Một bé trai chỉ mới 4 tuổi nhưng đã phải chịu nỗi đau mất cả bố lẫn mẹ sau vụ tai nạn thảm khốc hồi cận Tết 2013, bản thân em thì bị mất đi một chân và chịu thương tật tới 94%.
Vụ tai nạn thảm khốc và nỗi đau sau hàng chục cuộc phẫu thuật
Hoàn cảnh thương tâm ấy của em Nguyễn Hoàng Thiên Bảo (sinh năm 2009) bắt đầu vào ngày 7/2, cận Tết Âm lịch 2013.
Sáng ngày 7/2, trên đường từ Bình Dương về Khánh Hòa đón Tết, Bảo và bố mẹ bất ngờ bị một chiếc container đâm thẳng vào. Cú đâm chí mạng ấy đã khiến bố mẹ của em tử vong ngay tại chỗ, còn Bảo thì bị kéo lê một đoạn trên đường. May mắn sao lúc đó có một người phụ nữ thấy em vẫn còn thoi thóp, liền tức tốc bế vào thẳng bệnh viện gần đó để kịp thời cứu chữa.
Tuy nhiên khi được mang đến bệnh viện, Bảo được chẩn đoán là bể xương chậu, toác hậu môn, bể bàng quang, thủng ruột... Ngay lập tức, em được chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng TPHCM để chữa trị.
Tình trạng chân trái thâm tím của Bảo lúc được chuyển vào bệnh viện ngay sau khi xảy ra tai nạn.
Bảo được bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng II chẩn đoán và quyết định cắt bỏ chân để giữ lại mạng sống.
Với tình trạng đa chấn thương ở mức độ nặng, các bác sĩ đã thống nhất cách duy nhất có thể giữ được mạng sống cho Bảo đó là phải cắt bỏ chân trái đã bị thâm tím kia. Với suy nghĩ "Thà là mất đi một chân nhưng sau này tôi còn có cơ hội được nhìn nó lớn, được thấy nó trưởng thành, còn hơn là mất luôn nó từ đây", bà nội của Bảo đã quyết định ký vào giấy cam kết để thực hiện ca phẫu thuật cắt chân cho em.
Tuy nhiên sau khi đã cắt một chân, tính mạng của Bảo vẫn chưa được đảm bảo do có đa chấn thương khác.
Sau hơn 7 tháng điều trị, Bảo đã khỏe mạnh và vui vẻ hơn.
Sau ca phẫu thuật cắt bỏ chân trái, mặc dù đã qua cơn nguy kịch nhưng các bộ phận khác trên cơ thể cùng cơ quan nội tạng của em đã bị chấn thương nghiêm trọng. Phần ruột của nó bị xoắn lại, xương chậu dập nát, bộ phận sinh dục và hậu môn cũng bị toác, thịt bị thối, phía trên đầu thì bị bể cùng đa chấn thương khác, nếu không tiếp tục phẫu thuật thì những phần đó có thể bị nhiễm trùng và ảnh hưởng bất cứ lúc nào.
Thế là sau đó, Bảo phải thực hiện thêm gần chục ca phẫu thuật lớn có, nhỏ có. Suốt 7 tháng trời như thế mà chỉ một mình nó chống chọi, mặc dù tôi là bà nội nhưng cũng chẳng biết phải làm thế nào. Trong khi nó lúc nào cũng cứ gọi "Bố ơi, mẹ ơi. Bố mẹ đâu rồi sao mà con đau quá". Nói thật chứ mỗi lần nhìn thấy nó là tôi xót lòng, ăn ngủ không yên" - bà Nguyễn Thị Lệ Hương, bà nội của Bảo, nhớ lại.
Bà nội của Bảo kể lại những ngày ở cạnh chăm sóc cho cháu mình.
Nhìn đứa đứa trẻ với nụ cười hồn nhiên thế này, không ai nghĩ là em đã phải trải qua biết bao nỗi đau thể xác.
Mất đi bố mẹ ruột, nhưng hiện Bảo đã có thêm hai tình thương lớn khác đó chính là bố mẹ nuôi của mình.
Nghị lực vượt qua số phận và phiên tòa đẫm nước mắt
Trong thời gian đầu, Bảo vẫn chưa quen với việc mình đã bị mất đi một chân. Tuổi còn nhỏ chưa hiểu chuyện, Bảo cứ luôn hỏi bà mình rằng: "Bà ơi tại sao con lại đau đến thế? Tại sao con bị mất một chân rồi, không giống với mấy bạn" càng khiến những ai nghe thấy đều vô cùng xót xa.
