Đấy là năm bóng đá trẻ Việt Nam có cả hai đội tuyển U-16 và U-19 vượt qua vòng loại để trở thành 16 đội mạnh nhất châu Á. Đấy được xem là kỳ tích của bóng đá trẻ Việt Nam và được các quốc gia trong khu vực đánh giá rất cao.
Còn nhớ năm 2010, U-16 Việt Nam của thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc tập trung tại Thành Long sau đó sang Thái Lan dự vòng loại châu Á với suất nhì bảng sau CHDCND Triều Tiên. Ấn tượng nhất của các cầu thủ trẻ U-16 Việt Nam là thắng Hàn Quốc và chủ nhà Thái Lan cùng tỉ số 1-0, sau đó thủ hòa với CHDCND Triều Tiên 2-2 sau khi dẫn trước.
Ngoài sự khen ngợi của giới truyền thông châu Á, chính HLV Hoàng Văn Phúc cũng phải thừa nhận các cầu thủ trẻ Việt Nam khi ấy chỉ 14-15 tuổi nhưng đã có thể hình lý tưởng, chơi bóng đậm chất kỹ thuật và ý thức chiến thuật cao lẫn tinh thần tốt.
Tiếc là sau khi dự vòng chung kết châu Á năm 2010 về lứa cầu thủ này lại chẳng được quan tâm chăm sóc và đầu tư để phát triển hoặc ít ra là cũng duy trì. Các em bị bỏ mặc đến đầu tháng 3-2012 mới tập trung trở lại dự Cúp Brunei với danh nghĩa đội U-19. Và kết quả là cũng chẳng khác gì lứa U-22 mới đây.
Từ một đội trẻ làm “trùm” khu vực Đông Nam Á, lọt vào vòng chung kết châu Á nhưng bị bỏ rơi không chăm sóc, không duy trì và sau hai năm đã thua xiểng liểng các đối thủ cùng trang lứa ở khu vực Đông Nam Á.
Bóng đá trẻ Việt Nam luôn được đánh giá là giàu tiềm năng nhưng tiếc là sau khi phát hiện thì việc chăm sóc và đầu tư lại rất hời hợt nơi những nhà làm bóng đá khiến nhiều cầu thủ bị mai một. Cái thua của U-22 Việt Nam và U-19 Việt Nam cho thấy càng lên cao thì lớp trẻ càng bị bỏ rơi khiến tụt hậu so với các đối thủ cùng khu vực.
Đến bao giờ thì những nhà làm bóng đá Việt Nam mới hết tư tưởng đánh trống bỏ dùi?