43 năm tủi nhục trong tù bởi cái mác sát nhân oan uổng

Kevin Strickland đã được tại ngoại sau 43 năm phải chịu bao tủi nhục trong tù bởi cái mác sát nhân cho một tội lỗi mà ông chẳng hề gây ra.

Án oan sai bậc nhất lịch sử nước Mỹ

Ngày 23/11/2021, một thẩm phán bang Missouri (Mỹ) đã quyết định lật lại vụ án của Kevin Strickland - vụ án người đàn ông da màu với án tù chung thân không ân xá tối thiểu 50 năm vì đã giết 3 người.

Thẩm phán James Welsh đã ra lệnh phóng thích Strickland ngay lập tức sau khi các công tố viên đưa ra được các bằng chứng chứng minh ông vô tội. Tuy nhiên với 43 năm oan ức, Kevin Strickland không hề nhận được một đồng bồi thường nào cho quãng thời gian và danh dự đã bị hủy hoại bởi bản án oan sai bậc nhất lịch sử nước Mỹ.

Tại bang Missouri, chỉ những tù nhân được trắng án thông qua xét nghiệm DNA mới đủ điều kiện được bồi thường 50 đô/ngày, tối thiểu 50 ngàn đô/năm, và hiển nhiên Strickland xấu số không nằm trong số đó.

Stricland rời tòa án quận Jackson, thành phố Kansas (Mỹ) với tuyên bố trắng án (ảnh: WashingtonPost)

“Tôi không nhất thiết phải tức giận. Mọi người hiểu và cảm thương cho tôi, bất bình thay cho tôi, như vậy là quá đủ rồi. Ngay bây giờ tôi chỉ cảm thấy lẫn lộn giữa niềm vui và sợ hãi thôi.” - Strickland trả lời các phóng viên khi rời Trung tâm Cải huấn Tây Missouri.

Ngay sau khi rời Trung tâm Cải huấn - nơi đã giam hãm cả nửa cuộc đời của mình, Strickland ngay lập tức tới thăm mộ mẹ - người đã qua đời khi ông còn ở trong tù, Strickland thậm chí còn chẳng có cơ hội nhìn mặt người mẹ thân yêu lần cuối. Khi xe dừng lại trước khu mộ, Strickland không kìm lòng được mà ngã quỵ xuống, nức nở bò lết tới bên mộ mẹ.

Định kiến màu da

Sau khi cha mẹ chia tay năm 16 tuổi, chàng trai Strickland đã mất phương hướng: điểm số trên trường tụt dốc thảm hại, học đám bạn xấu mà sa đà vào hàng loạt những tệ nạn giới trẻ như rượu và ma túy.

Khi chưa đầy 18 tuổi, Strickland đã trở thành cha của một bé gái, và lúc đó cậu chàng như tỉnh ngộ, quyết tâm không thể trượt dài trong vũng lầy mãi được mà phải cố gắng để cho con gái một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thế nhưng tai họa đã đổ ập lên đầu Strickland khi vụ án bốn người bị bắn ở thành phố Kansas ngày 25/4/1978 khiến ba người chết, nhân chứng còn sống duy nhất Cynthia Douglas đã làm chứng rằng Strickland đã có mặt tại hiện trường vụ án.

Kevin Strickland với bản án oan sai dài bậc nhất lịch sử nước Mỹ (ảnh: People)

Năm 2015, trước khi qua đời, Douglas đã thừa nhận với truyền thông một phần lí do cô chọn kẻ tình nghi là Strickland có liên quan đến điều tra viên của vụ án Richard Zoulec. Cụ thể, Zoulec đã đề nghị cô chỉ ra “Nordy” (biệt danh của Strickland) trong đội hình kẻ tình nghi: “Chỉ cần chỉ ra chính là Strickland, và mọi chuyện sẽ được giải quyết. Cô sẽ không cần phải bận tâm về vụ này nữa, cứ để chúng tôi lo".

Theo lời những đồng nghiệp kể lại thì Zoulec chính là kiểu người nổi nhờ tai tiếng, tuy nhiên gã đã giết chết vợ rồi tự sát không lâu sau khi Strickland bị tuyên án.

Bốn tháng sau khi Kevin Strickland vào tù, chân tướng vụ án đã được làm sáng tỏ: Douglas cùng ba người bạn đang phê pha tại nhà thì một băng cướp xông vào, hành quyết ba người bằng súng khiến họ chết ngay tại chỗ.

Còn Douglas bị súng bắn vào đùi và cô nhanh trí giả vờ chết bên cạnh xác những người bạn của mình nên may mắn thoát được một mạng, sau đó đợi khi băng cướp rời đi cô cố gắng lết khỏi hiện trường để kêu cứu.

Hung thủ được xác định là Bell, Adkins cùng một vài người nữa. Sau khi bị bắt, Bell và Adkins đều khẳng định rằng việc cảnh sát đưa Strickland vào đội hình kẻ tình nghi là một sai lầm và anh hoàn toàn không có mặt tại hiện trường vụ án, tuy nhiên lời khai của hai hung thủ vẫn không thể giúp Strickland được trắng án.

Minh oan

Strickland không ngừng nghỉ đấu tranh đòi công lý cho bản thân, Douglas cũng cố gắng kêu gọi mọi người lắng nghe mình. Bà từng gửi mail cho Dự án Vô tội Midwest nhằm tìm kiếm lại công lý cho Strickland, tuy nhiên vô ích.

May mắn thay cả Strickland và Douglas đều không bỏ cuộc, cuối cùng câu chuyện của Strickland cuối cùng cũng được Bushnell - một thành viên dự án chú ý tới và cô quyết định sẽ điều tra kỹ lại vụ án.

Tuy nhiên khi tia sáng hy vọng vừa lóe lên với Strickland thì Douglas qua đời, trước khi bà kịp rút lại lời khai, cơ hội được minh oan của Strickland lại gần như trở về 0.

“Tôi từng nguyền rủa Chúa rồi lại ngay lập tức xin lỗi Ngài. Tại sao định mệnh lại trớ trêu với tôi như vậy, tôi đã không ngừng hỏi Chúa mỗi ngày” - Strickland kể lại quãng thời gian vô cùng khó khăn đó, ông gần như đã muốn bỏ cuộc.

Nữ thần công lý cuối cùng cũng đã nghe được tiếng lòng của Strickland: sau nỗ lực của Bushnell, Văn phòng Công tố Hạt Jackson Jean Peter Baker đã đồng ý mở lại cuộc điều tra vụ án Strickland.

Với trình độ khoa học hiện đại ngày nay, họ nhanh chóng chứng minh được Strickland vô tội khi trên tất cả vật chứng thu được đều không có dấu vân tay hay DNA của Strickland.

Strickland đang dần lấy lại niềm vui sau những năm tháng dài oan ức (ảnh: DW.com)

Chính vì vậy, đầu tháng 11 năm ngoái, Strickland đã xuất hiện trong phiên điều trần kéo dài 3 ngày, bao gồm lời khai của nhân chứng được đưa ra theo lời tuyên thệ. May mắn thay, cái mác “sát nhân” của ông cuối cùng cũng được gỡ bỏ, Strickland có thể thoải mái tận hưởng bù những ngày tháng sống trong tăm tối.