầu mình đây", Frank Borghi chết lặng trong sự sợ hãi.

Đúng như ông nghĩ, hiệp hai chứng kiến một màn "tra tấn" của đội tuyển Anh với khung thành của đội tuyển Mỹ. Những pha phạm lỗi trước vòng cấm khiến đội tuyển Mỹ liên tiếp phải nhận những cú sút phạt trực tiếp cự ly gần. Báo Brazil ngày ấy mô tả: "Khi người Anh nghĩ rằng quả bóng đã qua vạch vôi, cũng là lúc Borghi vươn tay đến được trái bóng để ngăn nó bay tiếp. Đó là một cảnh tượng hùng vĩ".

Với hai lần bóng đập cột dọc, hơn 20 cú dứt điểm trong đó có khá nhiều cú sút phạt từ cự ly gần, rốt cuộc những cú ra đòn sấm sét của người Anh đều bị Frank Borghi "mua đứt".

Tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên. Tất cả đội tuyển Anh đứng như trời trồng trên sân, không thể tin được vào điều vừa diễn ra.

Mười sáu năm sau, người Anh mới có lần đầu tiên và duy nhất tính đến nay đoạt chức vô địch World Cup. Và phải bốn mươi năm sau trận đấu này, người Mỹ mới có thêm lần góp mặt ở VCK Worlc Cup, lần này trên cương vị chủ nhà.

Với 9 lần khoác áo đội tuyển Mỹ, người hùng Frank Borghi được vinh danh tại Bảo tàng bóng đá Quốc gia 26 năm sau đó, năm 1976. Ông từ trần ngày 2/2/2015, thọ 89 tuổi và được mai táng tại nghĩa trang dành cho các cựu chiến binh quốc gia tại Lemay (Missouri).

Năm 2005, điện ảnh Mỹ đã tái hiện trận đấu lịch sử này bằng bộ phim "Trận đấu của cuộc đời", với ngôi sao điện ảnh Gerrard Butler sắm vai thủ thành Frank Borghi.