Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị, trường học khẩn trương thông báo cho học sinh nghỉ học ngày 15/10. Các đơn vị, trường học được chủ động đề xuất phương án cho trẻ mầm non, học sinh, học viên nghỉ học phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, các đơn vị phân công trực bão 24/24 giờ và tập trung lực lượng, phương tiện khẩn trương khắc phục ảnh hưởng của bão.
Sở GD&ĐT Quảng Nam đã có công văn chỉ đạo các địa phương và các trường thông báo cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học ngày 15/10/2022.
Các đơn vị, trường học được chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học các ngày tiếp theo tùy tình hình thực tế diễn biến của bão số 5 Sơn Ca và mưa lũ. Đồng thời, các đơn vị rà soát điều kiện đảm bảo an toàn và điều kiện sinh hoạt cho học sinh tại các trường nội trú.
Mưa như trút nước liên tiếp trong nhiều giờ đã khiến nhiều nơi trên địa bàn các tỉnh miền Trung
ngập sâu.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh và các địa phương kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc đảm bảo an toàn trong phòng, chống bão; bố trí lực lượng sản xuất, kinh doanh phù hợp và tạo điều kiện cho công nhân, người lao động nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của bão, mưa lũ được nghỉ làm việc ngày 15/10 nhằm đảm bảo an toàn.
Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị có văn bản gửi Phòng GD&ĐT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị trực thuộc sở; trường phổ thông liên cấp, Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị; các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn du học, cơ sở dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh thông báo về việc triển khai một số biện pháp ứng phó bão và mưa lũ. Cụ thể, các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh tùy theo diễn biến mưa lũ và điều kiện thực tế tại địa phương có thể cho học sinh nghỉ học nếu không đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, các đơn vị tham mưu với chính quyền địa phương kế hoạch sơ tán học sinh tại các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của bão, mưa lũ, khu vực trũng thấp, ven sông, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn. Ngoài ra, cần chuẩn bị và tiến hành ngay việc chằng chống, che đậy nhà cửa, phòng học, di chuyển sách vở, trang thiết bị dạy học đến vị trí an toàn,…
Các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học trong toàn tỉnh cần có phương án khắc phục hậu quả sau mưa bão, lũ lụt; kịp thời cứu trợ học sinh, giáo viên bị thiệt hại nếu có; phối hợp với Trung tâm Y tế địa phương triển khai vệ sinh trường lớp ngay sau bão.
Trước đó, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ra thông báo cho học sinh, học viên trên toàn tỉnh được nghỉ học từ ngày 15/10. Riêng các địa phương thấp trũng, vùng nguy cơ sạt lở nghỉ học từ chiều 14/10. Các trường học ở vùng thấp trũng lên phương án đảm bảo tài sản, cơ sở vật chất lên vị trí cao ráo, tránh hư hại domưa lũ.
Sở GD&ĐT Bình Định cũng có công điện công điện yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành giáo dục nghiêm túc thực hiện những việc cần làm ngay để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và ứng phó với tình hình mưa lớn từ ngày 13 đến ngày 16/10.
Sở yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát kế hoạch, các biện pháp cụ thể để đảm bảo an toàn cơ sở vật chất nhà trường, bảo quản tốt hồ sơ, thiết bị giảng dạy, ứng phó khi có mưa, lũ lớn xảy ra; thường xuyên theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, diễn biến của vùng áp thấp và căn cứ diễn biến tình hình thực tế mưa, lũ tại địa phương để chủ động cho học sinh nghỉ học bố trí lịch dạy bù cho phù hợp.
Cũng mới đây, do tình hình triều cường vẫn còn diễn biến phức tạp, cao hơn mức báo động 3 nên Sở GD&ĐT TP. Cần Thơ đã yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức dạy học phù hợp.
Trong 2 ngày từ 14 – 15/10, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đơn vị và nhu cầu của phụ huynh học sinh, Thủ trưởng các đơn vị linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức dạy học phù hợp (trực tuyến hoặc hướng dẫn học tập tại nhà hoặc dạy học trực tiếp) đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ mầm non, học sinh, học viên, giáo viên.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 15/10, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5 đã đi vào đất liền khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ở khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và phía Bắc Tây Nguyên đã có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to; riêng khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 14/10 đến 4 giờ ngày 15/10 có nơi trên 200mm như: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 570mm, Bà Nà (Đà Nẵng) 382mm, Hội Khách (Quảng Nam) 228mm,…; tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Hồi 4 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông trên đất liền khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39 - 49km/giờ), giật cấp 8, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15 - 20km/h. Vùng biển từ Quảng Trị đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có mưa rào và dông mạnh; gió mạnh cấp 6, giật cấp 7- 8, biển động. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động. Khu vực đất liền ven biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có khả năng chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Từ ngày 15/10 đến hết ngày 16/10, ở khu vực từ phía Nam Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và khu vực Kon Tum có mưa to và dông; riêng khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế có mưa rất to. |