Cận Tết, bệnh viêm não mô cầu bùng phát

Bệnh viêm não mô cầu có khả năng gây tử vong trong vòng 48 tiếng với tỷ lệ tử vong rất cao nếu bị nhiễm khuẩn huyết. Trong khi đó, nhiễm khuẩn huyết do virus não mô cầu ít xuất hiện nhưng lại rất dễ chẩn đoán nhầm.

Đến hôm nay, ca bệnh mắc viêm não mô cầu đầu tiên trong năm 2012 đang điều trị tại BV Nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) đã dần hồi tỉnh, dự kiến có thể xuất viện trong tuần này. Bệnh nhân nữ, 21 tuổi, quê Xuân Trường, Nam Định nhưng đã từng có thời gian sống và làm việc tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, PGĐ Trung tâm Y tế dự phòng HN cho hay, bệnh nhân từng buôn bán tại cửa hàng ở 141 Hồng Mai, Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng. Sau khi về quê Nam Định được vài ngày thì phát bệnh, nhập BV Nhiệt đới T.Ư. Các chuyên gia lo ngại, rất có thể nhiều người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân này, do đó đã tiến hành giám sát chặt chẽ và cho uống thuốc dự phòng ngay cả khi sức khỏe của họ vẫn ổn định.


Bệnh nhân mắc viêm não mô cầu. Ảnh BS.

Tại TP. HCM, hiện số ca mắc viêm não mô cầu vẫn có xu hướng gia tăng bắt nguồn từ “ổ dịch” của một khu chế xuất. Nhiều chuyên gia dịch tễ lo ngại về khả năng lây lan nhanh chóng của căn bệnh này nhất là khi thời tiết lạnh thất thường như hiện nay, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.

Đang lo lắng hơn cả là bệnh viêm não mô cầu rất dễ lây truyền qua đường hô hấp, nguy cơ tử vong cao chỉ trong vòng 24-48 tiếng đồng hồ. Vi khuẩn gây viêm não mô cầu có nhiều ở vùng hầu họng người nên rất dễ lây lan qua đường hô hấp khi bệnh nhân ho, hắt hơi. Loại vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Bệnh nhân bị khuẩn huyết do loại virus mô não cầu - dù ít xuất hiện song tỷ lệ tử vong là rất cao.

Tuy nguy hiểm nhưng theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (BV Nhiệt đới T.Ư), nếu chú ý các biểu hiện và phát hiện sớm bệnh, điều trị kịp thời thì có thể hạn chế được các biến chứng và tỷ lệ tử vong. Vì thế  khi thấy các triệu chứng điển hình như sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau mình, mệt mỏi, đau họng, đau nhức cơ khớp, có nhiều ban, tụt huyết áp... cần cách ly bệnh nhân và đưa ngay đến cơ sở y tế. Người trong khu vực nguồn lây, đã từng tiếp xúc với bệnh nhân có thể uống kháng sinh để phòng bệnh. Hiện, bệnh viêm não mô cầu đã có vaccine phòng bệnh cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Người dân có thể đến các cơ sở y tế dự phòng để được các bác sĩ tư vấn dự phòng bệnh.


Hạn chế tiếp xúc đông người để phòng bệnh.

Bộ Y tế hiện cũng đang rất lo lắng về khả năng lây lan của dịch bệnh này khi chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc. Vì vậy, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền các biện pháp vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường để phòng chống bệnh viêm màng não do não mô cầu trên địa bàn.

Đồng thời, giám sát chặt chẽ các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân và các trường hợp nghi ngờ. Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, thu dung điều trị kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch. Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống dịch....

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, dịp Tết, hạn chế tối đa tiếp xúc nơi đông người do virus viêm não cầu và các loại virus cúm khác rất dễ lây lan qua đường hô hấp. Khi ho, khạc đờm, hắt hơi cần lấy tay che miệng, giữ vệ sinh chung. Thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng bệnh như rửa tay bằng xà phòng, súc miệng nước muối...