Mẹ khóc lóc, đòi tự tử, gây đủ mọi thứ áp lực, tôi giải thích sao mẹ cũng không nghe. Mẹ bảo mẹ không gả con cho một thằng từng đi tù.
Cuối cùng mẹ phán:“Giữa mẹ và nó (anh ấy) con chỉ được chọn một”. (Ảnh minh họa) |
Hồi ấy, tôi phụ mẹ bán rau cải ngoài chợ. Chiều chiều, mấy dì trong hội từ thiện hay ra xin rau củ cho bếp ăn từ thiện. Từ đó, tranh thủ buổi trưa vắng khách, tôi hay theo mấy dì đến bệnh viện để phát cơm cho bệnh nhân nghèo. Tôi để ý thấy có một thanh niên trông dáng vẻ hiền lành nhưng nhanh nhẹn, đều đặn trưa nào anh cũng tới lãnh cơm ròng rã hơn một tháng trời. Mỗi lần, xe cơm tới đã thấy anh cầm cà-mèn chờ sẵn, nhưng không bao giờ vội lấy cơm mà lăng xăng phụ chúng tôi phân phát cho mọi người rồi mới lấy phần mình sau cùng. Lâu ngày trở nên quen, thỉnh thoảng anh hay kể cho tôi nghe về hoàn cảnh gia đình anh.
Những mẩu chuyện rời rạc lan man như những mảnh ghép của một số phận kém may mắn luôn luôn được anh mở đầu bằng những hoài niệm tuổi thơ trên vùng quê Hương Khê của anh. Những phiên chợ chiều với mùi nước thải, mùi cá mắm, mùi hành tỏi… theo cái nắng nổ đom đóm mắt xông lên sặc sụa. Nhưng anh bảo anh nhớ lắm. Nhớ nhất là mùi thơm mít mật cùng vị ngọt thanh thao của bưởi Hương Khê. Tuổi thơ anh đã trôi qua trong cái biển nắng chói chang với những ngày hạn nứt đất, đậu lạc héo khô như nướng trong chảo lửa. Nhưng anh hãi nhất vẫn là những ngày ngập lụt trôi cả trâu bò, nhà cửa như là bị trời hành vậy. Câu chuyện của anh khi nào cũng kết thúc bằng câu: “Quê anh nghèo lắm”. Mỗi lần như vậy, tôi thấy đôi mắt anh rười rượi buồn còn gương mặt cứ như tàu lá úa. Suốt năm năm nay kể từ anh rời quê mang theo mẹ vào đây trị bệnh, anh chưa lần nào có dịp quay về.
Căn phòng trọ tồi tàn trong xóm chạy thận nằm khuất sau lưng bệnh viện là nơi anh và mẹ tá túc đã năm năm. Mới đầu, gia đình ngoài quê còn gửi tiền vô lo thuốc thang chạy chữa cho mẹ. Nhưng liên tiếp mấy năm nóng hạn, đậu lạc mất mùa, ngoài quê đã không còn khả năng trợ cấp. Thế là tranh thủ giữa các lần chạy thận của mẹ, anh đi bán vé số kiếm tiền. Mỗi ngày, ngoài ăn một suất cơm từ thiện, anh không dám chi tiêu gì, để tiền lo cho mẹ. Ăn uống kham khổ khiến anh gầy nhom nhưng nhờ suốt ngày lang thang ngoài đường, da bị bắt nắng nên không thấy anh xanh xao mà có phần còn rắn rỏi. Lần nào anh kể chuyện, tôi cũng thích thú ngồi nghe, cũng không hẳn vì câu chuyện mà vì cái giọng nằng nặng, giật cục nghe rất ngộ của anh, nó thấm vào tôi hồi nào, nó làm tôi thương anh hồi nào, tôi cũng không biết.
Anh nói cái số anh còn nặng nợ gia đình lắm, anh không nghĩ đến chuyện yêu đương mô. Anh đã xin bác sĩ được hiến một quả thận cho mẹ nhưng sau khi xét tới nghiệm lui, bác sĩ bảo không tương thích. Anh đành bất lực nhìn mẹ mỗi ngày một suy kiệt mà không biết làm cách nào. Thương anh, tôi thường lui tới thăm nom giúp đỡ mẹ con anh. Tôi biết tuy không nói ra nhưng bà rất vui, và hy vọng tôi và anh sẽ có một kết quả tình yêu tốt đẹp.
Một lần anh nói với tôi ý định sẽ dành dụm để mua một chiếc xe máy cũ chạy xe ôm, tuy có vất vả vẫn đở hơn đi bán vé số. Tôi rất ủng hộ, và nhã ý muốn giúp anh một ít nhưng anh từ chối. Anh nói anh tự lo được. Bẵng đi một thời gian khá lâu tôi không thấy động tịnh gì cũng không nghe anh nhắc tới chuyện mua xe. Tôi sợ anh ngại nên cũng không hỏi.
