Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015 của bậc tiểu học do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều nay (30/7), dự thảo quy định đánh giá học sinh tiểu học là vấn đề mới được Bộ GD-ĐT đề nghị thảo luận kỹ.
Theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT, quy định đánh giá học sinh tiểu học với nhiều điểm đổi mới mạnh mẽ này sẽ được ban hành chính thức vào trước khai giảng năm học tới và triển khai đại trà đối với bậc tiểu học toàn quốc.
Trọng tâm của quy định này là việc bỏ cho điểm, thay thế bằng việc quan sát, nhận xét, đưa ra giải pháp giúp đỡ và khích lệ học sinh trong quá trình đánh giá thường xuyên.
Việc đánh giá bằng định lượng (cho điểm bài kiểm tra) chỉ áp dụng vào cuối học kỳ nhưng vẫn kết hợp với việc đánh giá bằng định tính.
Việc đánh giá học sinh sẽ do giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm chính, trên cơ sở đánh giá của chính giáo viên với từng học sinh, của học sinh với học sinh, của cha mẹ học sinh.
Giáo viên phải có sổ đánh giá, nhật ký đánh giá học sinh được cập nhật hàng tuần, hàng tháng.
Đặc biệt lưu ý về chủ trương đổi mới đánh giá này, ông Định đề cập đến các nguyên tắc: không so sánh học sinh với nhau, không tạo áp lực căng thẳng cho học sinh, không gây nên sự phân biệt đối xử khiến học sinh tự ti, nản chí.
Việc đánh giá không chỉ nhằm vào kết quả mà nhằm khuyến khích học sinh cố gắng trong cả quá trình, đặc biệt quan tâm tới những nỗ lực, tiến bộ của học sinh.
Với việc đổi mới mới đánh giá này, không phải chỉ những học sinh có điểm số cao, học giỏi toàn diện mới được khen ngợi mà theo ông Định, cuối các học kỳ, cuối năm, giáo viên chủ nhiệm có thể đề xuất lên hiệu trưởng để đưa ra nhiều hình thức khen thưởng.
Khen học sinh giỏi toàn diện, nhưng cũng có thể khen học sinh giỏi một môn học, một loại hoạt động, khen về thái độ học tập, tinh thần vượt khó, giúp đỡ bạn bè...
Như vậy hình thức trao danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến cũng sẽ được thay đổi.
Cùng với đó, vụ Giáo dục tiểu học sẽ kiến nghị để Bộ GD-ĐT chỉ đạo đổi mới đánh giá đồng bộ ở các bậc học trên, tránh việc tạo áp lực cho học sinh khi coi thành tích, danh hiệu của bậc học này là “tiêu chí” để tuyển sinh, xếp lớp ở bậc học khác.
Ông Định cũng khẳng định, ở bậc tiểu học, với việc áp dụng quy định đánh giá mới, sẽ không lấy thành tích để xét thi đua, nhằm hướng việc đánh giá học sinh một cách thực chất, nhân văn hơn.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ quy định đánh giá mới của Bộ và đề nghị Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể và tổ chức tập huấn. Đây là vấn đề mới, việc đánh giá bằng nhận xét sẽ đòi hỏi giáo viên phải làm việc nhiều hơn so với việc đánh giá bằng điểm số.