Các bên họp khẩn sau tuyên bố dụng binh của Nga

Tổng thống Ukraine, Hội đồng Bảo an LHQ, EU đều triệu tập các cuộc họp khẩn sau khi quốc hội Nga cho phép sử dụng quân lực ở bán đảo Crimea của Ukraine.

Cùng lúc Nga tuyên bố dụng binh xuất hiện lời kêu gọi điều động quân đội Ukraine để đáp trả.

Người phát ngôn của tổng thống tạm quyền Ukraine cho biết ông Oleksander Turchinov đã triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia và sẽ tiến hành họp khẩn trong ngày mai, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu quốc hội Nga thông qua việc triển khai quân đội Nga tại khu vực Crimea của Ukraine.

Theo AFP, Vitali Klitschko, một trong những lãnh đạo của cuộc biểu tình ở quảng trường Độc Lập Kiev và là cựu vô địch đấm bốc thế giới hạng nặng, vừa kêu gọi quốc hội nước này huy động quân đội.

"Quốc hội phải đề nghị tổng tư lệnh quân đội tuyên bố tổng động viên trong toàn quốc để đối phó với việc Nga bắt đầu xâm lăng Ukraine", Klitschko cho biết trong một thông báo. Ông còn đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhanh chóng tập hợp các quốc gia thành viên để đàm phán về khủng hoảng.

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển cũng thể hiện quan điểm trên Twitter: "Sự can thiệp của quân đội Nga ở Ukraine rõ ràng đã vi phạm luật pháp quốc tế và nguyên tắc an ninh của châu Âu".

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc quyết định sẽ tổ chức họp khẩn lần thứ hai trong vòng 24 giờ trước tình hình căng thẳng không ngừng leo thang ở Ukraine. Cuộc họp này sẽ diễn ra lúc 19h00 GMT (2h00 sáng 2/3 giờ Hà Nội).

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về vấn đề Ukraine Robert Serry trước đó tuyên bố rút lui vì không thể tới Crimea theo yêu cầu của Tổng thư ký Ban Ki-moon. Ông Ban yêu cầu Serry tới Crimea để giúp hạ nhiệt căng thẳng sau cuộc họp khẩn lần thứ nhất hôm qua.

Các ủy viên của Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp tại Brussel, Bỉ, vào ngày 3/3 để thảo luận về tình hình ở Ukraine. "Đây sẽ là cuộc họp cực kỳ đặc biệt của EU, có thể kéo dài đến quá 13h chiều", một nhà ngoại giao nói.

Trong khi đó, James Rubin, cựu nhân viên ngoại giao của Mỹ làm việc dưới thời tổng thống Bill Clinton, nói rằng Nga đang vi phạm luật quốc tế và phương Tây cùng Washington không thể đứng nhìn trong khi Moscow vi phạm các nguyên tắc lâu năm của toàn cầu.

Quyết định xâm phạm chủ quyền của một nước khác là không thể chấp nhận được, ông nói. "Sẽ là sai lầm cực kỳ nghiêm trọng nếu chấp nhận điều này. Chúng ta không thể không làm gì", Rubin nói với CNN.

Hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo rằng ông có thể không dự hội nghị cấp cao G8 ở Nga nếu Moscow có ý định xâm phạm chủ quyền của Ukraine.

Obama cảnh báo rằng sự can thiệp quân sự của Nga thời hậu Xô viết sẽ là "điển hình cho một sự can thiệp sâu sắc vào những vấn đề phải do người dân Ukraine quyết định". Washington sẽ tiếp tục trao đổi trực tiếp với chính phủ Nga về cuộc khủng hoảng, ông Obama nói thêm.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh chưa hề nhắc đến một biện pháp quân sự nào với Ukraine. Con đường dẫn đến một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Kiev là không thể, bởi Nga là một thành viên thường trực.

Tổng thống Putin, trong thông báo về quyết định đề nghị sử dụng quân lực ở Crimea cho biết việc này nhằm đảm bảo an toàn cho các công dân và binh sĩ Nga đang có mặt ở Crimea. Giới chức Nga nói rằng việc các xe quân sự của Nga di chuyển ở khu tự trị này là phù hợp với các điều khoản về thỏa thuận hợp tác quân sự có từ trước đó.

Nga thuê căn cứ hải quân ở thành phố cảng Sevastopol, thuộc bán đảo Crimea, để làm cảng nhà cho Hạm đội Biển Đen. Hợp đồng có thời hạn đến 2042. Có tới 60% dân số ở Crimea là người gốc Nga, nói tiếng Nga. Phần còn lại là người gốc Ukraine và Tatar.

Bán đảo Crimea, nơi chứng kiến những cuộc chiến lớn trong lịch sử nhân loại, được nhập vào nước cộng hòa Ukraine năm 1954, khi cả Ukraine và Nga đều nằm trong Liên Xô. Cuộc khủng hoảng hiện nay là biến cố nghiêm trọng nhất kể từ khi Ukraine độc lập năm 1991.