Chiều 25/6, Cục Điện ảnh có buổi gặp gỡ báo chí để bày tỏ quan điểm về việc serie sitcom Căn hộ số 69 tự dán nhãn 18+ và đăng tải trên Youtube gây xôn xao thời gian qua. Ngay sau khi tập một ra mắt và gây tranh cãi về những cảnh quay được cho là tục tĩu, thô thiển thì hôm 21/6, Cục Điện ảnh thông báo đã có văn bản gửi Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để xem xét việc phim vi phạm quy trình sản xuất và phổ biến phim tại Việt Nam.
Ông Đỗ Duy Anh cho biết quy trình sản xuất và phổ biến với các bộ phim tại Việt Nam đã được quy định rõ trong Luật Điện ảnh. “Các cơ sở, tổ chức muốn sản xuất phim thì phải thông qua một đơn vị kinh doanh, nhưng đơn vị đó phải có chức năng sản xuất phim, nghĩa là các đơn vị đó phải đăng ký ở Sở Kế hoạch và Đầu tư và muốn có thêm chức năng ấy thì phải có thêm giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề sản xuất phim do Cục Điện ảnh cấp. Các cá nhân sản xuất phim mà không có tư cách pháp nhân hay thông qua tổ chức, công ty nào là trái với pháp luật”.
Ông Đỗ Duy Anh, Cục phó Điện Ảnh, chia sẻ về quan điểm của Cục Điện Ảnh trước trường hợp "Căn hộ số 69" trong buổi gặp gỡ với báo chí chiều 25/6.
Ông Duy Anh cũng cho biết, khi các đơn vị sản xuất phim đã thực hiện đúng quá trình làm một bộ phim thì bước tiếp theo là phải thông qua các hội đồng thẩm định và cấp phép phổ biến phim. “Với Căn hộ số 69, điều thứ nhất là (nhà sản xuất) Nam Cito đã không tuân theo quy định về sản xuất phim (điều 49, Luật Điện ảnh) vì theo điều tra, Cục Điện ảnh được biết đây là một nhóm phim và không trực thuộc cơ sở nào có chức năng sản xuất phim. Khi phát hành, Căn hộ số 69 hoàn toàn không thông qua kiểm định để cấp phép phát hành, phổ biến phim (điều 51, Luật Điện ảnh)”, ông nói.
Trước câu hỏi liệu Youtube có phải là một chủ thể liên quan hay không, ông Đỗ Duy Anh chia sẻ rằng POPS Worldwide - đối tác kinh doanh duy nhất của Youtube tại Việt Nam - khẳng định tài khoản “Căn hộ số 69 Official Channel” không phải đối tác của họ mà chỉ là một tài khoản bình thường, bản quyền của sản phẩm đăng tải ở địa chỉ này không được bảo vệ và người dùng sẽ quyết định sự tồn tại của Căn hộ số 69 tuân theo các “Nguyên tắc cộng đồng” của Youtube.
Dù chỉ đăng tải lên Youtube nhưng "Căn hộ số 69" có một poster rất mời gọi.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ này, Căn hộ số 69 gây nhiều tranh cãi về việc gọi đây là một “bộ phim”, một “sản phẩm” hay “video clip” bởi mỗi ngày, Youtube có tới hàng nghìn video được người dùng đăng tải. Bản thân Nam Cito cũng từng trả lời: “Êkíp của tôi đơn thuần là những người có đam mê và muốn chia sẻ cho mọi người một sản phẩm giải trí không vì mục đích lợi nhuận”. Tuy nhiên, Căn hộ số 69 lại quảng bá rất rầm rộ trên các phương tiện truyền thông cùng những bộ ảnh khá “nóng” của các diễn viên.
Ông Duy Anh cũng cho biết, Cục Điện ảnh vẫn chưa xem qua Căn hộ số 69, nhưng “được biết tới đây là một bộ phim nhờ các phương tiện truyền thông phản ánh” nên Cục đã có động thái gửi văn bản trình lên các cơ quan chức năng điều tra việc vi phạm pháp luật. Căn hộ số 69 đang được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch điều tra về nội dung, dựa trên các quy phạm pháp luật của Luật điện ảnh, Luật Công nghệ thông tin, Nghị định Chính phủ 72 và chưa có kết quả cuối cùng. Chính vì vậy, việc Căn hộ số 69 có được coi là một “bộ phim” hay không và có hình thức xử phạt ra sao vẫn chưa thể kết luận.
Cục Điện ảnh đang tổ chức xây dựng phân loại phim theo độ tuổi và dự kiến quý II năm sau sẽ ban bố quy chế, thông tư. Hiện nay, quy định phổ biến phim tại Việt Nam mới giới hạn theo hai mức - các phim được phổ biến rộng rãi và các phim cấm khán giả dưới 16 tuổi. Căn hộ số 69 lại được gắn mác là “18+”. Đây là một trường hợp chưa từng có trong tiền lệ. Căn hộ số 69được giới thiệu là một serie sitcom dài 25 tập với mỗi tập 20 phút, được phát hành một tháng một lần trên Youtube. Việc sản xuất và phổ biến bộ phim theo quy định đều phải được thông qua Cục Điện ảnh, nhưng Youtube lại là một mạng xã hội quốc tế và “chơi” theo luật quốc tế với các tài khoản đăng ký.
Ngay ở tập đầu tiên, Căn hộ số 69 đã có nhiều cảnh quay rất nhạy cảm như cảnh chàng trai “tự sướng” trên ghế sofa hay ở bến xe bus, cảnh cô gái ăn chuối được quay đặc tả với các tư thế, chuyển động cơ thể rất khêu gợi hay cảnh cô gái vô tư khoe áo ngực sau khi thốt lên: “Nóng thế này thì làm sao mà con phát triển được, phải cởi ra”…
Nhiều ý kiến ủng hộ bộ phim, cho rằng những cảnh quay này khá bình thường và không đến nỗi gây phản cảm. Thu Anh, 26 tuổi, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, nói: “Tôi thấy nội dung không có gì quá nhạy cảm và bản thân các diễn viên cũng rất tự nhiên. Xem xong tập 1 tôi đã cười rất nhiều và muốn xem tập 2 diễn biến ra sao”.
Tuy nhiên, blogger Nhật Quang lại có ý kiến: “Khi biết Căn hộ số 69 đang gây cơn sốt, tôi cố gắng xem hết và xem xong nghi ngờ về độ hài hước của bản thân mình”.
Facebooker Lê Hồng Lâm bày tỏ quan điểm: “Căn hộ số 69 không gọi là ‘phim’ mà gọi là ‘sitcom’, một kiểu serie truyền hình làm để phát theo mùa như bên Mỹ. Internet là một thứ rất khó kiểm duyệt và với chế độ kiểm duyệt ở Việt Nam thì chỉ còn cách chặn. Căn hộ số 69 có mục đích thương mại rất rõ ràng (dựa vào lượt view để chia sẻ lợi nhuận), nên làm quá thô thiển. Mới tập đầu đã thô thiển thế thì các tập sau không biết còn đi đến đâu. Trong khi đó, các bạn hoàn toàn có thể làm tử tế để tạo thương hiệu trước rồi tính đến mục tiêu thương mại từ từ. Tôi không ủng hộ chuyện kiểm duyệt như bây giờ nhưng với ba cái thứ tào lao này thì tôi cũng không ủng hộ nó tồn tại”.