Cá điêu hồng điêu đứng vì tin đồn: Ép giá

Tin đồn ăn cá bị bệnh đang khiến hàng trăm nông dân nuôi cá điêu hồng tại các tỉnh ĐBSCL thiệt hại nặng nề.

Bán cá dưới giá thành

Ông Trần Văn Bảy – Tổ trưởng Tổ hợp tác cá bè Cù Lao (thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết, gần 60 lồng bè cá điêu hồng của các xã viên tổ hợp tác đang đứng trước nguy cơ lỗ vốn vì những tin đồn không có cơ sở.

Theo ông Bảy, thời điểm cuối tháng 5, sau khi các cơ quan chức năng bác tin đồn cá nhiễm chất cấm Trilfuralin, giá cá điêu hồng có nhích lên so với trước đó. Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau đó, tin đồn ăn cá gây ung thư lại “đè” giá cá sụt giảm không phanh trở lại. Hiện tại, riêng gia đình anh Bảy có 7 bè cá đang tới thời điểm thu hoạch nhưng giá bán chỉ từ 25.000 – 26.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành nuôi cá đã ở mức 28.000 đồng/kg, nếu bán, anh cầm chắc việc lỗ vốn. “Trước đây, giá cá điêu hồng dao động từ 30.000 – 32.000 đồng/kg, nông dân có lời nên ai cũng ham, cố gắng đầu tư mở rộng lồng bè. Nay giá giảm mạnh, nông dân ai cũng ngán” - anh Bảy than thở.

Là người có kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi cá điêu hồng nhưng ông Nguyễn Văn Bình (xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh) cũng không hiểu tại sao tin đồn ăn cá gây bệnh lan truyền tại một số thị trường, trong đó có TP.HCM như hiện nay. “Người nuôi cá rất ít khi sử dụng kháng sinh, thuốc trị bệnh nên cá thương phẩm vẫn được gia đình sử dụng để ăn hằng ngày, có thấy bệnh tật gì đâu” - ông Bình thắc mắc.

Ông Huỳnh Công Chánh - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) cũng cho biết, thời điểm tháng 4, tháng 5 vừa qua, giá cá điêu hồng thương phẩm xuống tới mức thấp nhất trong những năm gần đây, chỉ còn 20.000 đồng/kg. Nông dân nuôi cá lại không thể “giam” cá lâu vì tốn thức ăn nên phải chấp nhận cảnh bán rẻ, gỡ lại một phần vốn liếng. Đến nay, nhiều hộ vẫn còn nợ ngân hàng, nợ tiền thức ăn thủy sản những vụ nuôi trước, cửa hàng bán thức ăn vì thế cũng rất e dè trong việc cho nông dân gối vụ tiếp theo.

Tại các địa phương khác như Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng… nhiều hộ nông dân nuôi cá điêu hồng cũng đang điêu đứng vì cá điêu hồng không có đầu ra hoặc bị ép giá dẫn tới nguy cơ treo lồng. Trong khi đó họ vẫn nuôi, vẫn ăn cá và vẫn sống tốt hàng chục năm qua.

Loay hoay đối phó tin đồn

Ông Dương Thọ Trường – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, những ngày qua đơn vị này cũng có nghe về những tin đồn ăn cá điêu hồng gây ung thư. Biết rằng những tin đồn thất thiệt này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc nuôi trồng thủy sản địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân, nhưng cơ quan này cũng đang loay hoay chưa biết phải xử lý như thế nào.

“Đây có thể chỉ là chiêu ép giá không lành mạnh của một bộ phận thương lái làm ăn không chân chính, một tin đồn không căn cứ. Tuy nhiên, Chi cục Thủy sản lại chưa dám cải chính với nông dân cũng như trên phương tiện thông tin. Sợ nếu không khéo sẽ tạo ra những phản ứng ngược, thiệt hại nặng nề hơn” - ông Trường phân tích.

Nhiều bè cá chấp nhận bán lỗ

Hơn một tuần trở lại đây, giá cá điêu hồng đột ngột giảm mạnh cũng với những tin đồn chưa có cơ sở. Các thương lái tiêu thụ cá điêu hồng chỉ cho biết nguyên nhân là do nhiều người ở TP. Hồ Chí Minh cho rằng ăn cá bị bệnh, thị trường TP.Hồ Chí Minh không tiếp tục tiêu thụ nên giá cá sụt giảm. Với tin đồn không có cơ sở này đã làm cho giá cá điêu hồng ở Đồng Tháp sụt giảm đột ngột, người nuôi cá đang hoang mang. Hàng trăm bè cá điêu hồng ở xã Phong Mỹ, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh đang trong thời điểm xuất bán phải neo lại hoặc chấp nhận bán lỗ.

Một đại diện Chi cục Thủy sản Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.500 lồng bè, trong đó khoảng hơn 1.000 lồng cá điêu hồng, sản lượng từ 5 – 10 tấn/lồng. Việc tiêu thụ cá phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái, do đó, việc xảy ra các tin đồn ăn cá gây ung thư, cá nhiễm chất cấm… nhằm ép giá cá xảy ra khá thường xuyên.

Còn theo ông Trường, Chi cục Thủy sản hiện đã cử cán bộ kỹ thuật xuống vùng nuôi để giúp đỡ nông dân những biện pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản phẩm và nuôi cá có lãi. Đồng thời, từng bước cải chính thông tin ăn cá gây ung thư đến từng hộ nông dân cũng như các vựa thu mua cá trong vùng. Chi cục cũng lấy mẫu cá để xét nghiệm, kiểm tra chất lượng, kiểm soát dư lượng kháng sinh…

Nếu cần thiết, Chi cục sẽ nhờ cơ quan công an điều tra phối hợp tìm ra đầu mối phát tin đồn thất thiệt, có biện pháp xử lý thích đáng, tránh để nông dân rơi vào tình trạng như hồi tháng 4 với chất cấm Trifluralin” - ông Trường khẳng định.

Trong khi đó, ông Bảy cho biết, những tin đồn trên nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ tiếp tục gây họa cho bà con nông dân. Hiện tại, mỗi ngày ông Bảy phải sử dụng hơn một tấn thức ăn thủy sản, trị giá hơn 13 triệu đồng để duy trì các bè cá. Nếu kéo dài thời gian, số vốn đầu tư sẽ đội lên rất nhiều, nông dân không còn lãi, không thể tiếp tục tái thả nuôi vụ mùa mới.