Làn sóng biểu tình chống chính phủ tại Bahrain bùng nổ từ hồi cuối tuần trước đang lan rộng hơn trong tuần này, và đã khiến ít nhất một người thiệt mạng, khi lực lượng dân quân địa phương nổ súng vào đám đông - theo lời buộc tội của người thân kẻ xấu số.
Nhằm thẳng vào cuộc đua
Trong thời điểm này, các cuộc biểu tình đang diễn ra hầu như mỗi ngày và thường kết thúc bằng bạo động. Hôm Chủ nhật, đã có 2 cuộc biểu tình diễn ra tại khu Shia Village - một trong số các điểm tập trung của F1. Điều đó cho thấy những người biểu tình coi chặng Bahrain GP là một mục tiêu. Hồi cuối tuần trước, một thành viên lãnh đạo của nhóm biểu tình cũng từng tuyên bố rằng họ muốn FIA phải hủy bỏ chặng đua tại Bahrain, và đó là cách duy nhất để “thế giới biết được những gì đang thật sự diễn ra tại đất nước này”.
Bóng đen bạo động đang che phủ tương lai chặng Bahrain GP
Đáng lo ngại hơn cho hình ảnh của F1, hôm thứ Bảy, một người biểu tình ném bom xăng vào cảnh sát lại mặc trên mình chiếc áo đỏ của Ferrari, cho thấy sự pha trộn khó chịu của thể thao và cuộc đấu tranh chính trị tại nước này. Điều này càng bảo vệ luận điểm của những người cho rằng F1 không nên tự đặt mình vào vị thế chính trị, nhất là tại một đất nước đang trong giai đoạn hỗn loạn như Bahrain.
Ông Ecclestone từng nói rằng ông thấy không có vấn đề gì khi F1 được các nhà cầm quyền sử dụng để gửi đi một thông điệp rằng quốc gia này đang chuyển động về phía trước, và chặng đua tại Bahrain được ví như là một biểu tượng cho hòa bình. “Chúng tôi sẵn sàng làm mọi việc (vì Bahrain)”, ông Ecclestone nói. “Điều tốt là Bahrain có nền dân chủ, nên người dân có quyền tự do ủng hộ hay phản đối những gì họ muốn”. Tuy nhiên, rõ ràng là khi phát biểu một cách đầy ngoại giao như thế, ông Ecclestone chưa dự tính tới các cuộc bạo động như trong thời gian này.
Trong lúc này, giới truyền thông Đức cho hay các đội đua đều đã có một kế hoạch dự phòng, đó là sẵn sàng vận chuyển toàn bộ thiết bị và nhân lực về thẳng châu Âu sau khi hoàn thành chặng đua ở Thượng Hải. Trong tình hình bạo động leo thang tại Bahrain như hiện nay, đó sẽ là giải pháp an toàn. Nhiều người trong giới F1 cũng tin rằng lệnh hủy bỏ Bahrain GP sẽ được đưa ra vào một thời điểm nào đó giữa chặng Chinese GP.
Trong số các đội đua, các nhân viên của McLaren đặc biệt lo ngại về tình hình ở Bahrain, bởi khoảng một nửa số cổ phần của họ đang được nắm giữ bởi gia đình đang cầm quyền tại đất nước này. Điều đó có thể khiến McLaren cũng trở thành một mục tiêu tấn công của phe biểu tình chống chính phủ tại Bahrain.
Hủy bỏ một lần nữa?
Trong một phát biểu được xem là đòn giáng vào ban tổ chức Bahrain GP, cựu VĐTG Damon Hill đã kêu gọi FIA xem xét lại việc tổ chức chặng đua này.
Năm 2011, khi chặng Bahrain GP bị hủy bỏ, Damon Hill đã nói chuyện với Chủ tịch FIA Jean Todt và cho biết ông ủng hộ việc nối lại chặng này trong năm nay. Một trong những lý do khiến Damon Hill đưa ra quan điểm ủng hộ chặng đua là bởi nó “có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy nền kinh tế và xã hội Bahrain”.
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra tại nước này, Damon Hill đã thay đổi quan điểm. “Tình hình bây giờ đã khác. Các cuộc biểu tình đã không giảm bớt và thậm chí đã trở nên kiên quyết và tính toán hơn. Đó là điều đáng lo ngại. Chúng ta phải đặt con người lên trên hết. Nếu chặng đua vẫn diễn ra, có thể cái giá phải trả (về tính mạng con người) là rất đắt. Đó sẽ là điều tồi tệ cho F1, nếu họ phải sử dụng quân đội để bảo vệ cho cuộc đua. Đó không phải là mục tiêu của môn thể thao này. Nhìn vào thực tế đang diễn ra, tôi nghĩ cuộc đua sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn so với số vấn đề mà nó giải quyết được”, Damon Hill kết luận.
Trong bối cảnh tâm lý các đội đua cũng đang dao động mạnh, không rõ ông Ecclestone sẽ có giải pháp nào cho Bahrain?