Cậu bé 10 tuổi bỗng hóa 'thần y' - kỳ 2

Có người khỏi bệnh còn tình nguyện ở lại làm từ thiện, phục vụ cơm nước cho gia đình “thần y”.

Hóa “thánh” từ giấc mộng “liêu trai”

Cha mẹ của “thần y” là vợ chồng ông Phùng Văn Độ, lấy nhau ngót 2 chục năm nhưng hiếm muộn nên nhận Quân làm con nuôi. Kinh tế gia đình ông Độ thuộc diện trung bình, chủ yếu có nghề làm rẫy. Trước khi “thần y” nhí bộc phát khả năng chữa bệnh, ông Độ ngày ngày đi bán mía dạo khắp các chợ trên địa bàn huyện. Còn vợ ông vừa làm nội trợ, vừa chăm sóc vườn chôm chôm và tranh thủ làm thuê kiếm thêm thu nhập.

“Thần y” Phạm Văn Quân vốn chỉ là một cậu nam sinh lớp 4, ở cái tuổi vắt mũi chưa sạch ấy bỗng chốc trở thành “thần y” nổi tiếng cũng bắt nguồn từ một giấc mơ mang đậm chất liêu trai. Họ kể lại, cách đây chừng hơn 1 năm, trong 1 đêm nằm ngủ Quân mơ thấy vị thánh vốn có tích sở hữu công năng siêu nhiên chữa bệnh cho mọi người chỉ cần 1 lần chạm vào người truyền nghề cho và nói hãy đi giúp đỡ những người đau ốm khác. Quân mang chuyện này kể với người thân và bắt đầu thử nghiệm xoa bóp trên cơ thể một số người thân trong gia đình. Từ đó, người này đồn thổi người kia nghe, những câu chuyện cứ thế được thêu dệt truyền tai nhau rằng Quân đã trở thành “thần y”.

Thời gian đầu, chỉ những người quanh vùng, sau đó, có những người ở tận miền Trung, miền Tây cũng đến nhờ “thần y” chữa trị. Có người khỏi bệnh còn tình nguyện ở lại làm từ thiện, phục vụ cơm nước cho gia đình “thần y”. Cứ thế, chuyện cậu bé được hưởng phép thánh chữa được bách bệnh đã lưu truyền gần một năm nay, nhưng số người đến nhờ chữa bỗng tăng đột biến khoảng 2 tháng trở lại đây.

“Bụt chùa nhà không thiêng?”

Từ khi Quân có khả năng chữa bệnh, mẹ của Quân gặp ai cũng "đánh bóng" câu chuyện Quân được thánh ban phép, chỉ cần ai đến chữa mà có... lòng tin thì sẽ khỏi. Để kiểm chứng về khả năng chữa bệnh của “thần y”, chúng tôi đã đi hỏi thăm một vài người đã được “thần y” chữa bệnh nhưng sự thật không giống lời đồn. Theo đó, bà Tư đồng hồ là một người hàng xóm, chỉ cách nhà “thần y” khoảng vài trăm mét, bị bệnh đau lưng. Khi nghe mọi người kể về khả năng chữa bệnh của Quân, bà cũng hồ hởi sang để nhờ cậu bé giúp chữa trị. Khi sang nhà, Quân xoa đầu bà mấy cái rồi bảo bà nằm xuống rồi quân đứng lên lưng dậm dậm. Nhưng khi về nhà, chẳng những bà không hết bệnh mà cái lưng còn đau thêm. Sau đó, người con trai của bà làm việc ở TP.Hồ Chí Minh phải đưa bà đi khám thì phát hiện bị chệch đốt sống, chữa lại mất hơn triệu đồng tiền thuốc mới đỡ được một chút. Rất nhiều trường hợp khác trong ấp nghe tiếng “thần y” đã tò mò tới xin phép chữa bệnh nhưng bệnh thì vẫn hoàn bệnh nên chẳng ai còn tin vào cách chữa bệnh của cậu bé “thần y” này nữa.

Đặc biệt, “thần y” nhí cũng vẫn chỉ là đứa trẻ. Có khi đang chữa bệnh bỗng dưng “thần y” chán quá bỏ ra vườn chôm chôm chơi, có khi lại bỏ đi tìm kẹo, uống sữa... Thậm chí, có lần “thần y” vừa đi học về lại phải chữa cho hàng trăm bệnh nhân đến mức mệt quá mà ngất xỉu. Hoặc có khi trèo lên ngọn cây chôm chôm để trốn. Một sự việc mới xảy ra mới đây, có hôm bệnh nhân đông quá, Quân mệt mỏi không muốn chữa cho ai nữa, ông Độ xách 2 tay cậu bé bắt cậu xoa cho các bệnh nhân một cách cưỡng ép.

