Bật mí các vấn đề sức khỏe liên quan đến giấc ngủ

Mặc dù giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe, tuy nhiên ngủ quá nhiều lại khiến cho cơ thể trì trệ cả về cơ bắp lẫn tinh thần.

Mất ngủ làm suy giảm sức khỏe và tinh thần

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn mất ngủ: do căng thẳng, do bệnh tật, do ảnh hưởng của đồ uống, của thuốc điều trị...

Mất ngủ sẽ khiến cho cơ thể không được nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe, càng khiến cho bạn bị suy kiệt. Ngoài ra, do mất ngủ nên đầu óc sẽ có những suy nghĩ quẩn quanh và càng làm cho tinh thần xuống dốc. 

Ngoài ra việc mất ngủ kéo dài sẽ khiến trở thành triệu chứng mất ngủ mạn tính. Tuy nhiên, khi mất ngủ mạn tính, cơ thể sẽ không mệt như mất ngủ cấp tính, vì đã quen dần. Khi không ngủ được, người ta thường cầu cứu thuốc ngủ. Các BS luôn khuyên không được tự ý dùng thuốc ngủ, đối đế lắm mới dùng, nhưng phải dùng theo chỉ định của BS và ngưng thuốc càng sớm càng tốt. Bởi, thuốc ngủ gây nghiện, gây lờn thuốc, lệ thuộc thuốc.

Khi mất ngủ, nên tìm đến các thảo dược có công dụng đem lại giấc ngủ ngon như: tim sen, nhãn, cháo kê… Nếu vẫn không thể “mơ hoa”, nên tìm đến khoa giấc ngủ của bệnh viện để điều trị ngay.

Nhiều người cho rằng ngủ nhiều sẽ khỏe, sẽ trẻ lâu nên cố gắng ngủ. Thật ra, khi ngủ quá nhiều, các cơ quan ở trạng thái tĩnh quá lâu nên khi hoạt động sẽ gây khó cho hệ thần kinh, dễ dẫn tới bị các bệnh tim mạch.

Ngủ đêm, ngủ ngày

Hiện nay, trên mạng có thông tin cho rằng ban đêm là khoảng thời gian hệ thống miễn dịch bài tiết các chất độc hại. Còn đối với trẻ em, việc ngủ sâu vào ban đêm giúp phát triển chiều cao.

Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Bởi, cơ thể tái tạo và phát triển xương trong lúc ngủ, ngủ ngày hay đêm đều giá trị như nhau. Đi ngủ lúc chín giờ tối, thức dậy lúc năm giờ sáng là phù hợp với người Việt Nam. Điều quan trọng là ngủ đủ, khi thức dậy thấy sảng khoái, nhẹ nhõm, tinh thần phấn chấn. Vì thế, nếu phải trực đêm, làm ca kíp hoặc ngủ không đủ vào ban đêm, chỉ cần ngủ bù, ngủ đủ.

Nhu cầu ngủ tùy vào lứa tuổi, trẻ em cần ngủ nhiều hơn người lớn. Với người lớn, thông thường ngủ bảy tiếng là đủ, ngủ chín tiếng trở lên là nhiều.

Tư thế ngủ tốt cho sức khỏe

Người ta không thể giữ mãi một tư thế ngủ suốt đêm mà mỗi đêm người ta trở mình có thể từ 20 - 45 lần. Tuy nhiên, theo thói quen, mỗi người vẫn có một tư thế nằm ngủ chủ đạo. Có người nằm thẳng đơ, có người thích nằm sấp úp mặt vào gối, có người nằm co như con tôm, nằm dang tay, duỗi chân hoặc khoanh tay trên ngực mà ngủ.

Theo các nhà dưỡng sinh cổ truyền, tư thế nằm ngủ tốt nhất là nằm nghiêng về bên phải, thân thể co tự nhiên. Bởi lẽ, với tư thế này, cơ bắp toàn thân được thư giãn triệt để, các cơ quan tạng phủ luôn được giữ trong vị trí tự nhiên, khí huyết lưu thông được dễ dàng nhất, rất có lợi cho việc giải trừ mệt mỏi, phục hồi và nâng cao sức khỏe.

“Cột chân” giấc ngủ

Theo BS Đặng Văn Mon, bí quyết ngủ ngon là thuận theo tự nhiên, ví dụ, khi thấy cơ thể mệt mỏi muốn ngủ, thì làm việc cũng không hiệu quả, nên sắp xếp để ngủ. Không nên quá sức vì có thể chuốc lấy bệnh mất ngủ và ảnh hưởng đến năng suất lao động, thậm chí gây tai nạn. Khi có chuyện buồn, mất mát, hãy cứ khóc, cứ buồn vì chống lại chỉ làm kiệt quệ sức lực, dẫn tới mất ngủ.

Tập thể dục, buổi sáng 30 phút, chiều 30 phút. Không tập ngay trước khi đi ngủ mà tập sau bữa ăn từ 30 phút. Người cao tuổi nên đi ngủ lúc 10 giờ, đến 4 giờ sáng dậy là vừa. Ăn uống đủ dưỡng chất, dễ tiêu hóa.

Ngủ trưa ảnh hưởng tới sức khỏe cả ngày

Ngủ trưa rất tốt cho sức khỏe, nhất là với người lao động trí óc. Ngủ trưa giúp cơ thể tái tạo năng lượng cho thời gian làm việc vào buổi chiều. 

Giấc ngủ nông khoảng 10-20 phút phù hợp với phục hồi tinh lực nhanh chóng. Do đó sau khi ngủ dậy bạn có thể bắt tay vào làm việc luôn.

Giấc ngủ 30 phút khiến bạn mắc phải chứng trì trệ sau khi ngủ. Nó vừa giúp bạn lấy lại tinh thần làm việc vừa có thể khiến bạn rơi vào tình trạng đờ đẫn sau khi ngủ.