Xét xử vụ Huyền Như: Các bị cáo nói lời sau cùng

Luật sư bào chữa cho Ngân hàng Vietinbank đề nghị HĐXX xem xét lại kháng cáo của công ty Phương Đông.

16h55: Chủ tọa tuyên bố nghỉ nghị án. Ngày 7/1, tòa phúc thẩm sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng đối với các kháng cáo, kháng nghị trong vụ án “siêu lừa” Huyền Như.

Người nói lời sau cùng là bị cáo Đào Thị Tuyết Dung. Dung cho rằng: Bị cáo vì quá tin Như nên vi phạm pháp luật. Bị cáo không hề hưởng lợi đồng nào trong hành vi lừa đảo của Huyền Như. Bị cáo xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để sớm về nuôi dạy con nhỏ.

16h50: Bị cáo Võ Anh Tuấn: 20 năm công tác ở Vietinbank, bị cáo đã hoàn thành công việc được giao. Bị cáo không bao giờ nghĩ mình làm sai trái để giờ đây phải đứng trước vành móng ngựa.

Bị cáo đã nhận thức ra sự việc. Bị cáo rất hối hận. Từng là niềm tự hào của gia đình, giờ đây bị cáo trở thành tội phạm. Bị cáo cảm thấy rất hối hận về việc này.

Bị cáo mong HĐXX xem xét đến hoàn cảnh của bị cáo và gia đình bị cáo. Mẹ bị cáo đã hơn 70 tuổi. Bị cáo đang bị tạm giam và là gánh nặng của mẹ. Hai đứa con không được sự dạy dỗ của bị cáo.

16h45: Bị cáo Phạm Anh Tuấn: Bị cáo xin khẳng định chịu trách nhiệm tổn thất ở công ty. Tuy nhiên trong giao dịch với VTB, bị cáo không ngờ bị Huyền Như lừa. Bị cáo không nghĩ, giờ đây đang phải đứng trước vành móng ngựa để trình bày.

Bản thân bị cáo chỉ mong điều tốt đẹp đến công ty Thái Bình Dương vì đây là công ty mà bị cáo đã góp phần thai nghén ra nó.

Bị cáo không bao giờ nghĩ làm việc gì đó trái pháp luật. Việc làm này nằm ngoài nhận thức của bị cáo. Bị cáo chỉ xin xem xét, trong sự việc xảy ra, bị cáo cũng là nạn nhân.

Bị cáo Nguyễn Thiên Lý: Bị cáo chỉ có một nguyện vọng trong đơn kháng cáo, mong HĐXX xem xét thỉnh cầu của bị cáo. Trước khi gặp Như, bị cáo hãnh diện là có một sự nghiệp vững vàng. Đến khi gặp Huyền Như bị cáo không nghĩ là gây ra sự việc lớn như vậy. Bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Lương Thị Việt Yên: Sai lầm của bị cáo là đặt niềm tin không đúng chỗ. Nguyện vọng của bị cáo là mong HĐXX xem xét thấu đáo. Hành vi của bị cáo tới đâu, bị cáo xin nhận trách nhiệm tới đó.

16h30: Bị cáo Nguyễn Thị Phúc Ngân: Xin HĐXX xem xét cho hoàn cảnh phạm tội của bị cáo. Bị cáo không có động cơ phạm tội. “Chỉ vì lòng tin, bị người trong nhà đâm mình thì làm sao mà tránh khỏi. Mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để sớm về làm lại cuộc đời”, Phúc Ngân nói. 

16h20: Trong lời nói sau cùng, bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên, tâm tư: Khi vụ án xảy ra, bố của bị cáo còn sống, ông trách móc. Bị cáo an ủi: “Còn không làm gì hết. Bố đừng có lo”

Khi bố mất, bị cáo bị khởi tố. Bị cáo vẫn tin rằng bị cáo không làm gì sai. Bị cáo vẫn tin rằng, sự thật vẫn là sự thật. Bị cáo vẫn còn niềm tin vì mình không làm gì sai trái. Bị cáo cũng rất cảm ơn ngân hàng Vietinbank đã cho bị cáo làm việc cho đến bây giờ.

