Bớt nuông chiều các tập đoàn kinh tế
Thứ tư, 15/02/2012 09:36

Tuy không phải là nội dung chính thức của hội thảo khoa học trao đổi kinh nghiệm về tái cấu trúc các tập đoàn tài chính do Bộ Tài chính tổ chức ngày 14-2, nhưng nội dung liên quan đến cắt giảm chi phí doanh nghiệp lại là vấn đề làm nóng diễn đàn.

Tiết giảm 5% - 10% chi phí

Tại hội thảo, Tập đoàn Bảo Việt đã trở thành tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tiên ký cam kết thực hiện tiết giảm 5% - 10% chi phí theo Nghị quyết 01/NQ- CP của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài chính tại công văn số 867/BTC - TCDN ngày 17-1. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết trong tuần này sẽ có thêm Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) công bố kế hoạch cắt giảm và lộ trình cổ phần hóa. Tuần sau sẽ là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng Công ty Xăng dầu (Petrolimex).

Theo tính toán của Bảo Việt, đơn vị này sẽ cắt giảm được tối thiểu 145 tỉ đồng chi phí nhưng vẫn bảo đảm doanh thu như kế hoạch đề ra. Như vậy, lợi nhuận năm nay của Tập đoàn Bảo Việt có thể  sẽ tăng thêm 145 tỉ đồng. Chi phí tiết giảm tại EVN dự kiến khoảng 200 tỉ đồng. Dự kiến, hết quý I, tất cả tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ thực hiện tiết giảm 5% - 10% chi phí quản lý và Bộ Tài chính sẽ tập hợp báo cáo Chính phủ.

Tập đoàn Điện lực kêu lỗ nhưng trả lương rất cao cho CBCNV của mình. Ảnh: Hồng Thúy

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết đây là một trong những nội dung của đề án tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước đang được thực hiện. Trong đó, vấn đề cốt lõi cần làm ngay là nâng cao năng lực quản trị của khối doanh nghiệp này. Đặc biệt trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức cao, lãi suất ngân hàng chưa giảm thì việc tăng cường quản trị tài chính, trước hết là chi phí giá thành, có ý nghĩa quan trọng không chỉ trước mắt mà còn có tác dụng lâu dài.

Gắn tiền lương với trách nhiệm

Việc Thủ tướng miễn nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT EVN đối với ông Đào Văn Hưng do để xảy ra tình trạng thua lỗ ở một đơn vị thành viên cho thấy Chính phủ đang quyết tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế. Theo kết quả thanh tra lương tại EVN năm 2010, lương trung bình ở công ty mẹ là 14,105 triệu đồng/tháng, khối truyền tải là 11,103 triệu đồng/tháng, khu vực phát điện là 10,387 triệu đồng/tháng và đơn vị phân phối điện là 6,765 triệu đồng/tháng.
Tuy chính sách tiền lương của EVN không có sai phạm nhưng lại không phân phối công bằng giữa các đơn vị, tạo nên nghịch lý doanh nghiệp lỗ nhưng lương lãnh đạo vẫn cao ngất ngưởng, gây bức xúc lớn trong dư luận. Riêng các thành viên trong HĐQT của EVN hưởng lương bình quân 37 triệu đồng, trong đó, nguyên chủ tịch HĐQT Đào Văn Hưng có mức lương 51 triệu đồng/tháng, tương đương 600 triệu đồng/năm.

Do vậy, vấn đề gắn tiền lương với trách nhiệm của bộ máy điều hành trong tập đoàn kinh tế đang được đặt ra gay gắt. Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH, đối với các viên chức quản lý của công ty mẹ và các công ty con, thực hiện tách bạch tiền lương của thành viên hội đồng thành viên và kiểm soát viên với chế độ tiền lương của bộ máy điều hành trong tổng quỹ tiền lương viên chức quản lý của công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn kinh tế. Thành viên hội đồng thành viên và kiểm soát viên là người đại diện của chủ sở hữu khác do chủ sở hữu đó xếp lương và trả lương theo hiệu quả, bảo toàn phát triển vốn Nhà nước và lợi nhuận mang lại.

Đây là những sức ép đẩy doanh nghiệp Nhà nước vào guồng cạnh tranh, tiết giảm chi phí, nâng cao quản trị, tăng năng suất lao động để hoạt động hiệu quả hơn.

DĐDN
Tag: Kinh doanh , Doanh nghiệp Việt , Các Tập đoàn kinh tế lớn , Bộ Tài chính