Ngày 16/12, bà Đỗ Thị Gái, nguyên đơn trong vụ kiện lợn nái sổng chuồng, cho biết chưa có cán bộ nào của TAND Tối cao và VKSDN Tối cao vào làm việc dù bà đã gửi đơn xin xử giám đốc thẩm hơn 1 năm.
Tang vật biến mất
Rạng sáng 5/5/2012, con heo nái động dục nên nhảy ra khỏi chuồng, bà Đỗ Thị Gái (SN 1964, ngụ tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) đi tìm nhiều nơi nhưng không thấy.
Ngày 21/5/2012, được hàng xóm “chỉ điểm”, bà Gái phát hiện con heo của mình trong chuồng heo nhà bà Nguyễn Thị Thọ (ngụ cùng tổ dân phố). Bà Gái nhiều lần sang xin đem heo về nhưng bà Thọ không đồng ý nên đã mời chính quyền địa phương tới lập biên bản.
Trước sự chứng kiến của các nhân chứng, đại diện tổ dân phố và Công an thị trấn Liên Sơn đã lập biên bản tạm giữ con heo, yêu cầu các bên liên quan không được di chuyển tang vật đi nơi khác trong thời gian chờ cơ quan chức năng giải quyết. Theo biên bản này, bà Gái trình bày con heo nái có màu trắng, một đốm đen ở gần tai, chân nhỏ, lưng gãy, 12 vú, chưa thả đực. Bà Thọ thì khẳng định con heo nái màu trắng, lưng gãy, đuôi cụt, có 9 đốm ở vùng mông, 2 đốm ở tai phải, 13 vú và mang thai được 2 tháng.
Trao đổi với chúng tôi về nguồn gốc con heo, bà Gái cho biết cuối năm 2011, bà mua của anh Lê Thái Trãi, ngụ cùng tổ dân phố, sau đó nó đẻ được 12 con. Anh Trãi và một số người dân sống quanh nhà bà Gái xác nhận điều này. Trong khi đó, bà Thọ một mực khẳng định con heo này là của anh Nguyễn Văn Báu, em trai bà (ngụ thôn Đông Giang, xã Buôn Tría, huyện Lắk) đổi cho mấy tháng trước. Anh Báu cũng xác nhận có sự thật như bà Thọ nói.
Sau nhiều lần hòa giải bất thành ở địa phương, bà Gái gửi đơn khởi kiện lên TAND huyện Lắk. Nhận đơn khởi kiện, TAND huyện Lắk và chính quyền địa phương yêu cầu bà Thọ phải thông báo cho cơ quan chức năng nếu con heo đẻ hoặc đau ốm. Nhưng đến ngày 10/7/2012, con heo này đã biến mất khỏi chuồng nhà bà Thọ. Khi cơ quan chức năng tới lập biên bản, bà Thọ trình bày khoảng 3h ngày 10/7/2012, con heo nái đẻ được 1 con và chết nên bà đã tiêm 2 ống thuốc kích đẻ. Một giờ sau, vẫn không thấy heo đẻ nên bà tiếp tục tiêm thêm 2 ống nữa thì nó đẻ được 7 con, trong đó có 2 con chết. Sau đó, heo mẹ cũng chết nên bà đã gọi người vào bán với giá 950.000 đồng.
Ngày 29/7/2012, TAND huyện Lắk mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp con heo nái. Theo HĐXX, bà Thọ khai khi anh Báu chở heo đến nhà bà thì bà Nguyễn Thị Vóc và anh Đỗ Xuân Diệu chứng kiến; đồng thời có một vài người dân địa phương biết bà nuôi 3 con heo nái. Tuy nhiên, qua xác minh của tòa án thì những người này không biết bà Thọ nuôi mấy con heo nái, thậm chí có người còn khẳng định chưa đến nhà bị đơn lần nào.
Nhân chứng Báu khai trước khi chở heo đến nhà bà Thọ, anh đã cho phối giống. Thế nhưng, ông Nguyễn Bá Hòa, Trưởng thôn Đông Giang, khẳng định gia đình anh Báu chưa bao giờ nuôi heo đực giống.