Từ sau tai nạn, tính tình của Bảo có phần thay đổi ít nhiều. Bà nội của em cho biết, trước đây Bảo tuy lanh lợi nhưng hiền lành, dễ tính. Thế mà đến ngày gần ra viện, em luôn sợ người lạ, hơi nghịch ngợm và khó gần. Cũng may trong thời gian nằm tại viện chữa trị, đã có rất nhiều người đến thăm hỏi, động viên. Bảo còn được các anh chị trong câu lạc bộ từ thiện đến giao lưu, làm quen và được dắt đi gặp gỡ các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn khác.
Chính vì thế mà hầu hết những người từng biết đến Bảo, trong đó có các y bác sĩ tại bệnh viện đều khẳng định rằng "trong em có một nghị lực sống vô cùng mạnh mẽ". Rất hiếm đứa bé 4 tuổi nào trải qua gần chục ca phẫu thuật nguy hiểm, đau đớn thể xác đến vậy mà giờ lại có thể cười nói, chịu mở lòng mình tiếp xúc với cộng đồng.
Bảo được mọi người đến thăm, và em còn đích thân đi giao lưu, tặng quà cho các bạn khác có hoàn cảnh khó khăn như mình.
Vào cuối tháng 9 vừa rồi, Tòa án Nhân Dân Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đã mở phiên tòa xét xử vụ tai nạn giao thông của gia đình Bảo. Lúc mới đến tòa, Bảo rất hồn nhiên và ngây thơ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Cho đến khi nghe Chủ tọa và các luật sư nhắc lại chi tiết vụ tai nạn ngày hôm đó, bỗng nhiên Bảo khóc thét, đòi: "Con muốn gặp người đã cán chết bố mẹ con" khiến nhiều người có mặt tại đó và cả chủ tọa đều cảm thấy nhói lòng.
Bảo được mẹ nuôi và bà nội đưa vào bên trong Tòa án.
Em đã khóc thét đòi gặp người đã cán chết bố mẹ mình, và trách bà nội vì đã giấu không cho mình biết.
Trước mất mát quá lớn và ảnh hưởng đến tương lai của Bảo với thương tật 94%, tòa đã tuyên án bị cáo Phạm Văn Dạng - người trực tiếp gây tai nạn 9 năm tù, và chủ doanh nghiệp xe container là ông Lê Đình Vĩnh Duy phải bồi thường cho Bảo số tiền gần 4 triệu đồng/tháng cho đến khi Bảo tròn 18 tuổi. Tuy nhiên, bị cáo Phạm Văn Dạng và ông Lê Đình Vĩnh Duy cho rằng mức bồi thường trên là quá cao, không có khả năng chi trả nên quyết định kháng cáo.
Nhận thấy hoàn cảnh của ông Dạng đã khó khăn, nay còn liên lụy đến gia đình, nên ông nội của bé Bảo đã lên tiếng xin tòa xử nhẹ hơn, chỉ mong ông Dạng có trách nhiệm với Bảo là đủ. Nói lời sau cùng, ông Dạng xin tòa xử nhẹ để về với vợ con. Chủ tọa đã cắt ngang: "Nếu bị cáo xin xử nhẹ để về cố gắng làm ăn hỗ trợ cho bé Bảo thì còn có thể chấp nhận. Con của bị cáo dù sao cũng còn cả cha và mẹ, còn cháu Bảo đã mất tất cả và mất luôn tương lai". Nhưng mãi sau khi kết thúc phiên tòa kháng cáo đến nay, bé Bảo vẫn chưa nhận được đồng bồi thường nào. Hiện em và gia đình đều sống dựa vào tiền quyên góp từ các nhà hảo tâm và phía câu lạc bộ từ thiện.
Bị cáo Phạm Văn Dạng - người trực tiếp gây tai nạn bị tuyên án 9 năm tù giam.
Hiện ước mơ của gia đình Bảo là trước mắt có thể phẫu thuật lại cánh tay trái bị thương, sau đó là gắn chân giả để Bảo có thể di chuyển, sinh hoạt một cách bình thường. Tuy nhiên, riêng số tiền phẫu thuật tay có thể lên đến 30 triệu đồng, chưa tính khoản chi phí để lắp chân. Suốt thời gian qua, gia đình đã phải thanh toán rất nhiều để Bảo thực hiện gần chục ca phẫu thuật, thuốc men nên hiện tại đã không còn khả năng chi trả nữa. Giờ đây, em chỉ còn biết nương tựa vào ông bà nội và ông ngoại của mình.
Liệu những ngày tháng sau này của Bảo sẽ ra sao khi tay em rất yếu ớt và không thể tự đi lại được vì đã mất một chân?
Mọi sự giúp đỡ hoặc muốn biết thêm chi tiết xin vui lòng liên hệ với:
Hội tình nguyện Chung tay vì cộng đồng - thuộc Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM.
Địa chỉ: 286/41/1 Khu Phố 6, Thị Trấn Nhà Bè, TP.HCM
Hoặc anh Nguyễn Tiến Danh (Chủ tịch hội) - SĐT: 0933 993 218