Qua đó để thấy, thể thao không đơn thuần chỉ như tên gọi mà đã trở thành những hoạt động sôi nổi của người dân…
Làm "thần tượng" không dễ
Những ngày qua, thông tin về đội tuyển bơi và VĐV Hoàng Quý Phước đang ở Mỹ thật sự sốt dẻo, được giới chuyên môn cùng người hâm mộ quan tâm sát sao. Ở đây, chúng ta không nói về chuyện ai đúng, ai sai việc cung cấp thông tin hiện thời của các thành viên ở Mỹ. Với sự nổi tiếng qua những thành tích đã có, ít nhiều bản thân Quý Phước đang phải chịu áp lực với sự nổi tiếng ấy mà gồng sức tập huấn ở nước ngoài. Bây giờ, người ta nói nhiều về Quý Phước cũng chẳng kém khi VĐV này đoạt HCV ở SEA Games 26 và giành chuẩn B Olympic. Nhưng nói gì thì nói, Quý Phước vẫn đang là gương mặt tiêu biểu, thần tượng của thể thao đỉnh cao nước nhà.
Để trở thành thần tượng của thể thao Việt Nam giống như Quý Phước thật chẳng dễ dàng gì.Ảnh: Chi Bảo
Ngược thời gian 4 năm trước, khi đó, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn (cử tạ) là nhân vật đình đám nhất. Chẳng ai quên tấm HCB ở Thế vận hội 2008 đã giúp Tuấn trở thành tâm điểm của mọi phương tiện truyền thông, mọi câu chuyện bàn luận về chiến lược thể thao nước nhà. Ngày lên “mây xanh”, Hoàng Anh Tuấn được tung hô hết mực, nhưng cũng chưa tròn 2 năm sau, chính danh tiếng ấy khiến lực sĩ này rơi tự do theo tỷ lệ nghịch với sự nổi tiếng. Thất bại ở SEA Games 25, rồi năm 2010 bị phát hiện dính doping là nguyên nhân không nhỏ đưa thần tượng một thời… rơi vào quên lãng.
Mới đây nhất, đó là trường hợp của cặp VĐV rowing Nguyễn Phương Đông, Lương Đức Toàn. Rõ ràng, chính vụ họ trốn ở lại trái phép tại Australia khi kết thúc tập huấn là thông tin sốt dẻo để Đông, Toàn trở thành “thần tượng” của làng báo thể thao. Dĩ nhiên, đó không phải câu chuyện mô tả họ là những tấm gương sáng điển hình, mà là thông tin phân tích cơ sự của 2 VĐV này. Hỏi trước đây có ai biết Đông hay Toàn, chắc đều nhận được cái lắc đầu. Nhưng bây giờ, họ đã tạo ấn tượng khá lớn, dù đó không phải là hình ảnh đẹp.
Thể thao nước nhà đã có 66 năm hình thành và phát triển. Thời nào, chúng ta cũng có những VĐV, HLV hoặc một số nhà quản lý tốt để tạo nên hình ảnh tươi mới cho nền thể thao nói chung. Nêu ra một vài trường hợp trên chỉ là ví dụ phần nào cho thấy làm thần tượng thể thao không đơn giản. Mới đây, một vài trần tình ở cả trực tiếp trên truyền hình lẫn trên báo giới từ một vài gương mặt thể thao rằng: “Báo giới không công bằng với tôi!” để giãi bày cho phong độ chưa cao. Mỗi người có cái lý của mình để biện minh, nhưng ai cũng hiểu, thể thao khắc nghiệt ở chỗ: thành tích thực tế chiếm phần quan trọng nhất.
Đợi tin vui mới
Hồi giữa tháng 3, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã có thêm buổi làm việc với Bộ VH-TT-DL để báo cáo về Quy hoạch phát triển TDTT Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030. Lộ trình xây dựng phát triển thể thao nước nhà trong 20 năm tới không đơn giản. Bởi trên hết, Quy hoạch phải đạt được yêu cầu về chất lượng cũng như tính thực tiễn, đồng thời phải bám sát vào nội dung của Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua nhiều năm phát triển, chất lượng của VĐV đã đạt tới tầm thế giới và Olympic ở 2 chiếc HCB để đời của taekwondo, cử tạ.
Thêm một lần nữa, ở năm 2012, thành tích tại Olympic London tiếp tục là thước đo khẳng định vị thế của Việt Nam với khu vực và thế giới. Mục tiêu ở bản đề cương Quy hoạch ghi rõ: “Cố gắng có khoảng 20 VĐV lọt qua các cuộc thi vòng loại và phấn đấu có huy chương”, dù chưa hẳn, số lượng nhiều sẽ tỷ lệ thuận với thành tích.
Tuy nhiên, cơ hội dành cho thể thao Việt Nam là không nhỏ. Và ngay trong những ngày cuối tháng 3 này, các gương mặt của tuyển vật (dự vòng loại Olympic châu Á tại Kazakhstan), tuyển bơi (thi đấu ở giải Indianapolis Grand Prix) tiếp tục là niềm kỳ vọng cho thể thao nước nhà có thêm những suất trực tiếp dự London.