3 câu hỏi chờ đợi ở phiên tòa ly hôn vợ chồng Trung Nguyên ngày 27/3
Thứ ba, 26/03/2019 10:50

Ông Vũ và bà Thảo thỏa thuận được việc nuôi con và các bất động sản. Về công sức đóng góp của hai bên, tỷ lệ phân chia cổ phần và số tiền hơn 2.100 tỷ vẫn đang chờ Tòa phân xử.

Ngày mai 27/3, TAND TP.HCM tiếp tục phân xử vụ ly hôn của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên, giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Tại phiên xử chiều 1/3, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa để xác minh các khoản tiền gửi của nguyên đơn trị giá hơn 2.102 tỷ tại 3 ngân hàng Eximbank, BIDV, Vietcombank, theo yêu cầu phản tố của ông Vũ. Theo thông tin xác minh từ các ngân hàng, hiện tài khoản đứng tên bà Thảo chỉ còn hơn 1,3 tỷ tại Eximbank, các ngân hàng khác không còn tiền.

Trong các ngày xét xử trước đó, hai bên đã thỏa thuận được vấn đề con cái, cấp dưỡng và phân chia bất động sản. Tỷ lệ cổ phần tại các công ty và số tiền phản tố vẫn đang tranh cãi, chưa đi đến thống nhất.

Hơn 2.100 tỷ "bốc hơi", xử sao?

Trong những ngày phiên tòa diễn ra, hai bên tranh cãi gay gắt về việc có đưa 2.102 tỷ đồng vào phân chia tại vụ ly hôn này hay là tách thành vụ án khác.

Phía bà Thảo cho rằng ông Vũ đã tự nguyện rút việc phân chia 2.102 tỷ trong các phiên hòa giải trước đó nên Tòa sẽ không đưa vào phân chia. Tuy nhiên, ông Vũ phản tố yêu cầu này tại Tòa. Bị đơn cho rằng Tòa không ra quyết định đình chỉ, ông Vũ cũng đã nộp tiền án phí cho số tiền này, do đó bị đơn cho rằng Tòa vẫn phải phân chia số tiền 2.102 tỷ này.

Ông Vũ vẫn yêu cầu được chia theo tỷ lệ 7:3 vì đây là tài sản chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Còn bà Thảo cho rằng xác định số tiền để chia thì phải xác định hiện tại còn hay không chứ không thể chọn thời điểm trong quá khứ. Hiện số tiền này không còn nên không thể đưa vào giải quyết trong vụ án này được.

3 câu hỏi chờ đợi ở phiên tòa ly hôn vợ chồng Trung Nguyên ngày 27/3

3 câu hỏi chờ đợi ở phiên tòa ly hôn vợ chồng Trung Nguyên ngày 27/3

Nếu hơn 2.100 tỷ không còn ở tài khoản bà Thảo, tòa sẽ phân xử ra sao? Ảnh: Lê Quân.

Về số tiền này, tại phiên tòa chiều 25/2, đại diện VKSND TP.HCM nhận định trước đây ông Vũ đã rút yêu cầu phản tố liên quan đến số tiền 2.102 tỷ này nhưng tòa án chưa có quyết định đình chỉ. Tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ nên VKS cho rằng chưa có đủ cơ sở vững chắc để giải quyết trong vụ án này.

Quyền quyết định còn lại là ở Tòa. Nếu phân chia số tiền này thì đồng nghĩa với việc 2.102 tỷ là tài sản chung. Bà Thảo làm "bốc hơi" thì phải có nghĩa vụ chứng minh đã dùng vào việc gì? Và số tiền này sẽ cấn trừ khi chia.

Ai đóng góp nhiều hơn?

Đây chính là mấu chốt dẫn đến phán quyết về chia tỷ lệ cổ phần tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên. Theo điểm c khoản 2 Điều 59 luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi bổ sung năm 2014 và điểm b khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016; nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn có tính đến "công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung".

Tại phiên tòa chiều 25/2, xét công sức đóng góp của ông Vũ, VKS thấy rằng ông Vũ khởi nghiệp từ năm 1996, khi đó giấy kinh doanh ngày 15/8/1996 cấp cho ông Vũ với hình thức cá nhân kinh doanh, tên cơ sở kinh doanh là Trung Nguyên Cà phê. Cơ quan công tố nhận định: "Bà Thảo cho rằng bà có đóng góp tiền cho ông Vũ lúc khởi nghiệp nhưng không có chứng cứ chứng minh".

Năm 1998, ông Vũ và bà Thảo kết hôn. Năm 1999 đến 2014, ông Vũ lần lượt thành lập hợp các công ty còn lại. Kể từ khi Trung Nguyên thành lập đến nay, ông Vũ là người nắm giữ vai trò quản lý điều hành ở hầu hết công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên trên cương vị Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc, hiện tại là người điều hành theo pháp luật của 7 công ty.

