Bí quyết làm việc với người cầu toàn

Làm việc với đồng nghiệp quá cầu toàn đôi lúc thật khó chịu, vậy làm thế nào có thể cộng tác hiệu quả hơn với họ? Hãy cùng tham khảo gợi ý sau đây từ CareerLink.

Thật tuyệt vời khi làm việc với đồng nghiệp quan tâm đến chất lượng công việc của họ, nhưng với các đồng nghiệp cầu toàn quá mức thì sẽ thật khó chịu. Các tiêu chuẩn không ngừng của họ có thể dẫn đến sự căng thẳng không cần thiết, xung đột và thời hạn bị bỏ lỡ do không ưu tiên bức tranh lớn hơn. Vậy làm thế nào bạn có thể cộng tác hiệu quả hơn với họ? Hãy cùng tham khảo 5 gợi ý sau đây từ Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink, một trong những công ty hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực hỗ trợ tuyển dụng và tìm kiếm việc làm nhé!

Xem thêm các việc làm được cập nhật mới nhất tại careerlink.vn

1. Hiểu về kiểu người cầu toàn bạn đang gặp

Thông thường, có hai kiểu người cầu toàn: người gặp khó khăn để bắt đầu công việc, thời hạn đặt ra khiến họ lo lắng về cách làm thế nào để mọi thứ hoàn hảo, do đó họ chần chừ khi bắt tay vào việc; và kiểu người cảm thấy khó khăn để hoàn thành bởi với họ công việc vẫn chưa hoàn hảo như mong muốn.   

Cả hai loại người cầu toàn này đều gặp khó khăn trong việc ưu tiên nhiệm vụ và kiểm soát thời gian, đồng thời có chung thói quen làm nhiều việc hơn mức cần thiết. Nhưng cách bạn đối phó với những đặc điểm này có thể khác nhau tùy theo kiểu người bạn đang gặp phải.

Đối với người gặp vấn đề khi bắt đầu, bạn có thể giúp đỡ bằng cách làm rõ nhiệm vụ và chia nhỏ thành các công việc cụ thể hơn. Đối với kiểu người cầu toàn thứ hai, hãy tập trung vào tính ưu tiên của từng nhiệm vụ và nhắc nhở họ về phạm vi cần hoàn thành của các công việc đó.

2. Chia sẻ khéo léo về kỳ vọng thực tế

Người cầu toàn có xu hướng dành nhiều thời gian để làm công việc hoàn hảo hơn, vì vậy bạn cần đặc biệt chu đáo và khéo léo trong việc giải thích lí do tại sao bạn không muốn họ dành quá nhiều thời gian cho một công việc nào đó. Chẳng hạn, bạn đang cần một bản báo cáo với 5 cột thông tin nhưng lại nhận được báo cáo với 15 cột. Điều này là quá dư thừa so với những gì bạn cần, trong khi đó đồng nghiệp của bạn có thể dành thời gian đó để làm các công việc khác. Trong trường hợp này, bạn cần giải thích rõ ràng và cụ thể tại sao 10 cột bổ sung đó là không hữu ích. Đây là cuộc trò chuyện không hề dễ dàng và bạn cần tìm hiểu cách đồng nghiệp cầu toàn của bạn thích nhận phản hồi để đạt được kết quả cao.

3. Tập trung vào bức tranh lớn

Một đặc điểm của sự cầu toàn thái quá chính là mất tầm nhìn vào bức tranh tổng thể. Mặc dù công việc của trưởng nhóm là xây dựng quy trình và giữ cho mọi người trong nhóm tập trung vào các ưu tiên chính, nhưng vẫn có một số điều mà bất kỳ ai ở mọi cấp độ đều có thể làm và trợ giúp. Trong các cuộc họp nhóm, bạn có thể hỏi: Có cách nào đơn giản hơn để đạt được mục tiêu?, Có cách nào để tiết kiệm thời gian hơn? hoặc Chúng ta nên phân bổ thời gian cho các phần việc như thế nào?...

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thử tạo “checklist” để giúp nhóm luôn giữ được sự tập trung, giảm bớt lo lắng về những việc cần làm và đảm bảo không có gì bị bỏ sót.

4. Đặt ranh giới

Những kỳ vọng không thực tế của người cầu toàn có thể vô tình làm cho đồng đội cảm thấy như thời gian của họ không được tôn trọng. Chẳng hạn, người cầu toàn sẽ có rất nhiều lựa chọn để thực hiện một nhiệm vụ và có thể họ sẽ gửi đến bạn một lượng email quá mức cần thiết, trong đó mỗi email là một câu hỏi hoặc đề xuất khác nhau.  

Nếu gặp trường hợp này, thay vì bỏ qua các email đó hoặc trả lời một cách ngắn gọn, bạn có thể thiết lập ranh giới như không trả lời email vào buổi tối hoặc cuối tuần, chỉ trả lời email của họ một lần trong ngày... Nếu tình hình vẫn không biến chuyển, bạn cần phải xây dựng chính sách nhóm hoặc nói rõ về điều này. Điều quan trọng là cần nhận ra rằng một số cá nhân có hành vi “tự phá mình”, kết quả là làm ảnh hưởng đến cả nhóm. Bằng cách thiết lập các giới hạn, bạn sẽ tạo được văn hóa khuyến khích sự phát triển cá nhân.

5. Nâng cao cảm giác an toàn

Hãy thể hiện cho người đồng nghiệp cầu toàn của bạn tin rằng bạn đánh giá họ rất cao, tin vào năng lực của họ và những sai sót nhỏ như lỗi đánh máy sẽ không ảnh hưởng đến cách nhìn của bạn dành cho họ, thậm chí còn muốn học hỏi những điểm mạnh ở họ. Khi một người cầu toàn tin tưởng rằng bạn sẽ cung cấp phản hồi mà không phán xét, người đó có thể dễ dàng vượt qua rào cản tâm lý và đạt hiệu suất công việc cao hơn.

Bằng cách hiểu một số thói quen của người cầu toàn, bạn có thể hiểu rõ hơn về quan điểm và “cuộc đấu tranh” trong con người họ. Khi làm như vậy, bạn đã mở cánh cửa cho một mối quan hệ lành mạnh, trong đó bạn có thể học hỏi lẫn nhau và xây dựng một môi trường làm việc ăn ý hơn.