Chung trường, chung chí hướng, tốt nghiệp đại học, đôi bạn trẻ Mai Thị Lê (23 tuổi) và Vương Đình Hiếu (23 tuổi) về quê mở trại nuôi thỏ với quyết tâm cùng nhau khởi nghiệp, làm giàu và xây dựng hạnh phúc nơi quê nhà.
Gia đình phản đối
Trại thỏ Chiến Huy (tại thôn Đông Tác, xã Bình Nam, Thăng Bình, Quảng Nam) của đôi bạn trẻ những ngày cuối năm rất tất bật. Giá rét khiến công việc chăm sóc thỏ phải khắt khe và kỹ lưỡng đảm bảo thỏ sống khỏe và sinh trưởng tốt để kịp thời cung cấp hàng cho khách dịp Tết cận kề.
Trại thỏ được nhiều người dân biết đến không chỉ bởi quy mô mà bởi sự ngông cuồng, “gàn dở” của đôi bạn trẻ.
Lê và Hiếu cùng học Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng. Lê quê ở huyện Thăng Bình, Hiếu ở TP Đà Nẵng, cả hai quen và yêu nhau từ những năm ngồi trên ghế giảng đường.
Hè năm 2012, đôi bạn trẻ tốt nghiệp đại học. Thay vì ở lại thành phố tìm việc làm, cả hai về quê để làm nông dân.
Hai bạn trẻ mang ý định ra trình bày với gia đình hết thảy đều phản đối. Hiếu là con trai út trong một gia đình khá giả ở TP Đà Nẵng, ra trường công việc đúng chuyên ngành và thu nhập cao đang chờ sẵn, nhưng Hiếu khước từ, khiến gia đình ai cũng bức xúc phản đối.
Hiếu phải thuyết phục mãi mới được mọi người đồng ý để cho em “thử sức đầu đời”. Còn Lê, khi hay tin bố đã kịch liệt bác bỏ ý định của em .
“Bố nói với em: Nuôi em ăn học là mong muốn con có việc làm nhàn thân ở thành phố, thoát cảnh nhà nông sau này bớt khổ cực. Em thưa với bố rằng: chúng con quyết tâm cùng nhau khởi nghiệp, chung sức chung lòng thì ở đâu cũng có thể làm giàu được. Thuyết phục mãi bố mới chấp thuận vay mượn tiền để chúng em làm trại thỏ”, Lê kể.
Bén duyên vợ chồng từ... thỏ
Vay mượn người thân được 200 triệu đồng, đôi bạn trẻ bắt tay vào xây dựng trại thỏ của riêng mình.
Cả hai khởi đầu bằng 50 chú thỏ giống mua từ dân đia phương. Do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nên tất cả lần lượt chết. Thất bại khiến nhiều người lo ngại và can ngăn hai em bỏ ý định chăn nuôi lên thành phố kiếm việc làm, nhưng cả hai quyết tâm tiếp tục làm.
Bỏ nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, hai bạn trẻ tìm được nguyên nhân thỏ chết là do nuôi chưa đúng kỹ thuật. Ngoài ra giống thỏ địa phương do phối giống cận huyết, thoái hóa giống nên sức đề kháng yếu, hay bệnh tật. Tìm giống thỏ mới, tiếp tục nuôi nhưng mấy đợt liên tiếp trong năm 2012, cả hai vẫn thất bại, có lúc đã gần như trắng tay.
“Mấy lần liên tiếp nuôi được mấy tháng là thỏ chết sạch. Có lúc cả trại thỏ chỉ còn một vài con ngoi ngóp. Hai đứa thay nhau canh cả ngày lẫn đêm để theo dõi chăm sóc nhưng vẫn không được. Trắng tay, chúng em chỉ biết bảo nhau cố gắng với hy vọng sớm có thành công”, Lê tâm sự.
Và thành công chỉ mỉm cười với đôi bạn trẻ khi tìm hiểu và bắt đầu nuôi thỏ ngoại New Zealand thuần chủng từ Viện Nghiên cứu dê và thỏ (thuộc Viện Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT).
Nhờ giống mà thỏ này lớn nhanh, ít bị bệnh nên từ 50 con giống bố mẹ, đến nay trại thỏ của đôi bạn trẻ đã phát triển hơn 200 con. Tất thảy đều khỏe mạnh và sinh trưởng tốt.
Theo tính toán của Lê và Hiếu, mỗi con thỏ ngoại New Zealand nuôi trong vòng chưa đầy 3 tháng được khoảng 2- 3kg. Do đó, mỗi con thỏ sinh sản giống New Zealand có thể mang lại thu nhập cho người nuôi ít nhất 1 triệu đồng/1 năm; mỗi năm thỏ sinh sản 6 - 7 lứa, mỗi lứa khoảng 6 con, trong khi giá bán khá cao. Thỏ thịt 85.000 đồng/kg và thỏ giống là 130.000 đồng/kg.
Hiếu cho biết, sau hơn 1 năm nuôi thỏ ngoại, hai bạn đã có trong tay tổng tài sản hơn 400 triệu đồng, điều mà trước đó cả hai và nhiều người không dám nghĩ đến.
Có được những thành công ban đầu, Hiếu và Lê có thêm động lực cùng nhau mở rộng trại thỏ, tìm mối tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại Hiếu đảm trách việc tìm nguồn, bao tiêu sản phẩm dọc miền Trung. Còn Lê đảm nhận việc chăm sóc và theo dõi sức khỏe, bệnh tật của thỏ.
Lê chia sẻ: “Tụi em đã làm lễ ăn hỏi, mai mốt sẽ thành vợ thành chồng. Em tin rằng chúng em sẽ làm được ước mơ của mình là làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê nghèo”.