Cô yêu màu đỏ hoa Bỉ Ngạn, loài hoa chỉ mọc bên cầu Nại Hà nơi âm giới. Cô thích quần áo màu trắng nhưng môi luôn tô son màu đỏ. Cô kiêu kì và đầy khiêu khích kẻ đối diện. May mắn và cũng là bi kịch của đời cô chính là quá tỉnh táo trong tình yêu. Những người đàn ông cô yêu đều tài giỏi, mưu lược và ga lăng… khổ nỗi họ đều có vợ. Cô là Phạm Hà Linh - Giải nhất của Sao mai 2007, giọng hát cá tính nhưng cũng gây nhiều ồn ào nhất của Sao mai điểm hẹn 2009 và The Voice 2013.
Những lần gặp mặt của tôi và Phạm Hà Linh vẫn ở quán cà phê quen thuộc nhìn ra Nhà Thờ Lớn. Bởi nơi đó cô có thể vừa nghe tiếng chuông nhà thờ đều đặn vang lên, cô vừa có thể uống trà với mật ong và hút thuốc lá. Hà Linh xuất hiện với chiếc quần soóc ngắn màu trắng, cái áo sơ mi cũng màu trắng mỏng manh khéo khoe làn da trắng, đôi vai gầy, càng làm bần bật đôi môi đỏ mọng, gợi cảm. Cô thu hút những người đàn ông trong quán phải ngó nhìn không chớp mắt, tới nỗi những cô bạn gái ngồi kế bên phải bực bội lườm nguýt và cấu véo người yêu.
Cô ca sĩ kiêu kì và cá tính “ngựa hoang”
Ngày ra mắt CD “Hồi sinh” của Phạm Hà Linh, báo chí râm ran nói về mini show hoành tráng của cô ở một nhà hàng lớn nhất nhì ở Hà Thành với sự góp mặt của những nghệ sĩ tên tuổi và cá tính của làng nhạc Việt. Nói về bản thân, Hà Linh chưa bao giờ nghĩ sẽ làm ca sĩ dù dấu chân của cô đã in khắp các cuộc thi hát chuyên nghiệp, giọng ca cá tính của cô luôn khiến người ta phải để mắt. Những cuộc thi Hà Linh tham gia đều do hoàn cảnh xô đẩy hoặc do có người xui khiến. Việc đi thi Sao Mai 2007 là do nghệ sĩ Bích Việt, giám khảo chấm vòng loại của cuộc thi tự đăng kí cho cô. Sau giải nhất Sao Mai, bghệ sĩ Huyền Thanh lại gọi Hà Linh tới khuyên cô đi thi và được đặc cách vào vòng trong. Tới The Voice 2013, lại là ca sĩ Thanh Lam khuyên nhủ cô.
Có thể nói, Hà Linh may mắn có mọi thứ và con đường ca hát thành công trải sẵn dưới chân. Ở The Voice 2013, người ta tiên đoán quán quân mùa năm nay không ai khác chính là cô. Nhưng trớ trêu thay, khi mà quy định bất thành văn là những ca sĩ đạt giải cao ở các cuộc thi chuyên nghiệp khác sẽ khó có cơ hội chiến thắng ở chương trình này. Đó là chưa kể, giọng ca “hoang dã” của cô không tuân theo sự hướng dẫn của huấn luyện viên khiến cô không thể chạm tay vào vinh quang của cuộc thi. Nhưng chuyện ấy cũng chẳng khiến cô quá ưu phiền.
