Các nguyên nhân có thể gây cháy xe

Chất lượng xăng dầu, phụ tùng, chế độ bảo trì và điều kiện vận hành là những nguyên nhân có thể gây cháy xe. Nhưng đến nay các chuyên gia vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về việc này.

Một chuyên gia ôtô từng công tác 10 năm trong ngành này tại Đức nhận xét rằng tìm nguyên nhân chung cho tất cả các vụ cháy xe gần đây là không tưởng, bởi mỗi vụ hỏa hoạn xe chịu nhiều yếu tố tác động cả từ trong lẫn bên ngoài chiếc xe. Điều cần làm là thống kê, nghiên cứu để tìm ra một nguyên nhân có tần suất gây cháy nhiều nhất.

"Chúng ta không nên đổ lỗi cho một yếu tố duy nhất, nhưng cũng không được đánh đồng tất cả. Phải thống kê được tỷ lệ của từng nguyên nhân. Chẳng hạn do chập điện là bao nhiêu phần trăm, do sơ ý của người sử dụng là bao nhiêu. Có đúng xăng chất lượng kém là chính hay không. Như thế mới giúp người sử dụng yên tâm được", chuyên gia không muốn nêu tên này nói.

Hiện nay các cơ quan chức năng vẫn chưa kết luận được đâu là nguyên nhân gây cháy. Tất cả vẫn đang dừng ở các giả thiết.

Cháy xe do chập điện

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí Động lực, Đại học Bách Khoa nhận định, hầu hết vụ cháy đều bắt nguồn từ hệ thống điện và hệ thống xả của động cơ.

“Xe mới hay cũ đều có nguy cơ cháy khi hệ thống phụ tùng, đặc biệt là hệ thống dây điện, tiếp điểm, rơ le, sạc ác quy có độ bền nhiệt không đáp ứng yêu cầu hoặc phải hoạt động trong điều kiện quá khắc nghiệt”, ông Tuấn nói.

Do môi trường nóng ẩm, kết hợp với chất lượng của rơ le, cuộn đề, một số phương tiện khó khởi động, nhất là mùa đông, nên chủ phương tiện sẽ kéo dài thời gian, đề nhiều lần. Do tiếp xúc không tốt, nên tia lửa điện đã được hình thành tại rơ le đề hoặc dây lửa điện hay cuộn đề bị nóng dẫn đến cháy. Ngoài ra, hiện tượng chập điện có thể do bị chuột cắn dây dẫn, thậm chí có thể cả ống dẫn nhiên liệu bị rò rỉ.

Trong trường hợp hệ thống bảo vệ đường điện không tốt hay hay gần nguồn nóng từ động cơ có thể dẫn tới hiện tượng như cọ xát cơ khí và gây chập điện hay biến dạng nhiệt dần gây cháy. Đồng thời, nếu đường ống xả có chất lượng không tốt, khí thải khó thoát ra ngoài làm đường ống nóng đỏ và khi tiếp xúc với vật liệu dễ cháy sẽ hình thành nguồn lửa.

Tối 25/2, chiếc Hoda Civic trị giá hơn nửa tỷ đồng đang đỗ ở tầng của một gia đình ở thành phố Nha Trang bỗng bốc cháy dữ dội. Ảnh: Nguyễn Nam An

Chế độ bảo trì

Chế độ bảo trì, bảo dưỡng phương tiện không phù hợp, hệ thống phụ tùng thay thế không được kiểm soát chất lượng và việc lắp ráp thêm các hệ thống mới như còi, đèn, đã gây quá tải cho hệ thống điện của phương tiện. Thậm chí nhiều người sử dụng còn quên bảo dưỡng định kỳ.

Anh Đào Văn Tuấn, giám đốc một cơ sở sửa chữa xe máy tại TP HCM đã gặp nhiều trường hợp xe quên đổ nước làm mát, quạt gió kẹt không hoạt động. Các xe đời mới trang bị phun xăng điện tử làm mát bằng dung dịch phải thường xuyên kiểm tra mực nước. Có những xe để hằng năm không bổ sung thêm khiến động cơ bị nóng, chảy nhựa và suýt gây cháy.

