Nhật ký của một người mẹ tên Nguyệt Ca chia sẻ trên một trang báo điện tử về cuộc chiến đấu với bệnh sởi của con trai đã khiến dư luận xúc động. Trong những dòng nhật ký ấy, bà mẹ kể về sự quá tải của bệnh viện đặc biệt tình trạng thiếu, hỏng hóc máy khí dung khiến bệnh nhi phải xếp hàng để được sử dụng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Trong đoạn nhật ký, bà mẹ viết: “Bệnh viện có 3 máy khí dung thì bị hỏng một. Tối qua 1h, Ong đang ngủ còn bị dựng dậy chạy khí dung vì lúc đó mới tới lượt. Hôm đầu vào viện, có một cháu bé 2-3 tháng tuổi bị sởi biến chứng sang viêm não, bị ngừng thở, lúc mọi người đang cuống cả lên cấp cứu, ngó vào phòng thuốc còn thấy các điều dưỡng vây quanh một bình ôxy bị hỏng van, mãi không mở được. Bác sĩ, y tá mệt mỏi vì quá tải, 14h còn chưa được ăn cơm trưa...”.
Điều này khiến nhiều người lo ngại về việc đảm bảo trang thiết bị chăm sóc trẻ trong thời điểm bệnh sởi bùng phát tại nhiều bệnh viện.
Trao đổi nhanh với chúng tôi vào chiều tối ngày 22/04, PGS.TS Bùi Vũ Huy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khá bất ngờ khi nhận được thông tin: “Hàng ngày tôi đi buồng, tôi quan sát, nghe ngóng và tôi tin các bà mẹ có con đang chữa trị tại đây luôn luôn hài lòng. Tôi chưa thấy ai chê trách cả, vì vậy hôm nay nghe chuyện này tôi bất ngờ. Ngay ngày mai tôi sẽ tìm hiểu cụ thể vấn đề mà bà mẹ này phản ánh”.
Cụ thể, về câu chuyện bệnh viện quá tải, xảy ra tình trạng 4 -5 bệnh nhi phải nằm một giường, vị trưởng khoa này thú thực rằng trong thời gian qua từ khi có dịch bệnh, số lượng bệnh nhân sởi đến khám chữa tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương rất đông, đặc biệt là vào ban đêm tiếp nhận nhiều ca sởi cấp cứu.
“Tâm lý của các bà mẹ là mong muốn đưa con đến khám chữa ở bệnh viện tuyến cao nhất. Thông thường, họ thường đưa con đến viện trong tình trạng trẻ diễn biến nặng, sốt cao được cấp cứu trong đêm. Vì vậy, những ngày qua chúng tôi đã phát huy hết khả năng để chăm sóc, hỗ trợ các cháu dù ngày hay đêm. Tại thời điểm tiếp nhận, tình trạng 3-4 cháu nằm một giường là có, tuy nhiên sáng hôm sau, chúng tôi cố gắng tư vấn, giải thích và sàng lọc sau đó phân khu, chuyển tuyến tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhi”, PGS.TS Bùi Vũ Huy cho hay.
Còn thông tin về khoa có 3 máy khí dung trong đó có 1 máy hỏng, các cháu phải xếp hàng để được sử dụng, ông Huy khẳng định chắc chắn họ không hề thiếu máy và đảm bảo 3 máy hoàn toàn còn mới và tốt.
“Chúng tôi không thể dùng chung máy khí dung cho cả bệnh sởi và bệnh cúm. Tôi khẳng định có 3 máy khí dung và không có chuyện thiếu máy này cho bệnh nhi đang điều trị tại viện.
Khi bắt đầu có dịch, chúng tôi đã xin viện cấp cho 3 máy vào ngày 5/1/2014 và trong suốt những ngày qua, máy móc cũng như đội ngũ y bác sỹ của khoa làm việc suốt ngày đêm, y tá gần như đêm không được ngồi, phải thu xếp giường chiếu, động viên người nhà bệnh nhân…Máy hoạt động liên tục và có thể đôi khi có trục trặc tạm thời do hoạt động quá công suất nhưng chúng tôi không nghĩ là hỏng”, PGS.TS Bùi Vũ Huy tái khẳng định.
Với số lượng bệnh nhân sởi đang chữa trị tại viện, ông Huy cho rằng 3 máy khí dung vẫn đảm bảo đủ chứ không thiếu như bà mẹ đã đưa ra.
Số lượng bệnh nhi nhập viện do mắc sởi gây quá tải bệnh viện.
Qua đây, vị trưởng khoa Nhi này cũng nhấn mạnh việc gia đình không cần thiết phải mang máy khí dung đến viện để hỗ trợ vì có thể xảy tình trạng lây chéo nếu nhiều cháu sử dụng chung.
“Tôi không ủng hộ chuyện này. Nếu cần thiết chúng tôi sẽ đề xuất lên viện để cấp thêm. Tuy nhiên, xin đến đâu dùng đến đo để tránh sự tốn kém không cần thiết.
Và việc kêu gọi các nhà hảo tâm để đóng góp, hỗ trợ mua máy thở, máy khí dung…tôi nghĩ là không nên để hiểu lầm. Theo tôi, các nhà hảo tâm đóng góp cho cộng đồng như bữa ăn cho trẻ em nghèo, tặng quà... là đáng ghi nhận. Nhưng cần phân biệt để tránh hiểu lầm rằng bệnh nhân thiếu trang thiết bị khám chữa bệnh. Tôi mong muốn chuyện này không xảy ra dù nhà hảo tâm có tốt đến đâu nhưng cách nói, cách thể hiện thì phải phù hợp”, PGS.TS Bùi Vũ Huy chia sẻ.