Bức xúc bãi đỗ xe: Chủ cao ốc phải tự lo

Thay vì kêu ca bức xúc chuỵên bãi đỗ, gửi xe, đại diện các DN vận tải cho rằng, mỗi tòa nhà cao ốc, văn phòng, trung tâm thương mại… cần tự túc thiết kế một bãi đỗ xe (nổi, ngầm) để giải quyết nhu cầu.

Việc cấm dừng đỗ xe dưới lòng đường, trên vỉa hè tại 262 tuyến phố chính khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm điểm đỗ.

Theo quyết định 165 của UBND TP Hà Nội năm 2003, bắt buộc các công sở, các trung tâm thương mại, dịch vụ, công cộng phải tự giải quyết nhu cầu đỗ và khuyến khích có dịch vụ đỗ công cộng. Đối với các vị trí xây trên lô đất lớn trên 1.000m2 bắt buộc phải bố trí tầng ngầm làm điểm đỗ.

Cũng theo quyết định này, Hà Nội đặt mục tiêu quỹ đất điểm đỗ xe trên địa bàn đến năm 2020 là 703 ha và đưa ra danh mục 34 vị trí làm bãi đỗ xe tại 7 quận nội thành để thay thế các điểm đỗ trên hè phố giai đoạn 2004-2010. Tuy nhiên, sau 9 năm dự án 34 điểm đỗ xe của Hà Nội vẫn chưa hiện hình vì nhiều lý do như thiếu vốn, chuyển mục đích sử dụng đất.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội vận tải taxi Hà Nội, trên thế giới, ở những khu vực tập trung đông dân cư như trung tâm thương mại, tòa nhà cao ốc, văn phòng công sở… đều được thiết kế bãi đỗ xe ngầm, nổi. Khi xây dựng tòa nhà, họ đều yêu cầu phải dành một phần diện tích nhất định để đáp ứng nhu cầu bến đỗ cho người dân.

Nhiều trung tâm thương mại thiếu điểm đỗ xe cho người dân. Ảnh LD

Tại Việt Nam hiện vẫn chưa có một quy định bắt buộc nào về điểm đỗ xe khi thiết kế xây dựng tòa nhà. Vì thế các chủ đầu tư thường tận dụng tối đa diện tích làm kinh doanh, còn các công trình công cộng thì ít quan tâm tới.

Ông Bình còn cho rằng, ở các nước tiên tiến, các trung tâm thương mại thường được đặt cách khu vực trung tâm vài chục cây số. Mặt khác, người ta còn thiết kế diện tích chỗ để xe lớn hơn diện tích của trung tâm thương mại.

Còn ở Việt Nam, các khu thương mại, mua sắm lại được đặt tại khu vực trung tâm, chỗ để xe thường rất hạn hẹp. Ngay tại Vincom, khu trung tâm thương mại được tiếng là hiện đại bậc nhất nhưng cũng rất thiếu diện tích dành cho khách hàng cất giữ phương tiện khi đến mua sắm.

“Hà Nội chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước để xây dựng bãi đỗ xe ngầm, nổi thì không đáp ứng được nhu cầu. Vì thế về lâu dài cần đưa ra quy định bắt buộc chủ đầu tư dành diện tích phù hợp phục vụ giao thông công cộng” – ông Bình kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, mỗi tòa nhà cao ốc, văn phòng, trụ sở cơ quan, khu thương mại cần phải thiết kế riêng một khu để xe. Muốn làm được như vậy, nhà nước cần ưu tiên một số chính sách như giảm thuế sử dụng đất, VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp… để thu hút đầu tư. Ngoài ra các khu đất trống hiện nay cũng cần được tận dụng tối đa làm bãi gửi xe công cộng.

Mỗi văn phòng, cao ốc, trung tâm thương mại cần thiết kế một chỗ để xe riêng. Ảnh LD

Theo ông Hùng, lòng đường vốn là nơi dành cho các phương tiện, còn vỉa hè để phục vụ cho người đi bộ. Nhà nước bỏ tiền ngân sách ra đầu tư hạ tầng giao thông, nay giải tỏa lòng đường, vỉa hè tại 262 tuyến phố để giảm ách tắc là chủ trương đúng đắn.

Tuy nhiên ông Hùng cho rằng, khi giải tỏa nhưng lại không bố trí điểm thay thế, gây bức xúc cho người dân. Đây là yêu cầu tất yếu, vì thế Hà Nội phải thực hiện có lộ trình và sớm tìm ra địa điểm thay thế.

Sau một tuần thu hồi giấy phép trông giữ xe tại 262 tuyến phố, nhiều ý kiến từ doanh nghiệp, chính quyền địa phương đã đề nghị thành phố cần nghiên cứu, cấp phép lại cho những tuyến đường rộng rãi, mặt cắt rộng, không thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Lãnh đạo sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ nghiên cứu và cấp phép trông giữ xe cho 54 tuyến phố. Đồng thời sẽ sớm triển khai, xây dựng hệ thống bãi đỗ xe nổi, ngầm, đưa các bãi đỗ xe thay thế vào hoạt động.