Sau The Voice, cát-xê của cô tăng chóng mặt, có thể xem là nhất nhì của The Voice nhưng cô lại biến mất tăm. Chỉ thi thoảng cô mới xuất hiện trong một số show diễn quan trọng của bạn bè và trên truyền hình, nhưng tiền công lại ít thậm chí không có. Trong khi các bạn bè cùng các cuộc thi đang ra sức bươn chải, tận dụng cơ hội để quảng bá tên tuổi thì cô xem ca hát chỉ như cuộc dạo chơi. Phạm Hà Linh hát và làm theo ý thích của riêng mình. Tất nhiên, gia đình cô có đủ điều kiện để cô không đi hát vì tiền, cô thích nghề ngoại giao, chuyên ngành mà cô đã được đào tạo bài bản. Cô mê việc chinh phục những khán giả chưa biết cô hoặc không có thiện cảm với cô ở những bàn tiệc ngoại giao, bởi với một ca sĩ chẳng có điều gì hạnh phúc hơn khi khiến một người không ưa mình thành yêu mến mình. Với cô đó mới là giá trị của một người đi hát.
Hà Linh sinh năm 1986, là con gái Hà Nội, nhà ở phố Lê Văn Hưu. Hà Linh là chị cả của gia đình có hai chị em gái. Khi cô 4 tuổi, cha mẹ gửi Hà Linh cho ông bà nội để đi làm ăn xa. Trước khi đi họ gửi lại chiếc piano cho con gái, nhưng ông nội cô là người nghiêm khắc, ông không muốn cháu gái vì đàn hát mà chểnh mảng học văn hóa. “Đó là điều đáng tiếc nhất của tuổi thơ tôi”, cô nhớ lại. Nhưng điều đó cũng không khiến tài năng cô thui chột. Cô không chỉ có giọng hát tuyệt vời mà còn có cả khả năng chơi đàn ghi ta và vẽ.
Hà Linh có chút kiêu kì của con gái Hà Thành có học thức, gia đình có điều kiện kinh tế. Cái kiêu kì ấy dễ nhận thấy qua ánh mắt, đôi môi và kiểu cách tưng tửng, lạnh lùng và giọng nói châm biếm của cô. Điều ấy lại càng khiến không ít kẻ phải nóng mặt bởi kiểu ngang bướng, bất cần, thích thì làm, không thích thì đừng ai ép. Khi cô muốn biến mất chẳng ai tìm thấy cô. Hoặc khi cô cần ở một mình thì dù là người yêu cô cũng không nhấc điện thoại lên nghe hoặc cũng có thể cắt đứt cuộc trò chuyện nửa chừng nếu câu chuyện nhạt nhẽo.
Cách cô hát và nghe nhạc cũng đặc biệt. Có lần cô nghe ca khúc Time của nhà soạn nhạc tài ba Hans Zimmer cô thấy khó thở như bị bóng đè ở ngực. Rồi một lần cô được một người bạn mở nghe nghe những ca khúc của Poppy Mc Ferrin, được vài phút thì cô tắt nhạc và kiên quyết đi về. Trên đường về nhà cô nghĩ sao người ta hát thần thánh như thế, có thể khiến con người ta đi từ địa ngục tới thiên đường. Về tới nhà cô ngất luôn, bác sĩ phán cô bị sốc tâm lý. Cô kể, nhiều người không tin vì nghe chuyện thật mà cứ tưởng như đùa.
Một lần khác, cô đi lưu diễn ở nước ngoài, một người anh tặng cô một cây đàn ghi ta, cô thích tới nỗi đi đâu cũng mang theo như bảo bối. Cô qua Đức, giữa quảng trường thành phố, cô thấy một ông nghệ sĩ chơi nhạc giao hưởng giữa phố. Rất nhiều người đứng quanh xem và cho tiền không ngớt. Sau này cô mới té ngửa ra nghệ sĩ đường phố ấy rất nổi tiếng. Cô hâm mộ và nghĩ tới chuyện bắt chước. Hôm sau, đến Viên (Thủ đô nước Áo-PV), cô cũng đến giữa quảng trường rồi ngồi đánh đàn ghi-ta và hát “Bèo dạt mây trôi” theo phong cách của cô. Cả đoàn bảo: “Con này điên rồi”. Được một lúc, các khán giả Tây, ta lao vào chụp ảnh các kiểu nhưng xong chẳng ai cho tiền. Rồi cô nghĩ chắc chắn mình hát chán. Mấy người bạn bảo: “Mày mặc áo lông, đeo túi xách hiệu thì ai cho mày”. Nhưng cô vẫn quả quyết chắc chắn mình hát chán nên không được chứ chẳng phải ngoại hình.
