Học mà không được thi, chắc chắn các em sẽ mất đi động lực học tập trong suốt cuộc đời mình sau này, chứ không chỉ khi còn là học sinh. Nó sẽ để lại hậu quả tâm lý tiêu cực không chỉ cho bản thân các em. Thi mà trượt khác hẳn với không được dự thi.
|
Mùa thi nào cũng có tin... giật gân. Năm ngoái là chuyện nhiều điểm không (0) với môn Sử, nay lại là chuyện một sở giáo dục tỉnh nọ định không cho học sinh "có học lực kém" đăng ký dự thi đại học. Và còn chuyện gì nữa đây?
Trước hết, phải nói rằng chủ trương này có thể xuất phát từ ý định tốt. Qua quá trình đánh giá thường xuyên, giáo viên có thể ước định (assess) rằng học sinh nào đó có thể hoặc không thể vượt qua được kỳ thi X nào đó.
Tuy nhiên, những ước định ấy vẫn mang tính chủ quan và chủ trương này sẽ mang lại những điều phức tạp khác mà người đưa ra chủ trương chưa lường hết. Chúng ta nên bình tĩnh xem xét.
Phép đo và thước đo khác nhau
Về mặt lý thuyết rất khó khẳng định rằng học sinh "có học lực yếu" trong quá trình học tập hoặc có kết quả thấp trong kỳ thi thử không thể vượt qua kỳ thi chính thức.
Đầu tiên, thước đo giữa các bài thi rất khác nhau. Kết quả đánh giá thường xuyên hoặc của bài thi thử liệu có đủ độ tin cậy không? Thước đo của các đợt kiểm tra- thi có cùng tiêu chuẩn không? Chất lượng các bài thi- kiểm tra có được đo lường để đảm bảo có độ khó nhất quán không?... Đó là chưa kể đến tình trạng tâm sinh lý của thí sinh trong các kỳ thi- kiểm tra.
Đó cũng là một số câu hỏi ta cần trả lời.
Tôi cho rằng các bài thi- kiểm tra trong hệ thống trường phổ thông của Việt Nam chưa đạt được độ nhất quán về các tiêu chí cơ bản cần phải có. Nói theo ngôn ngữ dân dã là "nay khó mai dễ". Bài thi cho học kỳ 2 có thể dễ hơn bài thi cho học kỳ 1...
Đơn giản vì các câu hỏi hay bài thi chưa bao giờ được mang ra thi thử để đánh giá và điều chỉnh sao cho đáp ứng được các tiêu chí cần có của các câu hỏi thi.
Do vậy, ta khó khẳng định được rằng kết quả luôn đánh giá đúng học lực một cách nhất quán. Ai làm nghề dạy học cũng đều từng biên soạn đề thi một đôi lần, nhưng không phải tất cả họ đều trả lời được câu hỏi "Tại sao? Để làm gì? Đánh giá cái gì? Thế nào?... " một cách thỏa đáng khi đặt bút biên soạn đề thi.
Hơn nữa, yêu cầu của bài thi tuyển sinh đại học không hoàn toàn giống yêu cầu của bài thi kết thúc khóa học hay bài thi đánh giá thường xuyên về bản chất.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTO)
Bài thi tốt nghiệp hoặc kiểm tra thường xuyên đánh giá người học và người dạy đã đạt được những gì so với mục tiêu của chương trình học tập- đỗ càng nhiều càng tốt! Trong khi đó, bài thi tuyển sinh đại học muốn đo xem thí sinh có đủ năng lực và kết quả bài thi có được chấp nhận (vào trường đại học nào đó) hay không vì yếu tố "chỉ tiêu".
Theo quan sát của tôi, các bài thi- kiểm tra ở trường phổ thông hiện nay mới thể hiện nội dung sách giáo khoa cụ thể. Nói rằng bài thi tuyển sinh phải "bám sát sách giáo khoa" chỉ là cách nói quen miệng, lẫn lộn với bài thi tốt nghiệp THPT về bản chất.
Phải nói là "bám sát chương trình" thì mới đúng. Vì chương trình có một nhưng sách giáo khoa có thể có hơn một. Như vậy, rất có thể học sinh không làm tốt bài thi theo sách giáo khoa vẫn có thể làm tốt ở bài thi dựa trên chương trình trong kỳ thi tuyển sinh đại học.
Bằng những thực tế qua nhiều lần tham gia biên soạn đề thi tuyển sinh cho trường nơi mình công tác, người viết bài có thể khẳng định rằng không phải đề thi của các năm đều có độ khó, khả năng phân loại tích cực..., như nhau. Đề thi của Bộ GD và ĐT hiện nay, tuy có ngân hàng câu hỏi, nhưng tình trạng này cũng chưa được cải thiện nhiều do rất nhiều nguyên nhân.
