Ý kiến trên cho rằng vì chính các ông bầu cũng là những người đang điều hành đội bóng do đó sẽ ảnh hưởng đến đội ngũ làm nhiệm vụ, đồng thời dễ bị lên án là “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Thực chất thì khó có thể “cấm” các ông bầu ra sân xem hoặc cổ vũ cầu thủ của mình khi đồng tiền đi liền khúc ruột. Và việc đầu tư cho đội bóng mà không ra sân xem đội bóng đá, không xuống sân chỉ đạo thì mất thú rồi.Nó cũng đơn giản như thói thường của dân mình ở mọi việc hay nghi kỵ và suy diễn, dù tâm lý thông thường của mọi người đều hay bị tác động bởi người trong cuộc có vị thế. Nói như dân bóng đá là việc các ông bầu các đội bóng nắm quyền quản lý và điều hành giải đấu là “vừa đá bóng, vừa thổi còi” sẽ rất khó bảo đảm tính công bằng của cuộc chơi.
Tâm lý e ngại uy thế của bầu ít nhiều ảnh hưởng đến giới cầm cân nảy mực là có thật. Bởi các trọng tài thừa hiểu chính các ông bầu nỗ lực ra sao để tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho họ. Cho nên khi đối diện với người trả lương cho mình, người ta không nghi ngại mới lạ.
Nhiều người không thích các ông bầu vừa điều hành VPF, vừa tổ chức giải lại vừa xuống sân cùng đội bóng như thế này. Ảnh: XUÂN HUY
Phó Chủ tịch LĐBĐ VN Lê Hùng Dũng thì đòi các ông bầu nên rút khỏi VPF dù không tư lợi thì cũng khó thuyết phục dư luận về tính công tâm. Chẳng hạn đối với đội bóng Hà Nội của bầu Kiên (Phó Chủ tịch HĐQT VPF) đang phải tranh chấp trụ hạng, hay K. Khánh Hòa của bầu Tiến Anh (Trưởng ban Kiểm tra VPF), hoặc ĐT Long An của bầu Thắng (Chủ tịch HĐQT VPF) là đội bóng đang đua ngôi vô địch giải hạng nhất.
Bầu Kiên không còn thường xuyên nhào xuống khu kỹ thuật thay HLV trưởng cầm sa bàn chỉ đạo chiến thuật cho cầu thủ nữa nhưng sự có mặt của ông có thể khiến trọng tài “khớp”. Hay như việc bầu Thắng, bầu Tiến Anh ngồi vắt vẻo trên khán đài sẽ làm nhiều người ái ngại.
Các nhân vật chóp bu VPF thì trần tình sau khi cỗ máy quản lý và điều hành bóng đá vận hành trơn tru sẽ dần rút lui rồi trao lại cho những nhà có chuyên môn.
Hy vọng là sau khi giải ổn định rồi thì phần việc của ai người đấy sẽ làm chứ không còn chuyện đá lộn sân và chuyện các ông bầu vừa chỉ đạo đội bóng đá, vừa điều hành giải và vừa phát lương cho những người làm nhiệm vụ…
Nếu không phải các ông bầu làm, giải sẽ không thể lập lại trật tự Mùa 2005 hàng loạt trọng tài, quan chức bị bắt vì đưa, nhận hối lộ nhưng đến những mùa sau “bệnh hối lộ” hoành hành bóng đá vẫn tái diễn. Mùa 2011 Hòa Phát Hà Nội bỏ luôn cả một hệ thống bóng đá chuyên nghiệp gồm các tuyến trẻ lên đến đội lớn vì mất niềm tin vào công tác điều hành. Cũng mùa giải này cơ quan an ninh đã lần ra một số trọng tài nhúng chàm nhưng không khởi tố. Thậm chí còn có thông tin một quan chức trong ban tổ chức đã chỉ đạo các trọng tài theo dây theo cánh của mình và đã được cơ quan chức năng ghi lại đầy đủ. Đấy cũng là giọt nước tràn ly khiến các ông bầu nổi lên đòi “nắm quyền”. Thực chất thì khi quyền trong tay các ông bầu, đã có một số việc làm được mà trước đây ở VFF biết hết nhưng không thể làm vì dây mơ rễ má ăn quá sâu trong công tác điều hành. Mùa năm nay công tác trọng tài có yếu nhưng phần “loạn” đã bớt nhờ Ban Trọng tài quyết liệt hơn và dám rũ bỏ những dây mơ rễ má trong “tổ chức” gọi là “quyền lợi nhóm”. Cũng mùa năm nay từ vòng 21, Ban Trọng tài đã loại hai trọng tài được cơ quan chức năng nhắc nhở là vi phạm những điều cấm kỵ trong đạo đức trọng tài. Việc nâng lương làm nhiệm vụ và phối hợp với cơ quan an ninh để “lọc” những trọng tài xấu làm ảnh hưởng đến nền bóng đá nếu không phải là VPF thì chắc chắn không thể đào xới được đến những trọng tài “ăn rễ” trong lợi ích nhóm. Hay việc phối hợp với cơ quan an ninh để khởi tố các cổ động viên Hải Phòng hành hung trọng tài Võ Minh Trí nếu không phải VPF quyết liệt làm thì cũng sẽ chìm xuồng như bao mùa trước. Đấy là cái được cần ghi nhận và hy vọng sau khi tái lập trật tự mà lâu nay có nhiều chỗ được xem là “vùng cấm” thì các ông bầu sẽ trả lại cho những người có chuyên môn thực thụ để tránh tiếng xấu “vừa đá bóng vừa thổi còi”. |