Với những gì thu thập được, HĐXX sơ thẩm nhận định do trước đó, bà Thọ khai heo đã có chửa nên khi đến kỳ mà nó không đẻ nên đã dựng lên một màn kịch đưa anh em, bà con vào làm chứng cho phù hợp với lời khai ban đầu rồi tẩu tán tang vật. “Con heo này là của bà Gái đi lạc vào chuồng nhà bà Thọ và chưa có chửa, yêu cầu bà Thọ trả cho bà Gái 4,1 triệu đồng (giá trị con heo)” - HĐXX tuyên án.
Bản án phúc thẩm gây bức xúc
Nhiều người tham dự phiên xử sơ thẩm còn nhớ khi rời tòa án, bà Thọ tuyên bố: “Tôi sẽ thắng ở tòa phúc thẩm”. Ngay sau đó, bà Thọ kháng cáo và ngày 12/11/2012, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên phúc thẩm. Tại phiên tòa này, bà Gái và bà Thọ vẫn giữ nguyên những lời khai mô tả đặc điểm con heo và số vú của nó như đã nói ở phiên sơ thẩm.
HĐXX phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm đã có nhiều sai sót khi không yêu cầu cơ quan thú y xác định heo có thai hay chưa và có bao nhiêu vú. Do heo đã chết, nếu cấp phúc thẩm hủy án thì cấp sơ thẩm cũng không thể bổ sung được và chỉ kéo dài vụ kiện. Rốt cuộc, HĐXX phúc thẩm đã bác đơn kiện của bà Gái, đồng thời buộc phải chịu án phí và chi phí định giá tài sản.
Không chấp nhận, cuối năm 2012, bà Gái gửi đơn lên TAND Tối cao và VKSND Tối cao xin giám đốc thẩm. MTTQ và Hội Phụ nữ cùng hàng chục người dân thôn Đoàn Kết cũng gửi đơn kiến nghị TAND Tối cao, VKSND Tối cao xem xét thấu đáo vụ việc. Đơn kiến nghị đều cho rằng HĐXX phúc thẩm không khách quan, không dựa vào căn cứ của tòa án cấp dưới, không cho nhân chứng phát biểu ý kiến mà mang tính sắp đặt từ trước, gây bức xúc dư luận; bị đơn là bà Thọ tự ý tẩu tán, phi tang vật chứng đang tranh chấp nhưng lại được thắng kiện.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trưởng Ban MTTQ thôn Đoàn Kết, cho biết: “Không chỉ mình tôi mà tất cả hàng xóm đều biết con heo đó là của bà Gái nhưng tòa lại khẳng định của bà Thọ. Quá bức xúc, chúng tôi làm đơn gửi TAND Tối cao và VKSND Tối cao hơn 1 năm mà vẫn chưa có người về điều tra. Việc tuy nhỏ nhưng ảnh hưởng đến niềm tin công lý, pháp luật nên trong các cuộc tiếp xúc, người dân đều hỏi chúng tôi vì sao vụ con heo vẫn chưa được làm sáng tỏ”.
Được biết, TAND Tối cao hồi âm là đã nhận đơn xin giám đốc thẩm của bà Gái, còn VKSND Tối cao thì đang trong quá trình thụ lý đơn.
Cần tôn trọng nhân chứng
Luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn xin giám đốc thẩm không quy định thời hạn xem xét vụ án mà tùy thuộc vào tình hình thực tế. “Hiện con heo đã chết và cũng không thể khẳng định nó có mấy vú. Vả lại, heo là loài động vật thông thường, con nào cũng na ná nhau, không nên quá coi trọng việc này. Trong khi nhiều người dân và đại diện chính quyền địa phương đều xác nhận con heo là của bà Gái thì tại sao tòa án không xem xét? Qua theo dõi diễn biến vụ việc, tôi khẳng định con heo nái là của bà Gái”.