Chuyện hát là vậy, tính cách đời thường Hà Linh cũng “nghệ sĩ” không kém. Hồi 2011, Linh tăng cân và béo một cách trông thấy, rồi 2 tháng sau cô lại “mi nhon” như thường. Các quý cô bu vào hỏi cô có cú sốc tâm lý nào không mà đi tập thể dục. Linh cười bảo: Một hôm cô đi ăn với nhạc sĩ anh ấy bảo cô ăn thịt lợn đi. Cô vốn không ăn lợn, không ăn ngan ngỗng nên cô lắc đầu. Gã nhạc sĩ ấy lại nói “xỏ”: “Không ăn “đồng loại” à?”. Cô điên lên khi “chạm nọc” tự ái, chiều hôm đó cô đăng kí tập thể dục luôn.
Cô có vài người bạn thân trong showbiz, đa số là đàn ông, những người lớn tuổi, tài năng và cá tính như Ngọc Đại, Lê Minh Sơn, Đào Anh Khánh, Giáng Son. Nhóm nghệ sĩ ấy khác nhau về độ tuổi, thậm chí họ còn lớn hơn cô gấp đôi số tuổi nhưng vẫn xưng anh em, hoặc là mày tao với nhau. Cô vẫn hay bị mấy đàn anh trong nghề chửi vì cái tội lông bông. Có lần cô gọi điện cho gã nhạc sĩ Ngọc Đại: “Anh cho em hát một bài trong đĩa “Nhật thực” được không. Đại văng tục một câu: “Đếch được”. Cô tưng tửng: “Sao lại vậy?”. Ngọc Đại lại bảo: “Mày thích thì tao làm riêng cho mình một đĩa không lấy tiền”. Sau lần đó ức quá cô liền viết riêng cho mình một bài lấy tên “Nguyệt thực”.
Cô trân trọng những bậc tiền bối đó. Thậm chí cô sẵn sàng đứng ra bảo vệ bạn bè nếu lỡ ai đó bị kẻ khác xúc phạm. Chuyện đó khiến người ta nhớ tới vụ ầm ĩ của cô với anh chàng Blogger Roppey cách đây mấy tháng trên facebook. Giờ nói lại, cô bảo: “Đối với những việc đã xảy ra đó, tôi nghĩ đơn giản là những tai nạn và tôi cũng không cố tình làm... Nhưng thôi đã vậy thì đối mặt. Tôi không cần thanh minh và nếu đúng thì tôi nghĩ mình chẳng cần chối làm gì. Chuyện của Roppey, nếu hắn có động tới tôi thì cũng chẳng thèm nói làm gì nhưng mà nó đụng tới bạn mình thì tôi sẽ chẳng bỏ qua. Tay mình nhúng “chàm” rồi thì tiện hất thêm cho hắn một cái”.
Đàn ông “hay ho” đều có vợ
Trước khi “Hồi sinh” ra mắt mấy ngày, cô gặp một rắc rối khi dám thừa nhận việc yêu đàn ông có vợ trên một tờ báo. Khỏi phải nói sức ảnh hưởng của bài báo lớn đến như thế nào, nhất là các quý bà quý cô quan tâm hết sức. Kẻ thì nghiến răng nói xấu, kẻ thì tìm bằng được facebook của cô mà chửi rủa thậm tệ với đủ danh từ vô cùng khiếm nhã chợ búa cùng những lời đe dọa cô từ những người phụ nữ có học thức nhưng lại chẳng liên quan tới cô. Cô không nghĩ câu chuyện yêu người có vợ lại gây bão tới mức đó. Cái khổ của cô chính là dám nói thật về cuộc sống của mình, thứ mà đáng lẽ cô phải che giấu bằng thứ mặt nạ đẹp đẽ khác như một vài cô chân dài, hoa hậu trong showbiz hay như những người phụ nữ khác vẫn làm. Việc những người phụ nữ có học thức đó nhân danh đạo đức xã hội để phỉ báng người khác cũng dễ hiểu bởi vì cô đã dám động chạm tới nỗi sợ hãi của những người phụ nữ đó. “Ở một cái xã hội nếu một người nào đó cố gắng nhoi lên khỏi cái trật tự đạo đức đã được xếp sẵn thì nguyên cả một đám đông ném đá, phán xét. Đó là phản ứng của một đám đông sợ hãi. Họ sợ sự thay đổi trật tự, sợ gia đình bị lung lay. Họ sợ bộ mặt giả dối của gia đình họ bị bóc mẽ... và họ gào lên chửi”, Hà Linh nhận định.