16h: Sau ý kiến của VKS, HĐXX tuyên bố kết thúc phần tranh luận. Trước khi vào nghị án, các bị cáo nói lời sau cùng.

Được nói lời sau cùng, Huỳnh Mỹ Hạnh - chị gái Huỳnh Thị Huyền Như khóc và cho biết rất ăn năn hối lỗi với việc làm của mình. Bị cáo mong HĐXX xem xét quá trình phạm tội của bị cáo.

Xét kỹ lại, bị cáo cũng là nạn nhân của em ruột mình. Bản án nặng nề như thế này, bị cáo không có luật sư bào chữa. Bị cáo mong HĐXX xem xét cho bị cáo. Bị cáo chỉ làm công, ăn lương. Bị cáo xin HĐXX xem xét hết tình tiết giảm nhẹ. Bị cáo khẩn thiết xin HĐXX xem xét khoan hồng để bị cáo sớm trở về với gia đình, làm lại cuộc đời, nuôi dạy các con nên người, báo hiếu với mẹ”.

15h45: Sau khi các luật sư, đương sự tham gia tố tụng tại phiên tòa, VKS bổ sung quan điểm đối đáp.

Về ý kiến của luật sư Nguyễn Huy Thiệp- bào chữa cho bị cáo Phạm Anh Tuấn và đại diện kháng cáo cho vợ của bị cáo Tuấn là bà Ngọc Diệp, VKS tiếp thu ý kiến. Tuy nhiên quan điểm của VKS vẫn không thay đổi và vẫn giữ nguyên quan điểm duy trì kê biên tài sản.

Đối với quan điểm của luật sư bảo vệ cho bị cáo Lương Thị Việt Yên (SN 1973, quê Nghệ An) - Cựu trưởng phòng Phòng giao dịch Võ Văn Tần, VKS cho hay: Trong phần quan điểm đối đáp đã xác định bị cáo Yên không có việc phê duyệt hồ sơ mở tài khoản cho hai cá nhân Nguyệt và Năm

Liên quan đến ý kiến của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho ACB và Navibank về số tiền còn trên tài khoản, quá trình giải quyết vụ án này ở cấp phúc thẩm, VKS đã cố gắng bằng tất cả quyền hạn của mình xem xét vấn đề về vật chứng, người liên quan đến vụ án.

Tuy nhiên do giới hạn tố tụng đối với những người liên quan, có rất nhiều người vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm. Tòa không thể triệu tập họ lên tòa để làm rõ.

Trong quá trình xét hỏi, HĐXX và VKS đã cố gắng làm rõ trong phạm vi có thể để làm sáng tỏ thêm. Trong phần kết luận của mình, VKS đưa ra quan điểm kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ, thu hồi vật chứng vụ án để trả lại cho bị hại trong đó có ACB và Navibank.

Quá trình xét xử vụ án này, với trách nhiệm của kiểm sát viên, phiên tòa đã tiến hành xét xử đảm bảo dân chủ.

Đối với phần tranh luận, VKS cho biết đã đối đáp đầy đủ. Có những vấn đề VKS thể hiện cụ thể trong kết luận, và không đối đáp lại nhất là liên quan đến ACB và Navibank vì không có thông tin mới.

Trên cơ sở ý kiến tranh luận, VKS mong HĐXX ghi nhận ý kiến của VKS, của luật sư, các đương sự. Dù rằng đồng tình hay không đồng tình với ý kiến của VKS thì mong HĐXX ghi nhận dựa trên cơ sở của pháp luật”, công tố viên nói.

15h20: Đại diện Navibank đồng tình với quan điểm của luật sư. Ngoài ra đại diện Navibank tiếp tục bổ sung thêm quan điểm.

Những quan điểm của Navibank cho rằng, họ không bị Huyền Như chiếm đoạt tiền; Phiên tòa phúc thẩm chưa làm rõ số tiền trong tài khoản của Navibank…

Đại diện Navibank đề nghị làm rõ số tiền trên tài khoản của Navibank cũng như trách nhiệm của Vietinbank.

