1. Tây Ban Nha đã quá nổi tiếng vì khi mỗi khi "chào cờ" chỉ cử quốc thiều, Marcha Real, nghĩa là họ không có quốc ca theo nghĩa thông thường. Trên thế giới, chỉ có thêm CH Kosovo và San Marino cũng chỉ dùng quốc thiều, không có quốc ca.
Đó là hậu quả của chủ nghĩa địa phương đậm tính sô-vanh (chauvinism), khi những người xứ Basque, xứ Catalan, xứ Galicia đều coi mình là một dân tộc riêng, có quốc ca riêng và “màu cờ sắc áo” riêng.
Năm 2008, sau khi nghe ca khúc “You Never Walk Alone” hào sảng của Liverpool tại sân Anfield, chủ tịch Ủy ban Olympic Tây Ban Nha Alejandro Blanco đã quyết định sẽ tổ chức một cuộc thi viết lời cho bản Marcha Real.
Ý tưởng ấy được đáp lại rất lạnh nhạt: các chính trị gia hàng đầu nước này bày tỏ thái độ xa lánh kế hoạch của Blanco vì sợ làm mếch lòng những người xứ Basque hay xứ Catalan. Vài ngày sau khi tìm ra tác phẩm thắng cuộc, Ủy ban Olympic Tây Ban Nha cũng tuyên bố hủy bỏ kế hoạch.
Thật đáng buồn khi bóng đá, với tinh thần thể thao cao thượng, thay vì hàn gắn, lại trở thành một biểu tượng khác của chia rẽ và tâm lý hằn thù ở Tây Ban Nha.
Đó là một đất nước bị chia rẽ trong tư tưởng. Đã có nhiều giai đoạn lịch sử họ đã dùng cả súng đạn để tạo ra sự chia rẽ về chính trị. Nhưng ngay khi im tiếng súng, người ta cũng không cùng hát một lời ca. Bóng đá nước này cũng như thế.
2. GĐĐH Karl-Heinz Rummenigge của Bayern Munich chê bai Real Madrid và Barcelona không biết cách tôn trọng lẫn nhau. Ông bảo ở Bundesliga, dù thế nào, Bayern cũng vẫn tôn trọng Dortmund.
Như để minh họa cho khẳng định của Rummenigge, HLV Pep Guardiola lên báo dèm pha chức vô địch của Real Madrid. Ông đặt giả thiết chức vô địch La Liga mùa này đã được dàn xếp trước từ lâu và được các trọng tài cụ thể hóa bằng tiếng còi trên sân.
Phát ngôn ấy không có gì khó hiểu nếu đặt trong luồng tin chung về Real Madrid và Barcelona. Họ căm ghét nhau như kẻ thù. Kẻ thù theo nghĩa đen chứ không phải theo nghĩa thể thao.
Các lãnh đạo M.U đã bí mật đến Anfield đặt hoa và quyên góp sau thảm họa Hillsborough. CLB Celtic đã không ăn mừng chức vô địch Scotland 2012 cho dù họ giành được nó ngay tại Ibrox, sân nhà của Rangers, bởi đối phương bị phá sản. Nhưng hình như đấy là bởi ý thức về tình đoàn kết dân tộc vẫn tồn tại. Với Real và Barca, với người Madrid và người Catalonia, sự chia rẽ lớn hơn thế nhiều lần, và sự căm ghét cũng… thuần khiết hơn.
Đây là nơi mà đội trưởng Casillas của Real có thể bị phạt ngồi dự bị vì “tội” làm lành với Puyol sau gây hấn trên sân. Đây là nơi kẻ thua cuộc sống chết cáo buộc chiến thắng của đối phương là “có mùi”, thay vì tôn trọng.
3. Những hận thù làm cho bóng đá thêm phần hấp dẫn. El Clasico cũng một phần vì thù hận mà trở thành trận đấu đông người xem nhất thế giới. Nhưng đó chỉ nên là những “hận thù” ẩn dụ được dùng trong thể thao. Đã có quá nhiều hình ảnh phi thể thao trong những cuộc đấu El Clasico, cả trong và ngoài sân cỏ.
Những pha va chạm, những lời dèm pha khi thất trận, những câu văng tục, có nhiều thứ không nên được đem làm bài học cho trẻ con về cái gọi là “bóng đá”.
Bên cạnh chiến dịch “Fair Play”, FIFA và UEFA còn có một chiến dịch mang tên “Respect” (Tôn trọng). Học cách tôn trọng đối thủ, tôn trọng đồng đội và tôn trọng sự khác biệt là giá trị nền tảng của bóng đá.
Bản quốc thiều Tây Ban Nha đã không có lời, như biểu tượng của sự chia rẽ trong nội bộ quốc gia này. Bóng đá đáng ra phải là hàn gắn, thì lại trở thành một biểu tượng khác của chia rẽ và tâm lý hằn thù.