Giải thích cho việc cô toàn yêu những đàn ông có vợ, cô cho rằng đó đều là những người đàn ông “hay ho, hấp dẫn”. Tất nhiên, sự hấp dẫn của những người đàn ông có vợ đã được thực tế chứng minh. Những người đàn ông lọt vào mắt cô trước hết là những người có tài, mưu lược, trải đời, ga lăng, biết chiều chuộng phụ nữ. Những người đàn ông như vậy đều đã trưởng thành, có địa vị... nhưng lại có vợ. Đó là bi kịch của đời cô. Nhưng bi kịch lớn hơn của cô lại là ở tham vọng và quyền sở hữu. Cô không cho phép bản thân cướp đi thứ không thuộc về mình. Mới đây lại cô vừa đáp trả lại những lời lẽ độc địa, đe dọa của một phụ nữ: “Xin lỗi tôi không có hứng thú với đàn ông có những bà vợ vô học như vậy”.
Tất nhiên, với gia cảnh, vẻ đẹp, sự nổi tiếng và giọng hát đẹp của cô thì chẳng thiếu những chàng thiếu gia hay đại gia theo đuổi. Nói về đàn ông, cô cho rằng phụ nữ là những bông hoa đẹp xứng đáng được nâng niu, xứng đáng được chiều chuộng, được tặng quà. Cô không yêu vì tiền và không cổ động chuyện không quà thì đừng yêu như cô hoa hậu “ao làng” đến từ miền Tây nào đó, nhưng cô nghĩ rằng với một người phụ nữ thì giá trị của họ cũng được đánh giá qua những món quà họ nhận được.
Những người đàn ông yêu cô đều là những kẻ chịu đầu tư tiền của và thời gian để lấy lòng cô. Nhưng cũng có những món quà đắt tiền không khiến cô rung động bằng những vali đầy những sôcôla, mỹ phẩm yêu thích mà “người ta” hì hục khuân từ Đức trở về. Có người đàn ông vì yêu cô đã bắt người trợ lý lái xe cả ngàn cây số để đưa cả đoàn diễn của cô về khách sạn 5 sao và trả toàn bộ chi phí lưu diễn của đoàn với điều kiện là trưởng đoàn không được để cô đi diễn nơi cô không thích. Cũng người đàn ông ấy yêu cô tới mức dù ở nước ngoài nhưng mà bất cứ sự kiện nào quan trọng của cô cũng đáp máy bay đi về và còn gây dựng công việc làm ăn ở Việt Nam để tiện đường về thăm cô. Thậm chí có lần người đó về Việt Nam với khuôn mặt bị vợ cào rách khi biết chồng về với cô. Cô từng có tình cảm với một người đàn ông, người đó yêu cô và muốn có con với cô nhưng sau đó đã thất vọng khi bị cô từ chối.