Đối với quan điểm của VKS về việc Huyền Như đã dẫn dụ để Navibank đưa nhân viên đến gửi tiền rồi sau đó chiếm đoạt, đại diện của Navibank cho rằng, không có cơ sở.

15h15: Luật sư Trịnh Bá Thân bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thiên Lý giữ nguyên quan điểm tại phiên tòa.

15h10: Luật sư Đỗ Hải Bình bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Phúc Ngân (SN 1982, quê Lâm Đồng)-Cựu giao dịch viên Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng: Đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo

15h: Luật sư của bà Nguyễn Kim Thịnh- người kháng cáo đòi giải tỏa kê biên ngôi nhà mua lại của Huyền Như giá 2,7 tỷ bảo lưu quan điểm nêu tại phiên tòa.

14h50: Luật sư Hà Mạnh Tường – bào chữa cho Vũ Nguyễn Xuân Tiên cho rằng, VKS đã cắt xén lời khai đối với bị cáo Tiên dẫn tới việc không còn đúng với bản chất sự việc.

Ông Tường đề nghị HĐXX hết sức thận trọng, khách quan trong đánh giá hành vi, chứng cứ. Nếu sử dụng nguyên tắc suy đoán thì nguyên tắc đó phải dự trên điều kiện có lợi cho bị cáo Tiên

14h25: Luật sư Nguyễn Tiến Hùng – đại diện Vietinbank đối đáp lại quan điểm VKS.

Theo quan điểm của đại diện Vietinbank, bản kết luận của VKS nêu chưa đúng bản chất của hoạt động ngân hàng.

Đối với quan điểm của VKS rằng, chuyển tiền vào tài khoản đã phát sinh gửi- giữ, ông Hùng khẳng định: Luật các tổ chức tín dụng không đề cập đến vấn đề này.

Đi vào vấn đề về các chủ tài khoản bị chiếm đoạt, ông Hùng cho hay: Hầu hết các chủ tài khoản đều có thể phát hiện hành vi chuyển tiền của Huyền Như. Ví dụ như trường hợp của nhân viên Linh – Công ty SBBS, việc chuyển tiền qua lại giữa tài khoản của công ty này hoàn toàn có thể phát hiện nếu chủ tài khoản không thiếu trách nhiệm.

“Cái nhắm đến của Huyền Như là số dư tài khoản của khách hàng và đây là trách nhiệm của khách hàng”, ông Hùng nói.

Đại diện các tổ chức, công ty đều thông qua trung gian, bất chấp nguồn tiền để hưởng lãi suất cao ngoài hợp đồng cùng khoản lót tay tiền tỷ. Có những hợp đồng lên tới 18-22% cùng khoản lót tay hàng chục tỷ đồng.

Đi sâu vào quan điểm của các công ty Hưng Yên, Phương Đông, An Lộc, SBBS, ông Hùng cho rằng các giao dịch trên tài khoản của các công ty này là trái luật; việc sử dụng tài khoản trái luật nhằm thu lợi bất chính….

Theo ông Hùng, việc VKS đưa ra quan điểm Vietinbank phải chịu trách nhiệm với khoản tiền chiếm đoạt của 5 công ty này chẳng khác nào ngân hàng này phải gánh chịu hậu quả từ việc làm trái pháp luật của những người bị hại.

14h20: Luật sư Nguyễn Đức Chánh - bào chữa cho bị cáo Lương Thị Việt Yên đối đáp lại quan điểm của VKS.

Theo ông Chánh, VKS chưa xem hết mức độ, trách nhiệm trong hành vi phạm tội của bị cáo Lương Thị Việt Yên (SN 1973, quê Nghệ An) - Cựu trưởng phòng Phòng giao dịch Võ Văn Tần.

Ngoài ra những tình tiết giảm nhẹ mới đối với bị cáo tại tòa phúc thẩm cũng không được cơ quan giữ quyền công tố tại tòa xem xét.

 

14h10: Luật sư Nguyễn Văn Ngoan – bào chữa cho bị cáo Huyền Như mở đầu phần đối đáp chiều 30/12. Ông Ngoan là luật sư chỉ định của bị cáo Huyền Như tại phiên tòa phúc thẩm.

