Cán bộ, công chức cũng phải đi nghĩa vụ quân sự?

Đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, có ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) diễn ra hôm 14/8.

Đề cập các trường hợp được tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình, đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết trong luật hiện hành cũng như đề xuất sửa đổi lần này chỉ thiết kế một số trường hợp nhất định được miễn.

Những cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị không thuộc diện được miễn, nhưng thực tế lâu nay khi tuyển quân thì hầu như không tuyển số này.

Nhập ngũ đa số là con em nông dân

Theo ông Thanh, hằng năm có gần 7 triệu công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ (từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi), tuy nhiên số lượng gọi nhập ngũ rất ít.

Số liệu giám sát từ Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho hay số công dân nhập ngũ hằng năm chỉ chiếm 0,12% tổng dân số và 5,87% tổng số công dân nam trong độ tuổi 18-25.

Một bộ phận công dân đã có việc làm, có trình độ học vấn cao, có chuyên môn kỹ thuật và con em cán bộ, công chức, các gia đình có điều kiện kinh tế thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ chưa nhiều (chỉ chiếm 4,94%) và có xu hướng giảm.

Con em nông dân, người chưa có việc làm chiếm số đông (trên 80%) và có xu hướng tăng, tỉ lệ con em là người dân tộc còn thấp (khoảng 14%).

Ông Thanh khẳng định: “Từ các năm sau sẽ tuyển cán bộ, công chức, viên chức đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp vào phục vụ trong quân đội. Làm được như vậy thì rất tốt. Chất lượng của hạ sĩ quan, chiến sĩ trong quân đội sẽ nâng lên ngay. Một số trường hợp nếu tự nguyện thì sẽ được phục vụ lâu dài trong quân đội”.

Bày tỏ quan điểm mong muốn dự thảo luật có những quy định linh hoạt và phù hợp sao cho thực hiện được tinh thần của Hiến pháp 2013 là “công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng với thế hệ trẻ thì việc trải qua một thời kỳ trong quân ngũ là điều cần thiết, “hiện nay ngoài xã hội còn mở ra các lớp dưới hình thức học kỳ quân đội hay là trại hè quân nhân cơ mà”.

Chủ tịch Quốc hội nói giờ đây con em một bộ phận gia đình thường vào thẳng đại học nên không trải qua môi trường rèn luyện khó khăn, vất vả, hoặc đến tuổi cho đi nước ngoài mà chưa biết bảo vệ Tổ quốc là gì.

Với việc bảo vệ Tổ quốc thì ai học cũng hiểu, ai nói cũng hay, nhưng khi lâm sự thì phải trải qua rèn luyện mới vững vàng, “ít nhất sáng dậy biết gấp màn, gấp chăn cho vuông vức, biết mùi lăn lê bò toài, biết cầm súng”.

“Tất cả đối tượng như tôi nói ở trên thì thời hạn tại ngũ có thể là 18 tháng, còn các trường hợp đi vào chuyên môn như xe tăng, tên lửa... thì thời hạn tại ngũ có thể lên 24 tháng” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Phát biểu sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng không nên mở rộng đối tượng hoãn, miễn mà nên thu hẹp, thậm chí bất cứ ai cũng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nói: “Ở Hàn Quốc, mọi thanh niên đến tuổi đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ai không thực hiện bị xử tù. Ca sĩ Bi Rain nổi tiếng cả thế giới cũng phải tòng quân như thường”.

Tăng quân số thì ngân sách không chịu nổi

Theo quy định hiện hành, thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng, riêng hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân là 24 tháng. Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết ban soạn thảo đề xuất nâng thời hạn tại ngũ lên mức chung là 24 tháng. 

Giải trình đề xuất tăng số lượng thực hiện nghĩa vụ quân sự theo hướng mọi công dân đều phải trải qua môi trường rèn luyện này, đại tướng Phùng Quang Thanh nói để đáp ứng điều đó thì quân đội phải tổ chức thêm bộ khung từ cấp trung đội trở lên, rồi doanh trại, thao trường, ăn uống, điện nước, xăng xe... và các tiêu hao khác rất lớn về vũ khí, đạn dược để tập luyện.

Như vậy chi phí sẽ tăng lên đến mức “ngân sách không chịu nổi” khi quân số tăng gấp đôi, gấp ba và nhiều hơn nữa.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình với điều kiện ngân sách hiện nay thì không thể hằng năm gọi 7 triệu người vào quân ngũ. Vấn đề đặt ra là có mở rộng hình thức và có nghĩa vụ thay thế hay không để đảm bảo nguyên tắc mọi công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự?

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị nghiên cứu việc kéo dài độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đến sau 25 tuổi, để tạo điều kiện cho nhiều công dân được thực hiện nghĩa vụ này hơn. 

Về việc dự thảo chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, giới hạn như vậy không phù hợp với chủ trương không phân biệt các loại hình giáo dục.

Tuy nhiên, ông Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng - lại cho rằng chỉ cho tạm hoãn với sinh viên hệ chính quy là đúng, học ngoài công lập cũng là chính quy vì chính quy ở đây được hiểu là học tập trung và dài hạn. “Nếu học tại chức, học từ xa, tự học có hướng dẫn... mà cũng được hoãn thì biết như thế nào” - ông Thi nói.