Những vết thương quái ác
Khởi đầu của chuyện tình đẹp này phải nhắc đến biến cố đã đưa cậu bé Đoàn Sơn lưu lạc đến trời Tây. Dì ruột của ông Sơn vẫn không quên cái ngày hè định mệnh tháng 5/1968: “Hôm đó cả nhà đang làm vườn thì bất ngờ giặc Mỹ dội bom napalm xuống làng. Chị gái tui đang hái rau bỏ mạng tại chỗ, còn thằng Sơn máu me lấm lem khắp người. Da thịt nó phồng lên từng mảng, quằn quại rên la”.
Những ngày sau đó cậu bé Sơn tiếp tục sống trong sự hành hạ của những vết thương, lúc nào cũng phải trong tư thế cách ly với mặt đất, tránh để vết thương cọ xát khiến những bọng nước trên thân thể bị vỡ.
Bà cụ thuật lại: “Chỉ có ban đêm hay tranh thủ lúc nào không có tiếng bom mới dám khiêng thằng bé lên khỏi mặt đất để ráo vết thương. Mãi mười ngày sau đó tui mới đưa được nó lên nhà thương Huế (Bệnh viện T.W Huế bây giờ) để chữa trị. Khi đó chỉ nghĩ “còn nước còn tát” chứ tui không tin nó sẽ sống sót”.
Y học chỉ phần nào giúp cậu bé giảm bớt cơn đau. Các y bác sĩ lúc đó đã trả lời thẳng thắn với người nhà cậu bé rằng phải chuẩn bị trước tâm lý bởi thương tích của nạn nhân quá nặng, có thể tắt thở bất cứ lúc nào.
Ngày ngày cậu bé thoi thóp sống bằng những bát cháo gạo loãng trong suốt 3 tháng. May mắn khi cậu bé gặp được thành viên của một tổ chức nhân đạo là nhà văn Edmond Kaiser (quốc tịch Pháp). “Ông chính là người đã sáng lập nên tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ nạn nhân chiến tranh Terre des Hommes. Ông đưa tôi sang CHLB Đức rồi sau đó sang Thụy Sĩ để chữa trị vết thương”, nạn nhân cho biết.
May mắn hơn nữa khi được đưa sang thành phố Zurich (Thụy Sĩ) chữa trị tiếp, cậu bé được bà Els Goldstein là thành viên của tổ chức từ thiện nêu trên nhận làm con nuôi. Nhờ sự tân tiến của y tế nước này mà chỉ sau nửa năm điều trị, những vết thương trên thân thể Sơn dần lành miệng. Cậu bé được mẹ nuôi cho đi học chữ, học nghề. “Tôi được mẹ nuôi cho theo học lớp trồng trọt, sau 3 năm đã có thể đi làm tại các công ty trồng trọt”, ông Sơn bập bẹ từng chữ tiếng Việt.
Gái Tây “phục lăn”
Cậu bé gốc người Huế đã không chịu để những vết thương khuất phục, và chính nghị lực phi thường này đã khiến một thiếu nữ Thụy Sĩ “phục lăn”. Thời gian đầu ngón tay của Sơn bị thương tật cong queo nên không thể cầm nắm chắc một thứ gì.
“Tôi phải tập lâu lắm bàn tay mới dẻo như người bình thường, hàng ngày phải tập nắm những vật lớn rồi dần dần đến những vật nhỏ hơn. Khổ nhất là mỗi khi gieo hạt giống, hạt bé xíu nên cầm rất khó, có khi cả trăm lần mới gieo xong một hố”, Sơn bộc bạch. Nhờ chăm chỉ luyện tập, chàng trai đã biết điều khiển đôi bàn tay thương tật. Nhiều buổi chiều bất chợt gặp anh tỉ mẩn luyện tập, thiếu nữ Thụy Sĩ đem lòng yêu anh lúc nào không hay. Ông Sơn nhớ lại chuyện tình của mình: “Các cô gái phương Tây yêu ai, thích ai đều nhìn vào những điểm tốt của chàng trai chứ không nặng nề hình thức bên ngoài”.
Vợ chồng ông Sơn và người dì ruột
Bà vợ ông vui ra mặt chia sẻ chuyện tình: “Sissi rất cảm phục nghị lực vươn lên của anh Sơn. Anh ấy thật thà, biết yêu thương mọi người. Vậy là Sissi yêu anh ấy luôn trong lần gặp đầu tiên tại nhà anh ấy. Lúc đó Sissi thường lui tới làm nội trợ cho gia đình mẹ nuôi anh Sơn”.
Chuyện tình của cô gái Thụy Sĩ và chàng trai Việt Nam một phần thân thể tàn phế lúc đầu bị mẹ cô gái phản đối dữ dội bởi bà lo lắng một ngày nào đó con gái bà theo chồng về Việt Nam sẽ phải chịu khổ. Nhưng rồi tình yêu đã giúp đôi trẻ vượt lên tất cả. Để “trọn tình trọn nghĩa”, họ “thỏa hiệp” đến lúc nào mẹ Sissi qua đời thì vợ chồng mới tính đến chuyện chuyển về Việt Nam sinh sống.