Ngoài ra, điều kiện vận hành khắc nghiệt do thời tiết nóng ẩm, bụi bẩn, tắc đường… dẫn tới việc lão hóa nhanh các hệ thống, thiết bị phụ trợ của xe. Trong khi đó, các thiết kế, bố trí của một số phương tiện chưa lường trước được các điều kiện này.

Còn ông Lê Bạch Chúc, Trung tâm An toàn hóa chất Bảo vệ môi trường phân tích thêm yếu tích thêm yếu tố tăng thêm nguy cơ cháy do yếu tố con người như bơm xăng trong các xe đời mới đặt ngập trong xăng, khi ống dẫn xăng thủng xăng sẽ văng lên các bộ phận khác. Cùng với đó, đường dây dẫn nằm trong khoang động cơ. Khi vận hành xe có thể bị một số chi tiết động cà vào làm thủng gây chập mạch.

Kỹ thuật không hoàn thiện của xe

Theo ông Lê Bạch Chúc, để xảy ra cháy xe cần hội tụ đủ các yếu tố là vật liệu có thể cháy và tia lửa điện. Thiếu bất kỳ yếu tố riêng lẻ nào đều không thể dẫn đến cháy xe.

Các chất ở trạng thái có thể gây cháy như xăng chảy ra từ đường ống dẫn bị thủng. Xăng tràn do quên đậy nắp bình xăng. Dầu xe rò trên ống xả nóng, thậm chí do xe bẩn dính dầu trong khi bảo dưỡng, lau chùi, giẻ lau, rơm rác, lông vũ nằm ở các vị trí có nhiệt độ cao gần dây điện trong những điều kiện thuận lợi cũng có thể gây cháy.

Nguồn lửa bắt nguồn từ chập mạch điện do dây điện tuột chập chờn, bị chuột cắn, dây cao áp bị lỗi, dây điện quá nhỏ không đủ công suất sử dụng, ống xả bị nóng, đỗ ôtô trên rơm rạ.

Do xăng kém chất lượng

Tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Hình sự - người đã có kinh nghiệm hơn 30 năm điều tra rất nhiều vụ án liên quan đến cháy cho rằng, nghi vấn đầu tiên gây xe cháy là do nhiên liệu, còn các nghi vấn khác xếp sau.

Ông Hùng cho biết, ông và đồng nghiệp từng nghiên cứu nhiều vụ án liên quan đến cháy xe do xăng. Nếu pha thêm acetone vào xăng, chỉ cần một liều lượng nhỏ sẽ làm cho chỉ số octan tăng thêm rất cao, có thể qua mắt nhà quản lý chất lượng. Acetone là chất dung môi mạnh nên làm hỏng nhanh các chi tiết bằng nhựa và cao su trong động cơ như gioăng, làm độ kín khít của động cơ giảm.

Nếu pha methanol thì chất này có tính axit yếu tác dụng với ocxitnhom, theo quá trình phản ứng sẽ sinh ra khí hydro. Khí hydro nhẹ tự giải phóng ra ngoài qua các khe hở chất dẻo. Khi xe dừng, nồng độ hydro trong không khí từ 4 đến 76%, nằm trong mức nồng độ gây tự cháy của hydro.

Đồng tình với nhận định trên, ông Vũ Thường Bồi, Hội Khoa học và Kỹ thuật Hàng không Việt Nam thì nguyên nhân chính dẫn tới các vụ cháy xe là chất lượng nhiên liệu kém do pha nhiều các chất phụ gia.

Tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội cũng cho rằng nguyên nhân có thể bắt nguồn từ nhiên liệu. Khi xăng đạt tiêu chuẩn chất lượng thì sẽ không gây ra vấn đề gì nhưng khi không đạt tiêu chuẩn thì nguy cơ gây ra cháy nổ sẽ rất cao.

Việc nhiều cửa hàng và đại lý xăng dầu tự ý pha thêm các chất phụ gia chưa được cho phép hoặc pha quá tỉ lệ an toàn được quy định diễn ra phổ biến như hiện nay càng làm xăng dễ trở thành tác nhân chính trong các vụ cháy nổ xe. Bởi lẽ, các chất phụ gia được pha với một tỉ lệ lớn sẽ gây ra sự lão hóa nhanh đối với các chi tiết động cơ, làm rò rỉ nhiên liệu và khi gặp nguồn phát nhiệt, hay tia lửa từ một nguồn nào đó thì hoàn toàn có thể gây ra cháy xe.