Nhãn hiệu Trung Nguyên được đăng ký từ năm 2003 và khởi nguồn từ tên gọi Trung Nguyên Cà phê do ông Vũ khởi nghiệp, sáng lập từ năm 1999.

3 câu hỏi chờ đợi ở phiên tòa ly hôn vợ chồng Trung Nguyên ngày 27/3

Căn cứ luật Hôn nhân Gia đình đã sửa đổi, ai đóng góp nhiều hơn có thể được chia phần nhiều.
 Điều này tùy thuộc phán quyết của Tòa. Ảnh: Lê Quân.

Xét công sức đóng góp của bà Thảo, sau khi kết hôn, sinh con, bà Thảo vừa chăm sóc con cái, vừa tham gia hoạt động kinh doanh. Bà là cổ đông của công ty từ năm 2006 đến nay. Ngoài ra, bà còn được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc từ 2006-2015.

Trên cơ sở phân tích, VKS đề nghị HĐXX xem xét, phân chia phù hợp nhằm đảm bảo tỷ lệ các bên và không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các công ty.

Tỷ lệ cổ phần được chia thế nào?

Việc tranh chấp cổ phần tại 7 công ty, bà Thảo đề nghị cho bà sở hữu 51%, ông Vũ nắm 39% trong Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment); 15% tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên và mỗi người 7,5% cổ phần trong Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên. Riêng 4 công ty còn lại, nguyên đơn đồng ý cho ông Vũ sở hữu toàn bộ.

Tuy nhiên, bị đơn không đồng ý và đề nghị chia cho ông Vũ 70% tổng số cổ phần tại 7 công ty, bà Thảo 30%.

Cơ cấu sở hữu hiện nay tại Trung Nguyên Investment gồm ông Vũ đang nắm giữ 61,66%, bà Thảo giữ 30%, bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ) có 6,68% và một cá nhân ẩn danh nắm 1,66%. Cơ cấu sở hữu này được hình thành sau khi ông Đặng Mơ (bố ông Vũ) mất.

Loại trừ số cổ phần 1,66% ông Vũ kế thừa từ bố, số tài sản chung của hai vợ chồng tại Trung Nguyên Investment là 90% (gồm 60% của ông Vũ và 30% của bà Thảo).

3 câu hỏi chờ đợi ở phiên tòa ly hôn vợ chồng Trung Nguyên ngày 27/3

Ông Vũ sẽ nắm quyền điều hành Trung Nguyên hay bà Thảo sẽ chi phối? Ảnh: Lê Quân.

Nếu Tòa chia theo phương án của ông Vũ, sau ly hôn, ông sẽ sở hữu 64,66% Trung Nguyên Investment (bao gồm 1,66% cổ phần là tài sản riêng được thừa kế) và bà Thảo chỉ còn 27%. Ngược lại, nếu chia theo phương án của bà Thảo, sau ly hôn, bà Thảo nắm 51% còn ông Vũ chỉ còn giữ 40,66%

Nếu phân chia theo tỷ lệ 5:5, ông Vũ sẽ có 46,66% và bà Thảo chỉ nắm 45% cổ phần tại Trung Nguyên. Ngay cả khi bà Thảo nhận được sự ủng hộ của cổ đông ẩn danh cũng chỉ nắm tối đa 46,66% cổ phần tại Trung Nguyên Investment. Ông Vũ và mẹ ông nắm tối thiểu 53,34% cổ phần.

Thống nhất việc nuôi con, chia bất động sản

Về con chung, vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên có 4 người con. Cả hai đều muốn nuôi các con nhưng ông Vũ tôn trọng quyết định của chúng. Do 4 đứa đều có nguyện vọng sống với mẹ nên hai bên thống nhất giao con cho bà Thảo nuôi.

Việc cấp dưỡng cho các con, ban đầu bà Thảo đề nghị cho mỗi đứa 5% cổ phần của ông Vũ tại Trung Nguyên. Tuy nhiên, sau đó hai bên thỏa thuận ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng 10 tỷ đồng/năm cho 4 đứa con tính từ năm 2013 đến khi chúng học xong đại học.

Về bất động sản, nguyên đơn và bị đơn đồng ý chia theo tỷ lệ 5:5. Theo đó, bà Thảo sẽ nhận 7 nhà đất đang quản lý có giá trị hơn 375 tỷ đồng. Còn ông Vũ nhận 6 bất động sản do ông quản lý với tổng giá trị hơn 350 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch 25 tỷ đồng, bà Thảo thanh toán lại cho ông Vũ 12,5 tỷ. Ngoài ra, bà chủ thương hiệu King's coffee sẽ được sở hữu căn nhà trên đường Tú Xương (quận 3).

Zing.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: phiên tòa ly hôn vợ chồng Trung Nguyên , Đặng Lê Nguyên Vũ , Lê Hoàng Diệp Thảo