1. "Tôi sẽ quyết định đóng cửa hoàn toàn Khu du lịch Đại Nam và các hoạt động khác của công ty" - ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch công ty cổ phần Đại Nam Sau khi nhận văn bản yêu cầu thu hồi quyền sử dụng 61,4 ha đất của công ty Đại Nam từ UBND tỉnh Bình Dương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc doanh nghiệp này là ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi") đã bất ngờ tuyên bố "đóng cửa khu du lịch Đại Nam Văn Hiến". Theo vị này, việc Bình Dương liên tục có quyết định thanh tra thuế với mật độ dày đặc, ra văn bản thoái thu tiền sử dụng đất thu thừa... đã đẩy doanh nghiệp của ông đến tột cùng khó khăn và bất chấp Thủ tướng đang chỉ đại xem xét lại kết luận của Thanh tra Chính phủ.
"Nếu tình hình này vẫn không thay đổi, tôi sẽ quyết định đóng cửa hoàn toàn Khu du lịch Đại Nam và các hoạt động khác của công ty Đại Nam, để chờ đợi kết quả giải quyết của Thủ tướng đối với các hành vi vi phạm của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đối với công ty Đại Nam”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch công ty cổ phần Đại Nam cho rằng công ty bị tình Bình Dương o ép, quá khó khăn nên ông phải đóng cửa khu du lịch Đại Nam.
Ngày 4/11, trên website chính thức của khu du lịch này đã xuất hiện thông báo tạm ngưng phục vụ từ ngày 10/11 đến hết ngày 31/12, đồng thời phục vụ miễn phí du khác những ngày còn lại. Sau đó, công ty này liên tiếp điều chỉnh lịch đóng cửa những ngày cuối tháng 11 và 12 năm 20014, nhưng vẫn chưa kèm thông báo thời gian mở cửa trở lại trong năm 2015.
Trước đó, vị này cũng từng chia sẻ rằng ông "tự đâm vào chính con tim mình" khi quyết định khởi kiện tỉnh Bình Dương bởi điều đó giống như đã đặt dấu chấm hết cho con đường làm doanh nghiệp của ông. "Trong di chúc dành cho con trai tôi cũng không mong muốn nó làm doanh nghiệp nữa. Tôi sợ quá rồi".
2. "Giao tài sản 2.000 tỷ đồng cho 7 người làm từ thiện" - ông Lê Ân, Chủ tịch công ty Lê Hoàng
Ngay sau sinh nhật lần thứ 76 của mình, ông chủ làng du lịch Chí Linh, Vũng Tàu đã thông báo về việc sẽ giao 14 tài sản, trị giá 2.000 tỷ đồng cho 7 người thân để lập quỹ từ thiện. Theo đó, 14 loại tài sản, chủ yếu là những biệt thự cao cấp, nhà lầu, bất động sản tại Vũng Tàu, TP.HCM sẽ được những người có tên trong danh sách điều hành Quỹ từ thiện kinh doanh, dành toàn bộ phần lãi sau khi trừ hết chi phí để làm từ thiện.
Ông Lê Ân, Chủ tịch công ty Lê Hoàng.
Theo vợ của ông Lê Ân, đây vốn là tài sản cá nhân được vị đại gia này cam kết đền bù cho vụ án liên quan đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Vũng Tàu (VCSB) mà ông từng là Chủ tịch. Sau khi thắng kiện, ông Ân giữ được nguyên vẹn số tài sản này và dùng nó làm vốn cho Quỹ từ thiện mang tên mình.
3. "Tôi không biết nuôi bò nên mới làm được" - ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai
Đây là câu trả lời của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khi có thông tin nghi ngờ về việc doanh nghiệp của vị này cùng với 2 đối tác khác công bố kế hoạch nuôi 230.000 con bò trong giai đoạn 1 với số vốn lên tới 6.000 tỷ đồng. "Tôi không biết mới làm được. Vì không biết nên mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, không ù lỳ cách nuôi phổ thông", bầu Đức giải thích.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Tùng Lê.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên những dự án của ông chủ Hoàng Anh Gia Lai vướng phải nghi ngờ của dư luận, nhất là khi ông thực hiện kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn theo hướng giảm dần các dự án bất động sản, thủy điện mà xoay sang làm nông nghiệp. Tuy nhiên, đối mặt với dư luận, bầu Đức vẫn luôn giữ niềm tin rất lớn: "Tôi khẳng định là mình không ‘nổ’. Chúng tôi có lợi thế mà ai cũng thấy... Sữa, thịt bò tại Việt Nam sẽ được lập lại trật tự. Chúng tôi có đủ lực để quyết định giá và tôi tin mức này là thấp hơn thị trường".