Đối đáp với quan điểm của đại diện VKS, ông Ngoan cho rằng không đồng tình với quan điểm việc chuyển tội danh của Huyền Như sang tội danh Tham ô tài sản. “Như vậy là làm xấu đi tình trạng của bị cáo”, ông Ngoan nói.

Ông Ngoan cho rằng, việc hủy một phần bán án, để điều tra tội danh tham ô tài sản của Huyền Như là trái với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đối với quan điểm của VKS, việc hủy án, điều tra tội danh tham ô tài sản của Huyền Như, ông Ngoan cho rằng, như vậy là mang tính chủ quan. Ông Ngoan nhận định: Tội danh của Huyền Như không thể là tham ô tài sản

Căn cứ của ông Ngoan là việc Huyền Như không phải là người có chức vụ, quyền hạn, không có chức năng, vai trò quản lý tài sản tại Ngân hàng Vietinbank theo quy định của pháp luật, quy định của NHNN.

Đối đáp quan điểm của luật sư Lưu Văn Tám – bảo vệ quyền lợi của ACB, về vấn đề việc liên quan đến chức vụ của Huyền Như, ông Ngoan khẳng định không có văn bản nào xác định Huyền Như có chức vụ. “Nếu luật sư Tám có văn bản nào thì có thể cho tôi tham khảo”.

11h30: Tòa nghỉ

11h10: Luật sư Điệp, bào chữa cho bị cáo Đoàn Lê Du (SN 1980, quê Kiên Giang)-Cựu Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng.

Theo quan điểm đối đáp của luật sư Điệp, việc cơ quan tố tụng viện dẫn Bộ luật Dân sự để quy kết một tội danh hình sự đối với bị cáo Du là chưa chặt chẽ. Quan điểm của luật sư Điệp là cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại. 

11h00: Luật sư Phan Trung Hoài – bảo vệ cho Hoàng Hương Giang và Võ Anh Tuấn cho rằng, việc quy kết Tuấn với vai trò đồng phạm với Huyền Như vẫn chưa rõ.

Còn đối với Hoàng Hương Giang, ông luật sư nêu quan điểm của VKS rằng chưa phân tích kỹ khi trong phần đối đáp chỉ nói “giữ nguyên quan điểm giống bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên”.

Ông Hoài đề nghị HĐXX cân nhắc xem xét cho các bị cáo Hoàng Hương Giang và Võ Anh Tuấn.

10h30’: Luật sư Nguyễn Thị Bắc – bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Vietinbank tại phần đối đáp tiếp tục bảo vệ luận cứ đưa ra xuyên suốt tại phiên tòa.

Tại phần đối đáp, bà Bắc đưa ra quan điểm cho rằng, xuyên suốt hành vi chiếm đoạt tài sản của Huyền Như đối với Công ty SBBS và của nhân viên ACB là ý thức chủ quan.

Việc Huyền Như trả tiền lãi suất cao để mua lòng tin của Linh – Công ty SBBS và Bảo Ngọc – Ngân hàng ACB. Cho nên, trong ý thức của Như xét về khách quan và chủ quan trong hành vi chiếm đoạt tài sản là xuyên suốt, đánh giá đúng bản chất sự việc. Quan điểm của bà Bắc phản bác lại lập luận của VKS cái mà luật sư này gọi là “xé lẻ hành vi”.

Bác quan điểm của VKS việc Huyền Như chiếm đoạt tiền là rủi ro của Vietinbank, tuy nhiên bà Bắc cho rằng, VKS chưa giải thích tại sao, những rủi ro đó chỉ gắn với những đơn vị mắc bẫy lãi suất của Huyền Như.

Đối với việc mất tiền của Công ty SBBS, bà Bắc cho rằng, do nhân viên tên Linh của Công ty SBBS đã vô trách nhiệm để nhận lót tay vài tỷ đồng. Theo luật sư Bắc, Linh cũng là đồng phạm tội lừa đảo của Huyền Như.

Trước đó, Huỳnh Thị Bảo Ngọc- cán bộ của Ngân hàng ACB cũng đã bị TAND TP Hà Nội khởi tố điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm của Huyền Như.

