Trong thời gian tử tù bỏ trốn sang Campuchia, chính người này đã nhiều lần gửi tiền để chu cấp và “dạy” bị cáo phải khai thế nào.
Vô cớ giết người
Ngày 19/9, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án “giết người” do bị cáo Nguyễn Tấn Lợi (tức Tửng, SN 1995, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) thực hiện.
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 23h30p ngày 9/12/2013, anh Trương Nhất Minh cùng em ruột là Trương Minh Tâm, bạn Trần Thị Bích Loan và một số người khác đến quán bar Holiday tại khu phố 1, phường 4, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh để uống bia. Lúc này, Trần Thanh Lực (SN 1990) là bạn trai của Loan gọi điện cho Loan kêu mượn điện thoại để sử dụng, Loan đi ra ngoài quán bar đưa điện thoại cho Lực rồi quay lại vào trong quán.
Khoảng 30 phút sau, Loan kêu anh Trương Minh Tâm cho mượn điện thoại của anh Tâm để gọi cho Lực yêu cầu trả điện thoại. Sau khi nhận điện thoại, Lực đến quán bar để trả điện thoại cho Loan. Tại đây, Lực gặp nhóm bạn gồm Lê Quốc Cường (SN 1993), Trần Trọng Hữu (SN 1994) và Nguyễn Tấn Lợi cũng đến quán bar chơi.
Lúc này, nhóm của anh Minh ra về. Khi vừa ra khỏi quán thì Lực hỏi nhóm anh Minh ai sử dụng điện thoại có số đuôi cuối là 144, nhóm anh Minh không trả lời nên Cường dùng chân đá vào mặt của Tâm một cái. Thấy em trai bị đánh, anh Minh vừa can ngăn bị Lợi đánh và dùng một cây kim loại màu trắng có đầu nhọn đâm một nhát vào ngực khiến anh gục tại chỗ.
Gây án xong, Lợi vứt bỏ hung khí rồi chạy đến nơi Hữu đang đứng bảo Hữu chở đi khỏi hiện trường. Nạn nhân được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Lợi bỏ trốn đến ngày 12/2 thì ra cơ quan công an đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.
Lọt người, lọt tội?
Nhận định hành vi phạm tội của Lợi mang tính côn đồ, TAND tỉnh Tây Ninh đã tuyên phạt bị cáo mức án tử hình về tội “giết người”. Riêng đối với Lực, Cường và Hữu, cơ quan điều tra không chứng minh được những đối tượng này đồng phạm với Lợi về tội giết người nên chỉ xử phạt hành chính.
Sau khi bị tuyên án tử, Lợi kháng cáo và bất ngờ khai thêm tình tiết mới. Tại phiên tòa phúc thẩm, trả lời câu hỏi về lý do thay đổi lời khai của mình, Lợi trình bày: “Thưa tòa, bị cáo không biết sẽ bị tuyên mức án tử hình. Sau khi cấp sơ thẩm tuyên án, bị cáo rất sợ chết nên bị cáo quyết định khai ra toàn bộ sự thật”.
Theo đó, Lợi khai hôm xảy ra vụ án chính Trần Thanh Lực đã điện thoại cho Trần Trọng Hữu bảo đến quán bar “có chuyện”. Khi đến nơi, khi thấy Lực mâu thuẫn với nhóm anh Minh nên Lợi đã dùng hung khí đâm chết người này.
Về việc bỏ trốn, Lợi khai sau khi gây án, Hữu biết sự việc nhưng đã chở Lực bỏ trốn. Sau đó, Lợi đã trốn sang Campuchia để lẩn trốn sự truy tìm của cơ quan chức năng. Suốt thời gian ở Campuchia, Lực đã nhiều lần gửi tiền tiếp tế cho Lợi. Không chịu nổi cuộc sống trốn chui trốn lủi nên Lợi về để ra cơ quan công an đầu thú. Trước khi đầu thú, Lực đã là người “dạy” Lợi phải khai như vậy.
Với những lời khai trên, liệu đâu là sự thật? Vụ án liệu có lọt người, lọt tội? Tại bản án sơ thẩm, HĐXX cấp sơ thẩm nhận định hành vi của Trần Thanh Lực, Lê Quốc Cường có dấu hiệu phạm tội "gây rối trật tự công cộng" nên kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ để xử lý.
Sau khi nghị án, HĐXX phúc thẩm nhận định đây là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo Lợi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội nên cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo có nhiều lời khai mới. Những lời khai trên rất quan trọng, có thể thể hiện sự thật khách quan của vụ án. Do đó, để tránh lọt người, lọt tội, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa để xem xét.