* Tiếp tục cập nhật
Mỹ: Từ Washington, một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama nói Mỹ sẽ thực hiện việc hủy bỏ kế hoạch viện trợ lương thực cho CHDCND Triều Tiên.
Một binh sĩ Triều Tiên đứng gác gần bệ phóng tên lửa (Ảnh: AP)
Quan chức này cũng cho rằng vụ phóng vệ tinh thất bại cho thấy sự hiệu quả của các lệnh cấm vận hiện giờ đối với Bình Nhưỡng.
"CHDCND Triều Tiên chỉ ngày càng tự cô lập", báo Mỹ USA Today dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney.Tuyên bố không nói về khả năng tìm kiếm các lệnh cấm vận mới của Liên Hiệp Quốc chống lại CHDCND Triều Tiên, điều mà Mỹ đã cảnh báo nếu vụ phóng thử được tiến hành.
Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc sẽ có cuộc họp dự kiến vào sáng ngày 13/4 (giờ địa phương, tối cùng ngày giờ Việt Nam).
Trung Quốc: Cho đến giờ, hơn bốn tiếng sau vụ phóng thử, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào. Tân Hoa Xã có dẫn thông tin truyền thông từ các nước khác liên quan tới vụ phóng này, tuy nhiên Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào hơn hai giờ sau khi vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên được các nước xác nhận.
Trước đó, Bắc Kinh đã kêu gọi tất cả các bên "kiềm chế" và tránh làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Anh: William Hague, Bộ trưởng ngoại giao Anh phát biểu: “Tôi hết sức quan ngại về vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên. Vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo và do đó, là sự vi phạm nghiêm trọng nghị quyết 1874 của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Tôi hối thúc mạnh mẽ CHDCND Triều Tiên ngừng tất cả các hoạt động tên lửa và hạt nhân và cam kết nối lại đàm phán với cộng đồng quốc tế”.
Đức: Guido Westerwelle, Bộ trưởng ngoại giao Đức: “Tôi lên án cố gắng phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Đây là sự vi phạm các luật lệ quốc tế và sẽ làm tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc phải có câu trả lời mạnh mẽ cho việc vi phạm luật lệ quốc tế này”.
G8: Tại cuộc họp G8 cùng ngày, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) đã lên án vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, đồng thời tuyên bố họ đang cân nhắc tới những hành động thích đáng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Hàn Quốc - Mỹ điện đàm: Nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc ngày 13/4 cho biết Ngoại trưởng nước này Kim Sung-hwan và người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton khẳng định sẽ có những hành động cứng rắn trước việc CHDCND Triều Tiên bắn thử tên lửa tầm xa. Sau 10 phút điện đàm, hai bên nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ trước việc phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, khẳng định sẽ yêu cầu HĐBA ra nghị quyết lên án hành động đó của CHDCND Triều Tiên.
Người dân theo dõi hình ảnh tên lửa bắt đầu phóng lên (Ảnh: AFP)
Hàn - Mỹ cũng thống nhất quan điểm cộng đồng quốc tế cần đưa ra những thông điệp mạnh mẽ lên án hành động phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Nga: Hãng thông tấn Interfax dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Bộ Ngoại giao Nga ngày 13/4 nói rằng vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên diễn ra sáng cùng ngày đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ.
Trước đó Matxcơva đã hối thúc Bình Nhưỡng không tiến hành vụ phóng này, nhấn mạnh rằng kế hoạch đó vi phạm các nghị quyết của HĐBA bất kể với mục đích gì, đồng thời làm phức tạp các nỗ lực nhằm khôi phục tiến trình đàm phán sáu bên liên quan tới chương trình hạt nhân CHDCND Triều Tiên.
Nhật Bản: Từ Tokyo, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura nói một vệ tinh của Mỹ định vị được vụ phóng vào lúc 7h40, nhưng không cần can thiệp vì tên lửa bị vỡ làm nhiều mảnh. Ông thông báo thủ tướng Nhật sẽ tiến hành một cuộc họp khẩn cấp với các cố vấn an ninh quốc gia. Ngoài ra, ông Fujimura cũng kêu gọi người dân Nhật Bản "tiếp tục cuộc sống thường nhật" và không có gì phải lo sợ.
Ngày 13/4, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua nghị quyết phản đối vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên diễn ra sáng cùng ngày.
Nghị quyết nêu rõ: "Vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên là không thể chấp nhận được. Việc đe dọa tới hòa bình - ổn định của khu vực Đông Á sẽ càng làm cho Bình Nhưỡng bị cô lập". Nghị quyết cũng kêu gọi CHDCND Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) và thực thi nghiêm chỉnh Tuyên bố chung của vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên. Theo kế hoạch, Thượng viện Nhật Bản sẽ họp phiên toàn thể vào ngày 16/4 và ra một nghị quyết tương tự lên án Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Cơ quan cảnh sát Nhật Bản cho biết đã ra lệnh cho toàn bộ các đơn vị cảnh sát địa phương thu thập thông tin về các động thái của Bình Nhưỡng, tăng cường bảo vệ các cơ quan chính phủ như Văn phòng Thủ tướng và Bộ Ngoại giao. Tại Okinawa, các đội đặc nhiệm tiếp tục được duy trì trong trạng thái cảnh giác cao.
Canada: Cùng ngày, Ngoại trưởng Canađa John Baird tuyên bố nước này "lên án mạnh mẽ" vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Ông nói: "Kiểu hành xử đó hết sức tạo tợn và khiêu khích", nhấn mạnh rằng Canađa "vẫn hết sức quan ngại" trước những hành động gây hấn của Bình Nhưỡng, bao gồm các vụ thử tên lửa cũng như hoạt động phát triển vũ khí tên lửa của nước này.
Trong khi đó, Chính phủ Philippines đã hạ mức báo động từ đỏ xuống xanh sau vụ phóng vệ tinh bất thành của Bắc Triều Tiên.