Các bệnh dễ lây truyền từ mẹ sang con
Thứ bảy, 09/06/2012 11:29

Có rất nhiều bệnh có thể truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, lúc sinh và ngay cả khi sinh.

Một số bệnh thường thấy là viêm gan siêu vi B, Rubella, bệnh lậu, nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B, bệnh mụn rộp (còn gọi là Herpes), bệnh u sùi, nấm ở cơ quan sinh dục; bệnh do chlammydia, bệnh trùng roi, nhiễm HIV.

Bệnh viên gan B

Khi phụ nữ mang thai bị nhiễm vi rút viêm gan B có thể truyền sang bào thai. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%, nếu mẹ bị bệnh ở 3 tháng giữa của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm sang con là 10%, và sẽ tăng cao tỷ lệ lây nhiễm sang con tới 60 – 70% nếu mẹ bị mắc bệnh ở 3 tháng cuối của thai kỳ.

Nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi có thể lên tới 90% nếu không có biện pháp bảo vệ ngay sau khi sinh, 50% số trẻ này sẽ bị viêm gan mạn tính và có nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành.

Người mẹ bị nhiễm viêm gan siêu vi B trước khi có thai có thể truyền sang cho con khi đang mang thai. Việc có thai không phải là yếu tố làm cho bệnh viêm gan siêu vi B ở mẹ nặng lên mà ngược lại, siêu vi B không gây ảnh hưởng xấu cho tiến trình mang thai cũng như cho bào thai.

Việc mang thai tiến triển bình thường, thai nhi phát triển tốt và không có nguy cơ bị dị dạng thai nhi. Chỉ khi mẹ bị viêm gan siêu vi B nặng ở giai đoạn III của thai kỳ thì mới có nguy cơ sinh non.

Phòng bệnh

Người mẹ bị viêm gan B nếu không muốn lây sang con thì phải điều trị bệnh ổn định trước khi mang thai và tiêm phòng cho trẻ ngay sau khi sinh.

Nếu mẹ bị viêm gan siêu vi B thì trẻ sơ sinh được tiêm huyết thanh đặc hiệu chống siêu vi B ngay trong phòng sinh. Tiêm vắc xin phòng viêm gan B cho trẻ theo đúng lịch tiêm chủng.

Bệnh Rubella

Thường người mẹ không có triệu chứng, điều đáng quan tâm nhất là những dị tật của thai nhi trong bụng mẹ. Trong 3 tháng đầu: 70% - 100% trẻ sinh ra bị Rubella bẩm sinh ở các cơ quan tim, mắt, não.

Sau 3 tháng, nếu mẹ có thai được 13 – 16 tuần, thì trẻ bị Rubella bẩm sinh với tỷ lệ 17%. Khi thai được 17 – 20 tuần, thì tỷ lệ 5%. Và khi thai hơn 20 tuần, tỷ lệ đó bằng 0%.

Các biến chứng dị tật của thai nhi

Khi mang thai 3 tháng đầu bị bệnh Rubella dễ bị sảy thai hoặc thai chết lưu trong tử cung; nếu sinh được thì thai thiếu cân, chậm lớn, chậm mọc răng và kèm theo các dị tật bẩm sinh như đục nhân mắt (một hoặc hai bên); đục giác mạc; tim tiên thiên lỗ thông vách tim, hẹp eo động mạch phổi, trẻ còn có thể bị câm, điếc, chậm phát triển.


Cần kiểm tra và tiêm ngừa trước khi quyết định mang thai để tránh
các bệnh lây nhiễm cho bé. (Ảnh minh họa)

Điều trị

Không có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Rubella, chỉ điều trị triệu chứng như: giảm đau, hạ nhiệt. Giữ ấm, tránh gió, kiêng nước trong thời gian phát ban, đề phòng bội nhiễm viêm đường hô hấp.

Ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Tăng cường ăn hoa quả như cam, chanh và các vitamin. Nếu bị bội nhiễm thêm vi khuẩn khác thì dùng kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ.

Hai biện pháp chính của phòng bệnh là cách ly và tiêm phòng bằng vắc xin:

- Giữ vệ sinh trong sinh hoạt, ăn uống, mang khẩu trang khi ra đường.

- Tránh tập trung đông người trong thời gian có dịch xảy ra.

- Nâng cao thể lực: tập thể dục thể thao, sinh hoạt điều độ, ăn uống đầy đủ các dưỡng chất.

