Cuộc đối thoại tập trung vào các nhóm vấn đề như khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh và một số chuyên khoa; vấn đề đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tài chính của các cơ sở y tế công lập theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch; vùng nhóm vấn đề về viện phí phù hợp; đổi mới và hoàn thiện các chính sách bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh; tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn, y đức.
Trong đó các độc giả đặc biệt quan tâm đến tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế, vấn nạn phong bì; kinh doanh dược phẩm; phát triển y tế dự phòng, không để xảy ra dịch lớn...
Cuộc đối thoại diễn ra trong 1 giờ 40 phút với hàng chục câu hỏi được các độc giả trong và ngoài ngành y tế, kể cả bệnh nhân đã được gửi đến Bộ trưởng để giải đáp.
Theo Bộ trưởng Y tế, các chỉ số sức khỏe y tế trong các mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam đã được Liên hợp quốc đánh giá là một điểm sáng. Trong đó đặc biệt là mạng lưới y tế, hệ thống y tế đã được mở rộng từ trung ương đến địa phương, tới tận các vùng sâu, vùng xa.
Ngành y học Việt Nam có nhiều thành tựu tiến bộ trong phòng, chữa bệnh ngang tầm các nước trong khu vực, như các kỹ thuật ghép tạng trên bệnh nhân chết não, sử dụng tế bào gốc, can thiệp tim mạch, sản xuất vắcxin. Đội ngũ cán bộ y tế được quan tâm tăng cường mặc dù chưa đáp ứng được hết các nhu cầu.
Gần đây, Chính phủ đã phát hành trái phiếu đầu tư cho y tế để xây dựng các bệnh viện, trong đó, theo Quyết định 47 là đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa tuyến huyện.
Hiện hơn 600 bệnh viện đang được đầu tư theo Quyết định 47. Bên cạnh đó là đầu tư cho các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận ngành y tế đang gặp một số khó khăn như các thách thức về quá tải bệnh viện, đặc biệt là chuyên khoa, tim mạch, ung thư, nhi, chấn thương chỉnh hình và ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều năm chưa thay đổi được cơ chế tài chính, thu không đủ chi, chất lượng chưa đáp ứng được.
Đội ngũ cán bộ y tế mặc dù số lượng, chất lượng ngày càng tăng nhưng vẫn tương đối thiếu so với nhu cầu; phân bố không đều, tập trung ở các bệnh viện Trung ương, các thành phố lớn, trong khi tuyến huyện và vùng xa, vùng sâu rất khó thu hút cán bộ y tế. Đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở còn khá khiêm tốn do ngân sách hạn chế, việc triển khai xã hội hóa y tế dưới cơ sở còn kém…
Y tế xã vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất, khiến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân gặp khó khăn.
Giải đáp câu hỏi về tình trạng quá tải và những giải pháp khắc phục của ngành y tế - một vấn đề được nhiều độc giả đặc biệt quan tâm, sau khi phân tích nguyên nhân của tình trạng quá tải các bệnh viện tuyến trên, các chuyên khoa sâu, đặc trị, Bộ trưởng cho biết vấn đề này không chỉ xẩy ra ở Việt Nam mà ngay cả các nước phát triển cũng "vấp" phải.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, tình trạng quá tải ở Việt Nam khá trầm trọng (20,5 giường bệnh/1 vạn dân). Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của WHO thì ít nhất phải là 33 giường/1 vạn dân, còn tại Hàn Quốc là 86 giường/1 vạn dân, Nhật Bản là 140 giường/1 vạn dân.
Theo Bộ trưởng Y tế, giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện một mình ngành Y tế khó có thể thực hiện mà cần cả hệ thống chính trị, cả người dân phải vào cuộc.
Bộ Y tế đang soạn thảo đề án giảm tải bệnh viện trình Chính phủ trong thời gian tới. Bộ đã thành lập ban soạn thảo và hiện cơ bản đã hoàn thành, trong đó bao gồm một số giải pháp chính như tăng số giường bệnh, mở thêm bệnh viện; củng cố, tăng cường y tế địa phương, cơ sở.
Bộ Y tế mong muốn thành lập Vụ y tế địa phương; đổi mới cơ chế tài chính, để thu đủ bù chi; giải pháp kỹ thuật- phân tuyến kỹ thuật và phân loại bệnh nhân theo bệnh tật; tăng cường mạng lưới bác sỹ gia đình… tăng cường đào tạo để bổ sung đội ngũ nhân lực ngành y...
Do thời gian có hạn, còn nhiều câu hỏi của các độc giả gửi đến Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ được ngành y tế tiếp tục cập nhật thông tin và chuyển đến độc giả..