4 cách kiểm chứng thành tích của ứng viên trong CV
Thứ tư, 06/11/2019 09:34

Làm thế nào để kiểm chứng, đánh giá được năng lực thật sự và mức độ trung thực của ứng viên thể hiện trên CV?

Trong tuyển dụng nhân sự, CV là “cánh cửa” đầu tiên nhà tuyển dụng mở ra để tìm kiếm ứng viên phù hợp với các tiêu chí tuyển dụng của mình. Vậy làm thế nào để kiểm chứng, đánh giá được năng lực thật sự và mức độ trung thực của ứng viên thể hiện trên CV? Trưởng phòng Nhân sự công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm CareerLink gợi ý 4 cách để kiểm chứng những thành tích của ứng viên trong CV, bạn cùng tham khảo nhé.

Nghiên cứu kỹ CV

Đây là bước đầu tiên và quan trọng không thể thiếu để lựa chọn và phỏng vấn những ứng viên phù hợp. Điều bạn cần khai thác từ CV chính là đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi: Ứng viên có những thành tích nhất định nào? Có kỹ năng và sở thích ra sao? Có siêng năng, cẩn thận hay không? Qua bước này nghĩa là bạn đã đi được một nửa “chặng đường” trong việc tìm ứng viên phù hợp. Nhớ là hãy ghi chú cụ thể những điều thắc mắc từ CV của ứng viên để thông qua đó đặt ra câu hỏi trong buổi phỏng vấn. Ví dụ như nếu ứng viên nói rằng họ thành thạo tiếng Anh, thì bạn có thể đề nghị “Tôi có thể thực hiện cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh được chứ?”

carreer-link-282-xahoi.com.vn-w600-h315

Trực tiếp kiểm tra từ các nguồn tin cậy

• Kiểm tra qua người tham khảo: Đây là nguồn tin đáng tin cậy và xác đáng nhất để chứng minh năng lực của ứng viên. Người này có thể là cấp quản lý trực tiếp của họ khi làm việc ở công ty cũ. Hãy lên danh sách những việc bạn muốn biết về ứng viên. Cuộc trao đổi này thường là cuộc điện thoại với người bạn chưa quen biết. Vì vậy đừng quên giới thiệu bản thân và thông tin tuyển dụng việc làm để cuộc nói chuyện được thoải mái và mang lại hiệu quả. Hãy hỏi về nhiệm vụ trước đây của ứng viên, ngày tháng năm làm việc cũng như các điểm mạnh, điểm tiến bộ, khả năng làm việc theo nhóm... Đừng quên trong câu hỏi nên khai thác thêm liệu ứng viên lần nữa ứng tuyển thì công ty có nhận họ không? Vì thông qua câu trả lời của người tham khảo bạn cũng phần nào hiểu được vị trí cũng như đóng góp của ứng viên đó trước kia. Nếu thông tin người tham khảo không chính xác thì chắc chắn ứng viên đó sẽ không bao giờ có cơ hội được làm việc với bạn.

• Từ các nguồn tin cậy khác: Đó là hoạt động của ứng viên từ mạng xã hội cá nhân cũng như đồng nghiệp cũ của họ. Đây được xem là “người thật, việc thật” để kiểm chứng mối quan hệ, cũng như tính cách của họ. Thông qua đó đánh giá được phần nào tinh thần làm việc nhóm, khả năng phối hợp trong công việc của ứng viên đó. 

Đặt những câu hỏi sơ tuyển qua điện thoại

Sau khi đã rút ngắn danh sách những ứng viên tiềm năng từ việc xem xét kỹ hồ sơ và kiểm tra thông tin từ các nguồn tin cậy thì việc soạn ra những câu hỏi sơ tuyển qua điện thoại là cần thiết. Nên nhớ những ứng viên nói dối trong CV không hề thiếu và lạ lẫm. Họ có thể nói dối được một số việc chưa từng làm, những kỹ năng chưa từng có, hoặc thêm những thành tích bản thân họ chưa từng đạt được. Vì vậy việc thực hiện bước này sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng xác định được các ứng viên đạt yêu cầu và loại bỏ những viên không chân thật. Có thể một vài ứng viên sẽ may mắn vượt qua vòng loại hồ sơ từ một CV “sáng” nhưng đến vòng phỏng vấn này, nhà tuyển dụng sẽ có đủ hiểu biết và nhạy bén để kiểm tra kiến thức và kinh nghiệm của ứng viên liệu có đúng như những gì họ viết trong CV hay không.

Đánh giá năng lực thông qua câu hỏi mở khi phỏng vấn

Sau khi đã kiểm chứng những thông tin từ nhiều nguồn tin thì việc sắp xếp buổi phỏng vấn để gặp mặt ứng viên là cần thiết. Khi đó hãy quan sát kỹ những hành động, cử chỉ, phong thái của họ. Hãy yêu cầu ứng viên mô tả vai trò, vị trí cho một công việc trước đây để ví dụ về khả năng của họ. Nhớ là so sánh lời họ nói với với những gì bạn vừa kiểm chứng từ người tham khảo để đánh giá mức độ chân thật. Đừng ngại đưa ra những câu hỏi giải quyết tình huống để xem khả năng phản xạ của ứng viên đến đâu, và yêu cầu họ giải thích những “chiến thuật đó” để đánh giá có thể ứng dụng vào thực tế hay không. Ví dụ như những câu hỏi giả định “Nếu như… thì bạn sẽ giải quyết ra sao?”. Với những câu hỏi bạn có thể đặt ra từ việc bám sát theo trình tự: Tình huống – Nhiệm vụ - Hành động – Kết quả.

Tóm lại, công tác tuyển dụng chưa bao giờ là dễ dàng, nếu bạn không nắm chắc quy trình và có trong tay một vài bí quyết nhỏ, có thể bạn sẽ tuyển sai người. Và tất nhiên không phải nhà tuyển dụng nào cũng biết vận dụng phương pháp hiệu quả nhất khi chứng thực thông tin. Nếu là nhà tuyển dụng tận tâm thì hãy luôn cẩn thận kiểm chứng vì tiêu chí quan trọng trong công tác tuyển dụng chính là cần một ứng viên không chỉ đảm bảo được năng lực, mà còn là người có nhân cách, đạo đức và sự chân thật. 

HX (Theo Giadinhvietnam.com)

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: Tìm việc làm , kinh nghiệm tuyển dụng , Carrer link