Cô trải đời và có sự nhạy cảm trong tình yêu và tinh tế, cộng với khả năng nghệ thuật khiến cô có con mắt nhạy cảm và óc phán đoán tốt hơn ai hết. Nhưng đó cũng là nỗi khổ của một người phụ nữ. Cô đối xử với đàn ông vừa khéo vừa phũ. Hôm trước cô là con mèo, hôm sau cô đã là con hổ nếu người đàn ông đã khiến cô “gai” mắt. Cô tỉnh. Cô coi đàn ông là Tôn Ngộ Không trong lòng bàn tay Phật tổ nhưng thực ra đôi khi chính cô cũng không biết mình lại là Ngộ Không khi mà cô đã yêu say đắm. Lí trí của cô vừa hại cô, khiến cô không biết bản thân là ai trong lĩnh vực tình cảm ấy. Thứ hai làm cho cô dần “lãnh cảm” với đàn ông. Khi mà người ta hiểu hết một thứ gì đó rồi thì người ta không còn hứng thú khám phá, cô là như vậy. Cô được trời ban cho óc lí trí và phán đoán. Ngày xưa cô học tâm lí học được 10 điểm. Có những quyển sách cô đọc tới nỗi bị “ngộ” chữ nhưng thật khó để áp dụng. Sau này cuộc sống đã dạy cô phải làm thế nào. Cô tặc lưỡi: “Mọi sự cũng chỉ đến thế”. Giờ cô có phần chán yêu vì hiểu rằng: “99,9% phụ nữ mong ước có được một người đàn ông gắn bó với mình vì tình cảm hoặc ít nhất là vì sự đồng điệu trong tâm hồn. Vì lãng mạn phi thực tế như vậy mà họ luôn luôn bị lừa. Thật ra, với đàn ông, tâm với hồn cũng giống nhau, chỉ là thứ vô thường. Vô thường thôi! Nhưng đôi khi, hiểu được tránh được vô thường đấy mới là buồn”. Bây giờ để khiến cô khóc vì một người đàn ông còn khó hơn khi nghe một bài hát hay. Mỗi khi gặp việc gì cô luôn tìm cách đối mặt. Và sau khi đã đối diện với thực tế thì cô thấy nỗi buồn là một thứ xa xỉ mà thôi.
"Kẻ hay trở mặt"
Một lần cô ngồi cà phê với vài người bạn thân trong nghề, với cả người yêu cũ và người đang “để ý” cô thì Giáng Son đã bỡn cợt, “bóc mẽ”: “Lần sau đi đâu mày cũng nên đeo cái bảng trước ngực ghi dòng: “Đừng có thằng nào dại mà yêu tao không thì chỉ có chết”. Cô chỉ biết cười trước sự “choáng váng” của anh chàng đang “cò cưa” cô.
Cô tự nhận bản chất xấu của mình là "kẻ hay trở mặt". “Bình thường tôi không nói gì, nhưng nếu không thích thì tôi biến luôn và không nói một câu. Giống như giọt nước tràn ly, đổ đi rồi níu kéo làm gì”. Sự chung thủy của cô được thể hiện ở việc yêu một người sẽ không có “léng phéng” với người khác. Nhưng nếu để cô thích người khác rồi thì cô sẽ bỏ người này. “Vì khi đó tình cảm không còn thuần khiết nữa, tình cảm không giữ được thì người ta mới để cho mình không thích nữa và thích người khác. Thế mới bảo là không thích nữa là tôi biến luôn”, cô nói.
Với cá tính, cách ăn mặc sexy của cô, người ta nghĩ cô chỉ có thể hạnh phúc khi yêu trai Tây. Cô quả quyết không. Bởi không chỉ vì cô không thích sự kết hợp giữa hai chủng tộc xa lạ mà còn vì trai Việt có kém gì trai Tây về sự thành đạt về sự ga lăng với phụ nữ. Sau mối tình cuối với người đàn ông có vợ, cô tạm thời là kẻ độc thân vì xung quanh cô vẫn có những lời yêu, tán tỉnh của nhiều kẻ. Nhưng mà nếu hỏi cô độc thân thì cô cũng sẽ lắc đầu không bao giờ. Trong thâm tâm cô vẫn luôn khát khao một mái ấm. Xét cho cùng cô vẫn chỉ là một người phụ nữ luôn cần được yêu thương và che chở.