Một hôm, nhân có người bà con dưới quê mang lên biếu gia đình chục cam sành trồng trong vườn nhà rất ngon. Tôi mang mấy quả đến thăm mẹ anh. Đến cổng bệnh viện, thấy phía ngoài đậu một chiếc xe quân đội, mấy người lính trên xe có vẻ rất khẩn trương. Chưa kịp hiểu chuyện gì, tôi nhìn thấy từ trong sân bệnh viện, hai người mặc sắc phục đang kè hai bên dẫn giải anh ra xe. Tôi gào to gọi tên anh. Nghe tiếng tôi, anh ngoái lại nhìn, hai hàng nước mắt chảy dài trên gương mặt sợ hãi. Hình như anh cố nói với tôi điều gì đó, tôi không nghe rõ nhưng vẫn la to “em nghe rồi”.
Anh bị bắt vì tội bán ma túy. Sau khi có xem xét giảm nhẹ, anh bị kêu án ba năm tù. Ngày đầu tiên tới trại giam thăm anh. Tôi tức tưởi hỏi: “Vì sao anh làm vậy?”. Anh buồn bã trả lời: “Anh muốn kiếm tiền mua xe…”. “Vậy tại sao em nói giúp, anh không đồng ý”. “Anh không muốn chưa gì đã sống bám vào em. Anh không muốn bị em xem thường. Anh đi bán vé số đã để dành được chút ít, cộng thêm tiền anh bán máu với tiền ba hứa sẽ gửi vô một ít. Ai dè ngoài quê mất mùa, ba trả lời không có. Máu thì ba tháng mới bán được một lần. Anh nôn nóng quá, nghe người ta rũ rê, anh tính làm liều đủ tiền mua xe thì nghỉ. Ai dè mới lần đầu đã bị bắt. Anh hối hận lắm”. Nói rồi anh tu tu khóc.
Mẹ anh không ai chăm sóc, ba anh rước bà về quê. Một năm sau thì bà mất. Tôi mỗi tháng giấu gia đình lên trại giam thăm anh. Lần nào anh cũng khuyên tôi: “Đừng thăm anh nữa, anh không xứng đáng. Em không thể lấy một thằng tù làm chồng”. Trước thái độ cương quyết của tôi, anh cảm động xiêu lòng. Ba năm sau, mãn hạn tù, anh về quê chịu tang mẹ. Tôi tưởng mình vĩnh viễn mất anh. Tôi tự sỉ vả mình ngu dại. Tôi oán trách anh bạc tình. Nhưng không ngờ sau đó anh lại trở vào tìm tôi. Anh nói anh mặc cảm muốn trốn tránh để tôi tìm người khác xây dựng hạnh phúc. Nhưng anh nhớ tôi không chịu nổi. Anh biết anh không thể nào sống thiếu tôi. Tôi khóc hết nước mắt mà vẫn không thấu hết niềm hạnh phúc òa vỡ trong tim. Giai đoạn đầu, anh mướn phòng trọ để ở chạy xe ôm kiếm sống vì với lý lịch là người vừa mới ra tù rất khó xin việc làm. Tôi thỉnh thoảng ghé qua nhà trọ thăm anh. Nhưng những cảm xúc mới mẻ thăng hoa rồi cũng nhanh chóng trôi qua. Những nỗi lo thường trực làm chúng tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Tôi không biết hợp thức hóa mối quan hệ này như thế nào đây khi mà gia đình tôi trước giờ không hề biết gì một thông tin gì về chuyện của tôi và anh.
Trong khi, chúng tôi đang loanh quanh không biết nên làm gì thì tình cờ trong một lần cùng nhau ra phố, chúng tôi chạm mặt một dì trong hội từ thiện. Dì ấy lại ở cùng xóm. Thế là câu chuyện tới tai mẹ tôi. Biết không thể quanh co, tôi nói rõ sự thật mong mẹ thông cảm mà tác hợp. Không dè mẹ phản ứng dữ quá. Mẹ khóc lóc, đòi tự tử, gây đủ mọi thứ áp lực, tôi giải thích sao mẹ cũng không nghe. Mẹ bảo mẹ không gả con cho một thằng từng đi tù. Cuối cùng mẹ phán:“Giữa mẹ và nó (anh ấy) con chỉ được chọn một”. Trong cuộc sống không ít lần tôi phải đứng giữa hai sự lựa chọn. Tôi luôn vượt qua nó với ý nghĩ “được cái này tất phải mất cái kia”. Nhưng với điều kiện này của mẹ, làm sao tôi chọn cho được. Hay là tôi trốn đi cùng anh, chừng vài năm con cái đề huề, dắt nhau trở về tạ tội cùng gia đình. Hoặc là hai đứa cùng chết để mãi mãi được gần nhau ở bên kia thế giới?.
Tôi thật sự rất khổ tâm và bối rối.
Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?