4. "Sống tử tế không phải dễ"- ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tập đoàn Tôn Hoa Sen
Tại buổi toạ đàm “Bạn có bản lĩnh lập nghiệp?” tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch tập đoàn Tôn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ đã có những chia sẻ về các phẩm chất, giá trị và nguyên tắc sống làm nên thành công trong con đường kinh doanh đầy khắc nghiệt. Khởi nghiệp đầy khó khăn khi phải thuê trọ trong căn nhà 9 m2 có giá 50.000 đồng/tháng với vợ con, ông Vũ đúc kết rằng chỉ có làm việc chăm chỉ, sáng tạo thì doanh nhân mới có thể đạt được thành công.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tập đoàn Tôn Hoa Sen. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp.
"Sống tử tế không phải dễ", "Phải luôn là cánh chim đầu đàn" là lời khuyên của đại gia có mặt trong danh sách 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với những thế hệ doanh nhân kế cận. Tuy giàu có nhưng vị này vẫn giữ cho mình cuộc sống giản dị, ăn chay trường, tu tâm trước mọi ham muốn, cám dỗ và "bình thản trước mọi danh vọng".
5. "Đàn ông thông minh không lấy phụ nữ thành đạt" - ông Vũ Minh Châu, CEO Bảo Tín Minh Châu
Là giám đốc một thương hiệu vàng nổi tiếng hàng đầu Việt Nam nhưng ông Vũ Minh Châu vẫn giữ cho mình nhiều đam mê khác ngoài kiếm tiền, như làm từ thiện, làm thuốc Đông y, làm thơ và chụp ảnh. Với doanh nhân này, giàu quá lại hóa nghèo, nên những người thông minh là người biết làm giàu đến mức cần thiết.
Ông Vũ Minh Châu, CEO Bảo Tín Minh Châu cho rằng phụ nữ thì không nên tham gia thương trường. Ảnh: Dân Việt.
Yêu thương và trân trọng phụ nữ nhưng CEO Bảo Tín Minh Châu lại có quan điểm đặc biệt về việc chọn vợ. "Chăm, hiền là những đức tính quý báu nhất của người vợ. Phụ nữ đẹp thường không chăm, phụ nữ thông minh thường không hiền... Tôi nghĩ phụ nữ không nên thành đạt mà chỉ nên là người dịu dàng và tinh tế. Là đàn ông thành đạt, tôi biết một điều rằng, một người đàn ông thông minh sẽ chẳng bao giờ lấy người phụ nữ thành đạt làm vợ".
Ông cũng thẳng thắn cho rằng phụ nữ không nên bước vào thương trường, bởi "sau một thời gian kinh doanh, những nét nữ tính của họ đều biến mất... Thiên nga mà tắm thương trường cũng trở thành gà chọi”.
6. "Làm việc dưới 12 tiếng thấy chán thì nên bỏ" - ông Đỗ Duy Thái, CEO công ty Thép Việt
Tâm sự về việc làm thế nào để giữ lửa trong suốt nhiều năm kinh doanh trong ngành thép, Tổng giám đốc Thép Việt đã từng chia sẻ câu nói của ông với các học viên ở lớp “Hạt giống lãnh đạo”, Trường Pace: “Các em một ngày làm việc gì dưới 12 tiếng đồng hồ mà đã thấy mệt, thấy chán thì nên bỏ việc đó đi! Hãy tìm nguồn đam mê lớn hơn thì nó mới mang lại giá trị gia tăng cho mình. Vì một người thực sự muốn phát triển, chính bản thân họ phải được hạnh phúc trước”.
Ông Đỗ Duy Thái, CEO công ty Thép Việt - người sở hữu và điều hành nhà máy luyện, cán thép xây dựng lớn nhất Đông Nam Á, đứng thứ 26 trên thế giới. Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn.
Với người đàn ông đã có 15 năm gắn liền với ngành thép, sở hữu và điều hành nhà máy luyện, cán thép xây dựng lớn nhất Đông Nam Á, đứng thứ 26 trên thế giới, công việc chính là niềm vui, và vì ham vui nên ông mới làm. "Nhà phát triển công nghiệp ít khi nào thỏa mãn, vì lúc nào chúng tôi cũng phải làm việc. Chưa làm hết cái này đã phải nghĩ đến cái khác, công việc không có điểm dừng. Thỏa mãn sẽ giết chính mình. Đó là cái nghiệp!", ông nói với tờ Doanh Nhân Sài Gòn.