Sáng 27/5, cụ bà Nguyễn Thị Cải (SN 1932) chít khăn mỏ quạ, được các con gái, con dâu dìu hai bên đi vào phòng xử án của TAND TP Hà Nội. Ở tuổi 81, bà Cải mắt đã mờ, tai nghễnh ngãng, cùng 3 người con gái, 2 con dâu bị đưa ra xử vì tội hủy hoại tài sản. Bị hại trong vụ án này là con trai và con dâu bà Cải: Hoàng Văn Đích và Nguyễn Thị Thưởng.
TAND huyện Sóc Sơn cho rằng, cụ bà Nguyễn Thị Cải có mâu thuẫn với vợ chồng con trai Hoàng Văn Đích trong việc sử dụng đất nên xảy ra xô xát. Ngày 23/12/2011 bà Cải cầm búa đinh đến nhà con trai để đập tường công trình phụ vừa mới xây xong với mục đích đòi đất. Bà Cải vào đập tường thì con dâu giằng búa. Mẹ chồng, nàng dâu xô xát dẫn tới việc bà Cải ngã xuống nền đất. Thấy mẹ kêu la, các con gái, con dâu là Hoàng Thị Bạch, Hoàng Thị Tập, Hoàng Thị Thực, Hoàng Thị Hành và Hoàng Thị Vân chạy sang cứu.
Nhìn thấy mẹ già ngã dưới đất, trên tay Thưởng lại có chiếc búa đinh, 5 người con này nhảy vào đánh cô em dâu để giải cứu mẹ. 5 chị em đã cùng nhau đánh Thưởng khiến chị này phải đi viện cấp cứu.
Sau đó, ngày 25/12/2012, bà Cải lại cùng 5 người con sang nhà con trai, đập phá toàn bộ khu công trình phụ, chuồng lợn, chuồng ngựa.
Cơ quan tố tụng xác định chấn thương của chị Thưởng tổn hại 4% sức khỏe, chưa đủ cơ sở cấu thành tội hình sự nên xử phạt hành chính. 6 mẹ con bà Cải bị truy tố tội hủy hoại tài sản.
TAND huyện Sóc Sơn tuyên phạt 6 mẹ con bà Cải bị phạt từ 6 đến 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Không bằng lòng với mức án này, Thưởng có đơn kháng án.
Theo Thưởng, chị ta kháng án ở 3 phương diện tăng hình phạt, áp dụng hình phạt tù với mẹ chồng và những người chị em, tăng tiền bồi thường và cần xử những người hành hung Thưởng theo luật hình sự về tội cố ý gây thương tích. Sợ bị đuối lý trước tòa, Thưởng thuê hẳn luật sư để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Người dự khán ái ngại cho gia cảnh 6 mẹ con đứng trước vành móng ngựa bao nhiêu thì khi nghe bà Cải trình bày lại càng thấy sự đoạn tình đoạn nghĩa của vợ chồng Thưởng – Đích bấy nhiêu. Bà Cải già yếu, không biết chữ, không nhớ nổi năm sinh của mình. Chủ tọa luôn phải hỏi to, nhắc lại 2 - 3 lần trước mỗi câu hỏi.
“Chồng tôi mất lâu rồi, nhà nghèo, các con không biết chữ. Tôi nuôi con, vượt đất làm nhà cấp 4, được 3 năm sau thì lo cưới vợ cho Đích. Tôi cho nó (vợ chồng Đích) bao nhiêu đất thì được chứ” – bà Cải trình bày.
Theo bị cáo Hoàng Thị Tập, khi chia đất cho vợ chồng Đích, bà Cải đã gọi họ hàng tới, đo cho 12m. Vợ chồng cậu con trai xây nhà mới khang trang nhưng tới năm 2012, xây phần chuồng lợn và công trình phụ quá sang đất nhà bà nên mới nảy sinh cảnh “nồi da nấu thịt như thế”.
6 mẹ con bà Cải đều thừa nhận việc vi phạm pháp luật đã gây ra, nhưng theo họ đó đều có nguồn cơn vì nhà Đích “tham” lấn đất của mẹ. Hai vợ chồng Đích thì cho rằng họ bị mẹ và các anh chị em phá công trình, hành hung nên yêu cầu tòa phải xử án tù.
Yêu cầu của vợ chồng bị hại khiến thẩm phán phải phân tích giảng giải: “Về pháp luật, sai phạm thế nào, tòa sẽ xử thế đó. Nhưng về đạo đức trong vụ án này rất đáng nói. Con người ta ăn ở có trên có dưới, có trước có sau. Đây là vụ án rất đau lòng, con trai lại muốn mẹ, anh chị em mình đi tù”.
Vợ chồng Đích – Thưởng không để ý tới lời phân tích phải trái của thẩm phán mà kiên quyết đề nghị tòa phải tăng án tù, xử thêm tội cố ý gây thương tích và phần đền bù thiệt hại như đã kháng án. Họ nhất quyết “không còn mẹ con, anh chị em gì nữa” với những bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa. “Nếu tòa không xử nghiêm vụ trọng án này, tôi sẽ khiến nghị tòa cấp trên” – Thưởng gay gắt. Luật sư của bị hại thì cho rằng cần trả hồ sơ để làm rõ những vấn đề liên quan.
Sau vài tiếng nghỉ nghị án, chủ tọa phiên tòa nhận định không có căn cứ xem xét những kháng cáo của bị hại, vì vậy tuyên y án sơ thẩm, xử phạt bà Cải cùng các con từ 6 – 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Bà Cải cùng 5 người con mệt mỏi rời phòng xử án trước ánh nhìn “nẩy lửa” của vợ chồng người con trai. Phía bị hại nhất quyết sẽ tiếp tục làm đơn kiến nghị tòa cấp trên để tăng hình phạt đối với người mẹ già đã ở tuổi “xưa nay hiếm” của mình.