Bà Bắc đặt nghi vấn, tại sao biết Huyền Như làm việc tại Phòng Giao dịch không thuộc Chi nhánh Nhà Bè nhưng Linh vẫn thực hiện giao dịch làm hợp đồng gửi tiền?

Theo quan điểm của bà Bắc, rõ ràng ở đây, Công ty SBBS đã làm việc với cá nhân Huyền Như. “Nếu không quan hệ với Như thì lấy đâu ra khoản chênh khổng lồ hàng chục tỉ đồng”, bà Bắc nói.

Về quan điểm hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan đến 5 công ty để điều tra tội Tham ô tài sản của Huyền Như, bà Bắc cho rằng, đối với Huyền Như sau phiên tòa sơ thẩm đã không kháng cáo, kháng nghị. Với một bản án đã có hiệu lực thì Huyền Như không phải là đối tượng điều chỉnh của tòa phúc thẩm mà phải là cấp giám đốc thẩm theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo. Cho nên, luật sư Bắc cho rằng, cấp phúc thẩm không có quyền quyết định tội Tham ô tài sản- tội danh nặng hơn đối với Huyền Như.

Theo đó, bà Bắc cho rằng quan điểm hủy một phần bản án để điều tra lại của VKS có dấu hiệu trái với quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

10h: Luật sư Lê Hồng Nguyên – bảo vệ cho ngân hàng Vietinbank đối đáp lại quan điểm của công tố viên về Công ty An Lộc.

Dẫn lời khai của lãnh đạo Công ty An Lộc tại cơ quan điều tra về mục đích mở tài khoản, Công ty An Lộc cho rằng không có nhu cầu, việc mở nhằm mục đích cho một tổ chức tín dụng gửi tiền để hưởng chênh lệch.

Theo ông Nguyên, tài khoản của Công ty An Lộc bị Huyền Như lừa đã vi phạm quy định 1284 của NHNN về việc: Không được cho thuê, cho mượn tài khoản…

Tiếp tục nêu quan điểm của VKS về mục đích mở tài khoản của nhóm nhân viên ACB và Navibank cũng nhằm chuyển tiền của hai ngân hàng này nhằm hưởng lãi chênh lệch, ông Nguyên cho rằng: Cùng một vấn đề nhưng VKS đặt hai quan điểm khác nhau.

Trên cơ sở lập luận của mình, ông Nguyên đề nghị HĐXX xem xét lại “phần gốc” còn lại của vụ án này.

9h30: Đối đáp lại quan điểm của VKS và của luật sư Công ty Phương Đông, luật sư Tám – bào chữa cho Ngân hàng Vietinbank đề nghị HĐXX xem xét lại kháng cáo của công ty Phương Đông.

Ông Tám cho rằng, việc thay đổi kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm của Công ty Phương Đông là yêu cầu Vietinbank phải bồi thường là không hợp lệ vì phần liên quan đến công ty này theo quan điểm của ông Tám đã có hiệu lực pháp luật.

Ông Tám đề nghị HĐXX bác kháng cáo của Công ty Phương Đông, bác ý kiến của VKS để khẳng định Vietinbank không chịu trách nhiệm bồi thường. 

9h00: Tiếp sau đó, luật sư Hoài – bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank tiếp tục đối đáp về quan điểm của luật sư bảo vệ Công ty Toàn Cầu. Theo quan điểm của bà Phương vẫn giữ nguyên quan điểm hành vi lừa đảo của Huyền Như.

Theo quan điểm luật sư, trong việc chiếm đoạt tiền của Công ty Toàn Cầu, Huyền Như đã có 15 hành vi lừa đảo từ giả chữ ký, giả con dấu…

Dẫn hàng loạt lời khai của Huyền Như và một số người liên quan; một số quy định trong luật doanh nghiệp, điều lệ hoạt động…, bà Hoài đề nghị HĐXX và cơ quan công tố phải xem xét rõ mục đích mở tài khoản của công ty này.

Đồng thời, luật sư giữ nguyên quan điểm đã trình bày ở phần bào chữa. 

