Ân oán giang hồ khép lại sau lời trăng trối đặc biệt

Sau ngày chồng bị giết, dù hung thủ đã bị bắt nhưng đám đàn em của chồng vẫn qua nhà, xin “ý kiến” của người vợ. Họ muốn “làm cỏ” băng nhóm đối địch.

Một mình một lưỡi lê cướp sới bạc

Thành sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông con. Vì dáng người nhỏ thó, gã được đám bạn đồng trang lứa đặt biệt hiệu là “con”. Giống nhiều tay anh chị khác, vì hoàn cảnh khó khăn, Thành ít học, sớm phải lao vào chốn ga tàu bến xe kiếm sống. Cạm bẫy sa ngã ở những môi trường như vậy thường rất khó tránh với những đứa trẻ có xuất thân như Thành. Mười mấy tuổi, gã đã là thành viên “nhí” trong một số băng trộm cắp, giật dọc, 15 tuổi đã phải trả giá bằng án tập trung cải tạo đầu tiên.

Cũng sớm hư hỏng, sớm tù tội, nhưng Thành được giang hồ vì nể bởi bản tính có phần “mã thượng” trong cái chốn toàn “mưu hèn kế bẩn”. Như lời một số tay anh chị thời đó, Thành “mã thượng” ở chỗ không đánh lén sau lưng, không cậy đông đánh ít và đặc biệt, không bao giờ “lừa thầy phản bạn”. Những người Thành coi là bạn, gã sẽ “xả thân” bảo vệ, nguy hiểm đến đâu cũng không ngán ngại.

Giang hồ vẫn nhớ chuyện năm 18 tuổi, Thành một mình cướp sới bạc của một tay anh chị khét tiếng khu vực Ngọc Hồi (Hà Nội). Nguyên do, chủ sới bạc chơi bịp, lừa hết tiền một “chiến hữu” của Thành. Thời đó, chưa có những “công nghệ” bịp tinh vi như bây giờ. Với môn đỏ đen là xóc đĩa, dân bịp thường dùng chiêu “bát cong đĩa cong”. Nghĩa là bát đĩa có những phần hơi vênh nhau, kẻ xóc cái ngồi sát tường một phòng. Ở phòng bên cạnh sẽ có một khe hở nhỏ, vừa đủ để một người ngồi bên đó lé mắt nhìn sang. Bởi bát đĩa vênh nhau, kẻ ngồi ở phòng bên sẽ nhìn được quân “vị” là chẵn hay lẻ, rồi bí mật thông báo cho kẻ xóc cái.

Bấy giờ, nghe bạn về kể chuyện đánh bạc thua hết tiền, nghi là bị bịp, Thành biết tỏng ngay chiêu trò của sới bạc kể trên. Lập tức, gã dắt vào người chiếc lưỡi lê tháo từ súng AK, một mình xuống Ngọc Hồi đòi “công bằng” cho bạn. Ban đầu vào sới, Thành vẫn chơi bình thường như những con bạc khác. Có điều, gã để tâm quan sát, xem có đúng chiêu bịp “bát cong đĩa cong” hay không.

Ngay khi khẳng định điều đó, Thành lập tức ra tay. Lúc ấy, hai mặt chẵn lẽ đều rải đầy tiền, nhà cái chưa kịp mở bát, Thành bất ngờ lao lên. Tay phải rút hung khí kề vào cổ kẻ xóc cái, một chân gã giẫm lên cả bát lẫn đĩa. Những người chơi ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, Thành thủng thẳng bảo: “Nhà cái bịp bợm thế mà chúng mày vẫn đâm đầu vào chơi à”. Sau đó, gã nhìn kẻ xóc cái, lạnh lùng: “Giờ tao bỏ chân ra, mày nhẹ nhàng lấy bát đĩa lên cho mọi người xem có phải bát cong đĩa vênh hay không? Mày mà đập bát phi tang, tao lấy mạng ngay lập tức”. Bị chiếc lưỡi lê kề sát cổ, kẻ xóc cái không dám trái lời. Quan sát bát đĩa xong, cả sới bạc ồ lên tức giận. Sợ to chuyện, tay anh chị chủ sới bạc phải ra mặt can ngăn, xin xỏ.

“Bóc mẽ” đối phương xong, Thành đòi nhà cái phải trả lại đủ số tiền bạn mình đã thua. Rồi trước khi bỏ đi, gã thản nhiên nói với chủ sới bạc: “Tao biết mày hận tao lắm. Tao là Thành “con” Văn Điển, nếu thích thì đến gặp, đến bao nhiêu thằng, tao đón bấy nhiêu”. Sau phi vụ, phần vì mang tiếng “xấu chơi”, phần cũng ngại “cái oai” của Thành, chủ sới bạc không dám trả thù. Tiếng tăm Thành từ đó cũng được giới giang hồ khu vực nể phục.

