Qua quan sát của mình, tôi thấy các môn thể thao ở VN hiện nay tuy không thiếu người chơi, nhưng số lượng VĐV vươn đến tầm chuyên nghiệp của thế giới thật sự không nhiều. Điều đó cho thấy đây là một vấn đề nan giải, là sự tổng hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Trong khuôn khổ chuyên mục tuần này, tôi muốn nói về các tố chất, năng khiếu tự nhiên và sự đóng góp của gia đình trong thành công đó.
Để có được những Lê Quang Liêm trong tương lai, những kỳ thủ nhí này phải được gia đình và xã hội chăm chút ngay từ bây giờ.
Tương tự nhiều môn thể thao khác, các VĐV cờ vua giỏi đều ít nhiều có năng khiếu tự nhiên. Mỗi người sinh ra có lẽ đều có sẵn khả năng đặc biệt đối với một công việc nào đó và thể thao không phải ngoại lệ. Tuy thế, việc phát hiện khả năng đặc biệt của một đứa trẻ thật không dễ dàng.
Hiển nhiên điều này bắt nguồn đầu tiên từ môi trường gia đình. Thông thường, nếu đứa trẻ có năng khiếu với một môn thể thao sẽ giúp trẻ yêu thích khi tập luyện, và sự yêu thích là tiền đề để giúp trẻ thường xuyên thi đấu và luyện tập, qua đó mới tiến bộ trong chuyên môn.
Tôi còn nhớ bản thân mình năm 7 tuổi, dù được làm quen với nhiều môn thể thao khác nhưng tôi dường như chỉ hứng thú với cờ vua. Tôi không thể lý giải vì sao mình có thể bỏ hàng giờ chỉ để suy nghĩ về những nước đi của trò chơi có phần yên tĩnh hơn so với nhiều thú vui khác.
Thuở tôi bắt đầu đến với cờ vua, cha mẹ tôi không hề nghĩ rằng 10 năm nữa tôi sẽ là một đại kiện tướng và cờ vua sẽ ăn sâu vào suy nghĩ của tôi. Có lẽ những kỳ thủ khác cũng thế, họ được học cách chơi từ người thân trong gia đình, rồi cờ vua dần dần trở thành một phần trong cuộc sống của họ.
Trên thế giới có nhiều “gia đình cờ vua” rất đặc biệt, trong đó đáng kể nhất là gia đình Polgar (Hungary). Người bố đã quyết tâm thực hiện phương pháp đào tạo riêng của mình để chứng minh gia đình đóng vai trò tối quan trọng trong việc phát hiện năng khiếu và phát triển đến đỉnh cao của các con.
Nếu gia đình có định hướng đúng đắn, không nóng vội với thành tích của con, biết giúp đỡ và chia sẻ kịp thời thì những tố chất, năng khiếu tự nhiên của VĐV sẽ lớn dần theo thời gian và ngược lại. |
Ông rèn luyện cho ba người con gái chơi cờ vua ngay từ nhỏ. Hai người chị đầu từng vô địch thế giới nữ, người em út còn đáng kinh ngạc hơn khi từng góp mặt trong bảng xếp hạng 10 kỳ thủ mạnh nhất thế giới (điều này từ trước đến nay chỉ gồm toàn nam giới).
Cũng tại Hungary còn có gia đình đại kiện tướng Hoàng Thanh Trang. Ba chị Trang, bác Hoàng Minh Chương, đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu cờ vua và huấn luyện - không chỉ cho chị mà còn là lò cờ dành cho các VĐV khác.
Nhiều lứa kỳ thủ VN, trong đó có tôi, đã được gửi sang đây tập huấn. Chúng tôi đều thu hoạch được nhiều điều cho bản thân mình, không chỉ là danh hiệu mà còn là những bài học, những kinh nghiệm quý báu để áp dụng trong sự nghiệp thi đấu sau này.
Rõ ràng yếu tố gia đình mang tính quyết định. Gia đình vừa là bệ phóng, giá đỡ vững chắc, vừa góp phần chắp cánh cho những tài năng thể thao bay xa. Niềm đam mê thể thao được hun đúc từ chính trong gia đình các VĐV.
Nếu gia đình có định hướng đúng đắn, không nóng vội với thành tích của con, biết giúp đỡ và chia sẻ kịp thời thì những tố chất, năng khiếu tự nhiên của VĐV sẽ lớn dần theo thời gian và ngược lại.
Tôi có may mắn là được gia đình hết sức ủng hộ, tạo điều kiện ngay từ buổi đầu tiên trong việc kết hợp hài hòa giữa văn hóa và tập luyện cờ vua. Mặc dù cả ba mẹ tôi không biết nhiều về cờ vua, nhưng do thấy tôi ham thích được chơi cờ, ba mẹ tôi đã tìm hiểu những thông tin trên các trang web cờ vua ở nước ngoài để có thể góp ý, định hướng giúp tôi về cờ vua, sắp xếp lịch học song hành vừa văn hóa vừa cờ của tôi, cũng như luôn động viên, chia sẻ giúp tôi lấy lại niềm vui, phấn khởi và tự tin nếu chẳng may thất bại tại một giải đấu nào đấy.
Nếu không có sự giúp đỡ đó, ắt hẳn tôi sẽ rất khó có được thành công như ngày hôm nay.