Hàng chục năm trời sống bên trời Âu, ông Sơn có một “vật báu” luôn được cất giữ cẩn thận bên người là mảnh giấy ghi địa chỉ quê nhà. Những suy nghĩ của ông lúc nào cũng nghĩ về làng quê Truyền Nam, nơi con đường làng quanh co dẫn vào nhà mình, nhớ rõ mảnh vườn nơi mình bị trúng bom cũng là nơi mẹ anh đã qua đời. Ấp ủ mãi nhưng đến năm 32 tuổi ông mới có dịp trở về thăm quê.
Sau chuyến thăm đó tình yêu quê càng mãnh liệt hơn, vài năm sau khi mẹ vợ qua đời, 3 đứa con cũng đã ổn định cuộc sống nên vợ chồng quyết định về Việt Nam sống hẳn. Năm 2007, người dân thôn Truyền Nam bất ngờ khi biết chuyện “vợ chồng ông Tây” tìm về cái xóm nghèo xứ Huế này sinh sống. “Quái lạ, người ta bán nhà bán cửa, bỏ tiền tỉ để sang Tây ở không được, vậy mà vợ chồng ông ấy lại làm ngược lại “bỏ phố về rừng”, có người khi ấy đã bình luận.
“Bỏ phố về rừng”
Ông Sơn chia sẻ lúc mới về Việt Nam, phải rất khó khăn vợ chồng ông mới quen được những sự khác biệt về thời tiết, nhịp sống. Nhiều lần ông cùng vợ định bắt ngược máy bay quay lại Thụy Sĩ. Nhưng rồi tấm lòng hiếu nghĩa với người dì, tình yêu quê hương đã giúp ông gạt bỏ “cái suy nghĩ cứ vẩn vơ” như lời trải lòng. Ông cho biết chính “nàng dâu Tây” đã động viên mình rất nhiều trong quyết định ở lại Việt Nam: “Cô ấy khuyên tôi cái gì cũng phải tập dần mới quen, người dân nơi đây sống được chẳng nhẽ mình lại không sống được”.
Đưa khách tham quan khu vườn rộng hàng ngàn mét vuông quanh nhà, “vợ chồng ông Tây” không giấu được niềm phấn khích bởi giờ đây họ đã trồng trọt, chăn nuôi thành công trên chính mảnh đất bố mẹ để lại. Nàng dâu tây cười sảng khoái cho biết hiện trong vườn nhà bà có đủ cà chua, đậu Hà Lan, bí ngô và mấy chục con thỏ, con gà…
Ngày ngày vợ chồng ông bà cần mẫn cày cuốc chẳng thua kém người dân địa phương. Ông Sơn còn mang hẳn chiếc máy xới đất từ Thụy Sĩ về phục vụ cho công việc trồng trọt của mình. Nhiều người chứng kiến cảnh ông Việt kiều cao lêu nghêu cầm cuốc suốt ngày giữa vườn thì rỉ tai nhau thán phục. “Ông Sơn siêng năng lắm, hỏi thì ông ấy bảo còn khỏe nên phải làm nhiều để lúc về già được an nhàn. Suy nghĩ ấy thật đáng để học hỏi”, anh Nguyễn Quảng, một người hàng xóm nhận xét.
Cứ vài ngày vợ chồng ông Tây lại đều đặn đi nhặt rác quanh xóm. Hỏi thì ông chỉ giải thích vắn tắt rằng có nhặt sạch rác mới giúp môi trường trong lành, cuộc sống tránh được bệnh tật. Còn nàng dâu Tây mong muốn việc làm của mình phần nào đó giúp người địa phương nâng cao ý thức bảo vệ môi trường hơn nữa: “Nên bỏ rác đúng nơi quy định, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, đường làng cho đỡ bệnh tật”.
Càng cảm phục hơn khi biết rằng hễ trong thôn có ai ốm đau, vợ chồng ông đều trích 50USD từ khoản lương hưu ít ỏi đến thăm hỏi, động viên. Được biết ngoài những trường hợp không cố định đó, hiện ông Sơn đang cùng người em nuôi ở Thụy Sĩ nhận lời giúp đỡ gia đình một người trong thôn bị tai nạn nằm liệt giường số tiền 1triệu đồng/tháng.
“Dù khó khăn đến mấy chúng tôi cũng ở lại Việt Nam sinh sống bởi đây là nhà cửa tổ tiên chồng tôi để lại. Ở đây tôi thấy được thanh thản, thoải mái với những người làng thân thiện, chân tình”, nàng dâu Tây trải lòng sau sáu năm “theo chồng về dinh”.