“Thần y” mà... học dốt

Ông Hoàng Văn Sơn, Hội trưởng Hội phụ huynh trường Tiểu học Trần Bình Trọng (nơi Quân đang theo học) đồng thời là Trưởng ấp Ngô Quyền đã có thời gian dài theo dõi khẳng định cách chữa bệnh của “thần y” nhí là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Việc xoa đầu, đau đâu sờ đó mà khỏi bệnh là rất ảo tưởng. Nhìn cách chữa bệnh “một chạm” của Quân người bình thường ai cũng hiểu là vô lý, thiếu căn cứ khoa học. Không hề có công năng siêu nhiên nào cả, nếu có trường hợp đỡ bệnh cũng chỉ một phần do sự háo hức về mặt tâm lý nên người bệnh cảm thấy nhẽ nhõm nhất thời. Theo nhận định của ông Sơn, sở dĩ tình trạng chữa bệnh tại nhà của cháu Quân vẫn diễn ra là vì nhiều người có tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, họ nghe đâu có người chữa bệnh là tìm tới để cầu may. “Nhưng hiện tại tin đồn về vụ việc đã lan xa đến mức độ chính tôi đi sang địa phương khác còn nghe thấy người ta đồn rằng cậu bé “thần y” Phạm Văn Quân có nội lực phi phàm, chỉ cần tung chân đã hất bay một chiến sỹ công an. Tôi lại phải đứng ra giải thích với bà con nơi đó rằng hoàn toàn không có chuyện như vậy”, ông Sơn kể.

Khi Quân bắt đầu nổi danh làm “thần y”, xao nhãng chuyện học tập, ông Sơn cũng được Ban giám hiệu nhà trường mời lên để cùng phối hợp công tác. Theo đó, thông tin nhà trường cung cấp, cậu bé thường xuyên đến trường trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ thường xuyên, mất tập trung trong học tập. Trước kia, học lực của Quân thuộc diện trung bình, từ ngày “nổi danh” thì xuống dốc không phanh, kiểm tra chỉ lẹt đẹt 2 đến 3 điểm và gần như không còn tư duy học tập nữa vì hỏi gì cũng không biết. Trường học nội trú, nhưng nhiều lần vừa hết giờ nghỉ trưa đã có người thân đón Quân về mà không thông báo khiến cả ban giám hiệu phải hớt hải đi tìm. Sau đó, thông báo về địa phương thì được biết Quân đã ở nhà và đang chữa bệnh.

Trước tình trạng vô tổ chức và kỷ luật của Quân đáng báo động, Ban giám hiệu đã hai lần đánh giấy mời phụ huynh của Quân để tới giải trình, trao đổi công việc nhưng họ đều vắng mặt. Tình hình căng thẳng đến mức Hiệu trưởng còn đang có dự định kiến nghị “cầu cứu” Phòng giáo dục của huyện. Còn trong cuộc trò chuyện với phóng viên, ông Sơn liên tục nhắc đi nhắc lại thông điệp, cứ với tình trạng này: “Thằng bé sớm muộn gì cũng điên”. Ngoài thời gian đi học, cháu Quân phải chữa bệnh từ chiều tới tối muộn, ngày nghỉ thì gần như từ sáng tới chiều, có khi tới khuya nên có lần cháu Quân còn lên cơn co giật vì quá mệt mỏi.

Cũng theo ông Sơn, Phòng Y tế huyện Thống Nhất đã phối hợp cùng Công an huyện và các phòng ban chức năng lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra đột xuất việc khám, chữa bệnh của “thần y” nhưng chưa lần nào gặp được vì gia đình “thần y” thấy “động” nên đã đóng cửa, hoặc không chữa bệnh. Cơ quan chức năng chỉ còn nhiệm vụ giám sát, giải tán đám đông và làm công tác vận động. Sau đó, biện pháp duy nhất là mời cha của cháu Quân tới xã Bàu Hàm 2 ký cam kết không tổ chức chữa bệnh. Tuy nhiên, sau đó việc tổ chức chữa bệnh lại tiếp tục tái diễn và rộ lên. Do tính chất tự nguyện, không bắt buộc nên Công an xã Bàu Hàm 2 chỉ có thể giải tán đám đông và cắm biển cấm tụ tập đông người ở cổng nhà ông Độ. Nhưng biện pháp này dường như vô tác dụng.

Việc phát lộ “thần y” của cháu Quân còn gây ra tình trạng an ninh trật tự căng thẳng ở địa phương. Chính quyền địa phương, nhất là lực lượng công an luôn ở trạng thái trực chiến, sắp tới ông Sơn còn có kế hoạch lắp mạng lưới loa truyền thanh ngay ở vườn chôm chôm nhà “thần y”, lập ra ban phát thanh tuyên truyền để người dân được tiếp cận vấn đề.