Sau chuyện đó, đàn em tìm về dưới trướng rất đông, Thành “con” bắt đầu lao vào nhiều lĩnh vực làm ăn phi pháp. Đâm thuê chém mướn, bảo kê bến xe, đòi nợ thuê, không việc gì gã không làm. Được tiếng “mã thượng” trong giới giang hồ, nhưng với người dân lành, gã vẫn là một “hung thần”, với pháp luật, gã chỉ là tên tội phạm. Làm điều ác, đồng nghĩa Thành phải nhiều lần phải trả giá bằng những án tù. Có điều, cứ mỗi lần trở về từ trại giam, gã lại được đồng bọn “tiền hô hậu ủng”, nhanh chóng trở lại con đường “tối”.

Trả giá vì “ân oán giang hồ”

Năm 28 tuổi gã mới lấy vợ. Đó là một thiếu nữ con nhà lành, ở cùng địa phương, sau này đã trở thành người cứu rỗi cuộc đời tội lỗi của Thành. Sinh liền hai đứa con, vẫn chưa thể từ bỏ thứ “bùa ngải” giang hồ, khi con còn chưa biết gọi bố, Thành đã lại trả giá. Lần này là trọng tội, bởi trong một vụ ẩu đả băng nhóm tại ga Văn Điển, Thành con đường trở về của gã hun hút, xa vời.

Thành trả giá trong trại giam, vợ gã một nách hai con nhỏ, còn phải chăm sóc cha mẹ chồng già yếu. Tuy thế, xuất thân con nhà lao động, vợ gã không một lời kêu than. Chị cứ tảo tần hôm sớm, tròn phận sự làm dâu, nuôi nấng các con, lại thường xuyên thăm nuôi chồng trong tù. Chứng kiến vợ mình vất vả, có lẽ phần thiện lương trong gã được hồi sinh. Và điều khiến Thành cảm động và phục nhất, đó là vợ gã kiên quyết không nhận sự giúp đỡ từ những kẻ giang hồ, bạn bè của chồng.

Một bạn tù của Thành ở trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên) kể lại, hôm đó ra gặp vợ con, trở về buồng giam, gã đã khóc. Hóa ra, thấy gia đình khổ sở quá, Thành đã yêu cầu vợ đi tìm sự trợ giúp của bạn bè mình. Tuy nhiên, vợ Thành từ chối, chị nói với chồng những lời gan ruột: “Đó là những đồng tiền nhơ bẩn, dù có thể giúp các con sống sung sướng cũng không thể thành người. Em dù vất vả, vẫn tự hào nuôi nấng các con bằng đồng tiền làm ra từ mồ hôi nước mắt”.

Những lời đơn giản nhưng chí tình chí nghĩa của vợ dường như đã khiến Thành ngộ ra sự thanh thản của cuộc sống lương thiện. Bằng chứng là từ đó, gã thành tâm cải tạo, mong sớm được trở về chuộc lỗi với vợ con. Luật pháp cũng không bao giờ khép cửa với những người thực sự biết hối cải. Gã liên tục được giảm án trong những lần xét duyệt của trại. Sau 12 năm cải tạo, Thành “con” được đặc xá tha tù.

Trở về nhà trong vòng tay yêu thương của gia đình, hơn 40 tuổi đầu, Thành mới thực sự học cách kiếm tiền bằng mồ hôi nước mắt. Khi ấy, tiếng tăm của Thành vẫn còn. Đám chiến hữu đồng lứa giờ nhiều kẻ đã có “số má”, vẫn muốn chèo kéo gã trở lại. Tuy thế, Thành không chấp nhận, chỉ lầm lũi một mình làm chân bốc vác ngoài ga.

Thấm thía chốn giang hồ bạc bẽo nhiều cạm bẫy, Thành thực sự rời xa con đường tối. Gã chỉ muốn chiều chiều được trở về nhà, vui với vợ bên mâm cơm đạm bạc, nhìn ngắm hai đứa con đều ngoan ngoãn, biết chăm chỉ học hành. Tuy thế, “móng vuốt” ghê gớm của “ân oán giang hồ” không chịu buông tha cho Thành. Nạn nhân bị gã lỡ tay cướp mạng ngày trước có mấy đứa con trai. Thành không thể ngờ đám trẻ đó giờ đều hoạt động trong băng nhóm, vẫn nuôi chí trả thù.

Vụ thanh toán diễn ra rất nhanh vào một buổi tối cuối năm 2002, khi Thành đang trên đường về nhà. Dính nhiều vết thương chí mạng, Thành chết ở bệnh viện sau vài ngày điều trị. Cảnh sát nhanh chóng tìm ra những kẻ thủ ác. Khi đã nhận diện được hung thủ, đám chiến hữu cũ của Thành vô cùng tức giận.

Họ muốn “làm cỏ” băng nhóm đối phương để trả thù. Tuy nhiên, khi được hỏi ý kiến, dù đau đớn trong lòng, căm thù kẻ ác nhưng vợ Thành kiên quyết lắc đầu. “Anh ấy bảo cả đời đã làm nhiều điều tội lỗi, nhận kết cục này cũng là xứng đáng. Mọi ân oán kết thúc sau cái chết của anh ấy, để phúc cho con cho cháu”, người vợ nghẹn lời nhắc lại lời trăn trối của chồng trong viện. Nghe những lời ấy, đám giang hồ đều cảm thấy gai người rồi len lén bỏ đi.