- Tiêm ngừa bằng thuốc chủng ngừa Rubella ở các cơ sở y tế. Phụ nữ chuẩn bị có thai nên kiểm tra tình trạng miễn dịch của bệnh, nếu chưa được miễn dịch thì nên đi chích ngừa.

- Phụ nữ mang thai chưa có miễn dịch nên tránh tiếp xúc với người bệnh Rubella; nếu lỡ tiếp xúc thì nên đi khám bệnh để các bác sĩ cân nhắc và có cách xử trí đúng đắn nhất.

Liên cầu khuẩn nhóm B (gọi tắt là GBS)

Nhiễm khuẩn sớm, vào tuần đầu tiên, trung bình là 20 giờ sau khi ra đời sẽ phát bệnh. Trẻ bị bệnh do vi khuẩn xâm nhập qua đường sinh dục của người mẹ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy có 5 – 40% phụ nữ mang mầm bệnh liên cầu nhóm B ở âm đạo hay trực tràng. Khoảng 50% số trẻ sơ sinh nhiễm khuẩn từ âm đạo của mẹ, nhưng chỉ 1 – 2% trong số này có biểu hiện lâm sàng của bệnh.

Những yếu tố nguy cơ gây bệnh là sinh thiếu tháng, mẹ lao động kéo dài, biến chứng sản khoa, sốt ở người mẹ… Biểu hiện của bệnh gồm: giai đoạn sớm là những triệu chứng nhiễm khuẩn huyết, nguy kịch hô hấp, ngủ lịm và hạ huyết áp.

Thực tế tất cả trẻ có bệnh nhiễm khuẩn khởi phát sớm đều có vi khuẩn huyết, 30 – 50% bị viêm phổi và/ hoặc có hội chứng nguy kịch hô hấp, khoảng 50% bị viêm màng não.

Nhiễm khuẩn khởi phát muộn xảy ra ở khoảng từ 1 tuần – 3 tháng tuổi, tuổi trung bình của bệnh nhân là 3 – 4 tuần tuổi. Bệnh có thể được lây trong quá trình sinh nở như trong nhiễm khuẩn khởi phát sớm, hay trong quá trình tiếp xúc với nguồn lây từ mẹ, nhân viên nhà trẻ hay các nguồn lây bệnh khác.

Mẹ mang GBS, bé sẽ có nguy cơ bị GBS tấn công nếu người mẹ chuyển dạ sớm trước 37 tuần thai, vỡ ối sớm trước 37 tuần mà không có dấu hiệu chuyển dạ, vỡ ối sớm tới 18 – 24 tiếng trước khi sinh bé, sốt cao 37.8 độ C trở lên trong quá trình chuyển dạ, đã từng mang GBS trong lần mang thai gần đây, GBS tìm thấy trong nước tiểu khi đang mang thai (dù đã được điều trị thì cũng nên có sự đề phòng trong quá trình chuyển dạ).

Phòng bệnh

Nếu bị nhiễm GBS trước khi mang thai thì hãy điều trị dứt điểm. Nếu nhiễm GBS trong khi mang thai thì cần trao đổi với bác sĩ để có cách bảo vệ bé một cách tốt nhất.

Vì nguồn lây thông thường của vi khuẩn qua trẻ là đường âm đạo của mẹ, nên cần phải chống nhiễm khuẩn liên cầu nhóm B bằng cách điều trị cho mẹ.

Việc cho sản phụ dùng ampicillin hay penicillin để phòng bệnh trong lúc sinh nở sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh. Chỉ nên điều trị cho những phụ nữ bị nhiễm khuẩn được khám và phát hiện bệnh.

Khuyến cáo

Để có thể phòng ngừa trẻ bị lây nhiễm những bệnh từ mẹ, phụ nữ khi có ý định mang thai cần kiểm tra, xét nghiệm và tiêm ngừa trước

- Nên điều trị dứt điểm các bệnh viêm nhiễm trước khi mang thai. Sau khi trễ kinh 2 tuần, chị em cần đi khám thai sớm để xác định có thai hay không cũng như làm 1 số xét nghiệm phát hiện bệnh lý của mẹ để kịp thời xử lý.

- Trong trường hợp đang mang thai, mà phát hiện bị các bệnh như trên thì phải điều trị theo phác đồ điều trị của bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc về uống sẽ gây ảnh hưởng lớn đến bản thân và đặc biệt là cho con sau này.

- Khám thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

Eva
Tag: Mang thai , Bà bầu , Bệnh di truyền từ mẹ sang con , Cách phòng bệnh di truyền từ mẹ sang con