Do vậy, rất có thể học sinh bị xếp hạng học lực yếu vẫn vượt qua kỳ thi nào đó thì cũng không phải vì may rủi hoặc do cả hai: Đề thi thiếu nhất quán về độ khó và tính giá trị..., và yếu tố tâm lý cá nhân.
Trong thực tế, tâm sinh lý của các em học sinh phát triển không đồng đều về nhịp độ, có em phát triển sớm có em phát triển muộn. 12 năm giáo dục phổ thông chưa hẳn đã phản ánh đúng và đầy đủ được trí lực và học lực thật của học sinh.
Và đặc biệt không đủ khả năng dự báo được sự phát triển của trí lực trong quá trình giáo dục sau phổ thông. Hơn nữa, chương trình học phổ thông có nhiều môn, nhưng kỳ thi tuyển sinh chỉ tập trung vào số môn nhất định. Có học sinh thiên về các môn khoa học, có học sinh lại thiên về các môn xã hội- nhân văn ...
Trái ngược với "học sinh có học lực kém", là "học sinh giỏi". Nhưng thực tế cho biết không phải mọi thành viên đội tuyển học sinh giỏi đều thi đậu đại học. Có vài em tôi biết, luôn ở top-2/3 của đội tuyển khối chuyên đại học X lại thi trượt đại học đến... hai lần.
Ngoài ra, theo quan sát của giảng viên trực tiếp dạy đại học, một số không nhỏ sinh viên tuyển thẳng đã tỏ ra không khá hơn những sinh viên khác, với chính môn học đoạt giải, thậm chí ngược lại.
Quyền và cơ hội của học sinh
Ngoài những yếu tố có tính kỹ thuật về đánh giá trong giáo dục, chủ trương không cho học sinh có học lực kém đăng ký thi dự thi tuyển sinh đại học vi phạm quyền chính đáng của học sinh.
Hơn nữa, chủ trương này chưa tính đến những tiêu cực có thể xảy ra một khi học sinh có khả năng bị "cấm" vẫn muốn dự thi: Mua điểm và sửa học bạ- chuyện đã xảy ra những năm trước đây khi có chủ trương xét tuyển vào đại học, v.v...
Hãy để các em thực hiện quyền của mình, đồng thời đó cũng là những thử thách và cơ hội, thậm chí là ước mơ. Học mà không được thi, chắc chắn các em sẽ mất đi động lực học tập trong suốt cuộc đời mình sau này chứ không chỉ khi còn là học sinh. Nó sẽ để lại hậu quả tâm lý tiêu cực không chỉ cho bản thân các em. Thi mà trượt khác hẳn với không được dự thi.
Thi không đậu, học sinh phải tự điều chỉnh kế hoạch vì họ cũng hiểu rằng cuộc đời không thể chỉ dành cho những kỳ thi đi thi lại, và sẽ tìm hướng khác.
Mở cổng mới trước khi đóng cổng cũ
Nếu lời hứa hay kế hoạch đúng như của tỉnh nọ, và có thể các tỉnh khác, tạo điều kiện hướng nghiệp và tạo việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp THPT... thì đó là điều tốt. Nhưng liệu đó có phải là lời hứa có đảm bảo và có độ bền vững không?
Hãy hiện thực hóa điều đó và cho xã hội thấy kết quả trước khi ngăn các em dự thi đại học.
Song, cũng từ vấn đề này, đã đến lúc Bộ GD và ĐT phải nghĩ đến một phương án kết hợp được hai kỳ thi - tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Hoặc có phương án có thể giúp học sinh dự thi tuyển sinh quanh năm, giảm bớt áp lực của "mùa thi" hàng năm, như những nước có nền giáo dục tiên tiến, hoặc các nước trong khu vực đã và đang làm.
Ngoài ra, một khi vẫn còn kỳ thi tuyển sinh đại học (chắc sẽ còn lâu - vì đến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,... vẫn chưa bỏ được), thì cơ cấu môn thi cũng cần được nghiên cứu để cải tiến, thay cho việc chia thành các khối thi như hiện nay.
Vai trò và trách nhiệm của nhà trường phổ thông là thực hiện tốt công trình hợp tác giữa người học và người dạy. Còn thi đại học hay không, hãy để học sinh tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Ông Kim Ngọc nổi tiếng vì có đề xuất mang tính thúc đẩy. Còn các đồng chí đồng hương của ông trong ngành giáo dục hiện nay lại muốn tạo sự kiện để... PR?
Lại một chuyện nữa khiến giáo dục của ta chẳng giống ai!
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?