Ngay lập tức, một nhóm cổ đông mà đứng đầu là nhà tài phiệt người Uzbekistan Usmanov đã gởi thư phản đối cách điều hành của Arsenal hiện tại…
Hiểu theo một cách cơ bản: nếu không giữ nổi Van Persie thì đừng nói gì đến chuyện Arsenal sẽ trở thành một thế lực của bóng đá Anh. Bởi trước Van Persie là Fabregas, Nasri cũng đã ra đi. Một đội bóng không giữ nổi các ngôi sao của mình thì làm sao đủ sức lôi kéo các ngôi sao khác. Không có ngôi sao thì sẽ không thành công. Mà không thành công thì làm sao đem lại doanh thu.
Trong bức thư của mình, Usmanov đã chỉ trích ban lãnh đạo của Arsenal hiện tại khi chỉ chăm chăm tìm cách trả nợ thay vì đầu tư thêm cho đội bóng. Họ tăng giá vé để bù khoản lỗ bỏ ra xây dựng sân Emirates. Mọi khoản tiền đều lấy từ CĐV mà quên mất rằng nếu không còn là thế lực của bóng đá Anh thì các CĐV khó giữ nổi lòng trung thành.
Từ khi Roman Abramovic mua Chelsea năm 2003 đến nay, một làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài mua lại các CLB ngoại hạng Anh. Đa số vẫn đi đúng hướng như trường hợp của tỷ phú Sheikh Mansour với Man.City. Trong khi đó, bao nhiêu năm qua, Arsenal vẫn trung thành với chính sách bán cầu thủ để lấy tiền trả nợ và đi kèm với đó là từ năm 2005 đến nay, chẳng còn danh hiệu nào chịu “hạ cánh” xuống Emirates.
Trên thực tế, 9 năm qua, Arsenal đã thu lời được hơn 21 triệu bảng trong khi Abramovic mất gần 1 tỷ bảng cho Chelsea còn ở Man.City trong năm vừa qua đã tiêu tốn 382 triệu bảng. Những đội bóng hạng trung như Fulham, Sunderland và QPR cũng mất 20 triệu bảng/mùa. Vì thế, có thể hiểu tại sao Usmanov và các cổ đông khác bực bội bởi những khoản đầu tư của họ chỉ được dùng để kinh doanh kiếm lời thay vì xây dựng một Arsenal mới nhiều tham vọng hơn.
Có thể nói, từ phản ứng của Usmanov, vấn đề của Arsenal bây giờ không còn là chuyện về Van Persie mà là sự mâu thuẫn trong dàn lãnh đạo của họ. Sự chia rẽ sâu sắc đó chưa biết đem lại điều tốt đẹp gì nhưng trước mắt, Arsenal khó có thể giữ được sức mạnh của mình trong mùa bóng tới.
Câu chuyện về Arsenal phần nào nói lên được thực trạng của giải ngoại hạng Anh, một trong những nguyên nhân khiến bóng đá Anh thất bại trên trường quốc tế mà mới đây nhất là tại Euro 2012.
Cuộc xâm chiếm của các ông chủ nước ngoài khiến cho các CLB Anh trở thành một sản phẩm kinh doanh thuần túy. Người muốn có danh hiệu thì ồ ạt đổ tiền mua ngôi sao ngoại. Kẻ muốn thu lời thì chỉ chăm chăm vào chính sách chuyển nhượng. Đâu còn thời gian để mà đào tạo trước sức ép từ những nhà đầu tư. Và như thế, đội tuyển Anh sẽ ngày càng nghèo túng nhân tài.