Theo tính toán của những người làm bóng đá, trung bình mỗi năm 28 đội bóng dự V-League và hạng nhất tiêu tốn khoảng 1.500 tỉ đồng.
BĐVN vẫn đang cho thấy nhiều bất cập |
Mười năm đi theo con đường chuyên nghiệp, bóng đá VN đã ngốn mất cả chục ngàn tỉ đồng. Nhưng đổi lại được gì?Khi HLV Phan Thanh Hùng vừa công bố danh sách 23 tuyển thủ tập trung vào ngày 4-9 nhằm mở màn cho đợt chuẩn bị AFF Cup 2012, giới quan sát, người hâm mộ và những nhà chuyên môn đều chép miệng thở dài buồn bã.
Không buồn sao được khi hàng tiền đạo chỉ vỏn vẹn hai cái tên Lê Công Vinh và Nguyễn Quang Hải. Cả hai thật sự không phải là tiền đạo cắm và cả hai cũng chẳng mấy nổi trội tại V-League 2012.
Chính vì vậy khi nghe chân sút Việt Thắng thoát khỏi rắc rối với đội Thanh Hóa, ông Hùng phấn khởi gọi bổ sung ngay. Nhưng nói thật, tiền đạo cắm Việt Thắng cũng chẳng phải là cái tên đủ đem lại hứng khởi! Chưa hết, lỗ hổng của đội tuyển còn ở hàng tiền vệ khi thiếu một thủ lĩnh đúng nghĩa, thế nên mới có chuyện vời lại cả Minh Phương, vốn đã tuyên bố giã từ tuyển quốc gia.
Không chỉ sự nghèo nàn về lực lượng, một mục tiêu lớn khác nữa của bóng đá Việt phấn đấu theo con đường chuyên nghiệp là tìm lại thời hoàng kim từ khán đài. Nhưng mục tiêu thứ hai này thì ai cũng thấy thất bại khi khán đài ngày mỗi vắng.
Rõ ràng tính dưới góc độ lời lãi kinh doanh, bóng đá Việt đã thất bại nặng nề khi tốn cả chục ngàn tỉ đồng, và mất chục năm.
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến thất bại, các nhà quản lý bóng đá VN thường đổ cho các ông bầu: chính các ông bầu không chăm lo cho công tác đào tạo trẻ, chỉ nhăm nhăm lo vung tiền tranh mua cầu thủ dẫn đến việc cầu thủ Việt thu nhập cao hơn nhiều so với giá trị thật. Chính các ông bầu đã tạo nên hình ảnh méo mó của bóng đá qua việc treo thưởng vô tội vạ... Và giờ đây khi địa ốc đóng băng, khi làm ăn không còn dễ như xưa do ảnh hưởng chung của sự khó khăn kinh tế toàn cầu, túi tiền nhiều ông bầu bị “thủng” nên không ít người ngán bóng đá, thậm chí muốn tháo chạy khỏi bóng đá.
Ông Đỗ Quang Hiển ăn mừng ngôi VĐ với SHB.ĐN năm 2009 và HN T&T 2010 nhưng VFF lại nói không đủ cơ sở kết luận tình trạng một ông chủ hai đội bóng
Vâng, thoạt nhìn thì đúng là phần lỗi thuộc về nhiều ông bầu đã làm bóng đá theo kiểu xem nó như một món trang sức, tương tự sắm một chiếc siêu xe để không thua chị kém em. Bóng đá thật sự đã có lúc trở thành mốt thời thượng của các đại gia sau khi nhiều người thấy những bầu Đức, bầu Thắng được biết đến nhiều nhờ bóng đá.
Nhưng liệu phần lỗi có phải do các ông bầu thật không?
Nếu bộ máy quản lý bóng đá nước nhà thật sự mạnh, các ông bầu khó tự tung tự tác như vừa qua. Giới quan sát và chuyên gia bóng đá tâm huyết từng chỉ ra những chuyện không giống ai, làm hỗn loạn bóng đá nước nhà, nhưng tất cả đã bị bỏ ngoài tai. Một đội bóng thay đổi tên họ xoành xoạch là điều xa lạ với bóng đá chuyên nghiệp; một ông chủ được hai đội bóng khác nhau tung hô khi vô địch V-League, thế nhưng vẫn bảo không có bằng chứng vi phạm nguyên tắc cuộc chơi. Nhiều đội bóng gọi là chuyên nghiệp nhưng hệ thống đào tạo trẻ là con số không to tướng...
Có quá nhiều chuyện đơn giản mà bất cứ ai chịu khó tìm hiểu một chút về các nền bóng đá chuyên nghiệp thật sự đều thấy, vậy nhưng nó cứ điềm nhiên tồn tại ở bóng đá Việt; còn các nhà quản lý thì cứ loay hoay đi tìm mối để gỡ!
Ông bà xưa đã nói “nhà dột từ nóc”, điều ấy đố có sai với bóng đá Việt. Vì vậy, việc chấn chỉnh bóng đá VN phải bắt đầu từ các nhà quản lý chứ không phải các ông bầu.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?