8h30: Phiên tòa xét xử vụ án “siêu lừa” Huyền Như và đồng phạm ngày 30/12 tiếp tục với phần tranh luận. Sáng nay, nhóm luật sư của Ngân hàng Vietinbank bắt đầu phần đối đáp lại quan điểm của VKS và lập luận của luật sư đối lập quyền lợi.

Luật sư Nguyễn Văn Trung mở đầu quan điểm của Vietinbank xác nhận: Bảo lưu toàn bộ ý kiến bào chữa và đã nộp lại văn bản cho HĐXX.

Với quan điểm của luật sư Ngân hàng ACB, ông Trung cho rằng không cần phải đối đáp lại quan điểm này vì chính sai phạm cựu lãnh đạo ngân hàng này đã được xử lý ở một vụ án khác.

Đối đáp quan điểm của công tố viên về 5 công ty (Toàn cầu, Hưng Yên, Phương Đông…), ông Trung cho rằng, VKS “quên” không quan tâm mục đích mở tài khoản, nguồn tiền của các công ty này …

Liên quan đến 5 công ty, ông Trung tiếp tục đưa quan điểm liên quan đến nguồn tiền của 2 ngân hàng Tienphongbank và Hàng Hải với việc dẫn hồ sơ vụ án và kết luận điều tra của Bộ Công an.

Tại phần bào chữa trước đó, luật sư của Vietinbank cũng đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự đối với hai ngân hàng Tienphongbank và Hàng Hải.

Tuy nhiên vấn đề luật sư nêu bị chủ tọa nhắc nhở và khẳng định rằng: Vấn đề luật sư nêu không thuộc phạm vi phiên tòa phúc thẩm.

Tiếp tục phần đối đáp, dẫn một số điều luật trong Bộ Luật tố tụng hình sự, ông Trung cho rằng, không có cơ sở để hủy phần bản án liên quan đến 5 công ty như đề nghị của VKS.

8h: Sáng nay (30/12), phiên tòa xét xử “siêu lừa” Huyền Như và đồng phạm tiếp tục. Theo đó, trong buổi làm việc sáng nay, nhóm luật sư của Ngân hàng Vietinbank sẽ đưa ra quan điểm đối đáp với VKS và các luật sư có quyền lợi đối lập.

-------------

15h10: Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu bài bào chữa cho bị cáo Phạm Anh Tuấn (SN 1977, quê Hải Phòng) - Cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Dầu khí Thái Bình Dương. Bị cáo Tuấn bị quy kết tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Trong phần bào chữa của mình, ông Thiệp cho rằng, xuyên suốt quá trình tố tụng trước đây, bản thân với tư cách là lãnh đạo của Công ty và bị cáo cảm thấy có trách nhiệm với sự việc mà mình gây ra. Tuy nhiên ông Thiệp cho rằng, cần phải xem xét trách nhiệm của bị cáo để định tội danh phù hợp.

Đối với kháng cáo của bị cáo Tuấn, ông Thiệp cho rằng là có căn cứ. Dẫn một số quy định về luật doanh nghiệp, quy chế công ty…  ông Thiệp cho rằng, việc gửi tiền của Anh Tuấn là đúng với quy định được giao, việc làm không bị pháp luật cấm.

Đối với hành vi hưởng lợi 72 tỷ đồng mà bị cáo Tuấn kháng cáo, ông Thiệp cho rằng, việc quy kết số tiền hưởng lợi này thiếu chứng cứ và tồn tại những mâu thuẫn không thể lý giải được, như: Số liệu lãi suất ngoài hợp đồng có sự bất nhất; lời khai của Huyền Như, nhân viên của Huyền Như.

Ông Thiệp cũng đặt vấn đề rằng, đối với người lừa đảo như Huyền Như thì lời khai có đáng tin cậy không? Ông Thiệp mong HĐXX xem xét những lời khai của các bị cáo, nhân viên của Huyền Như liên quan đến hành vi phạm tội của Phạm Anh Tuấn.

Ông Thiệp đề nghị HĐXX xem xét lại chứng cứ và tài liệu để truy xét tội danh của Phạm Anh Tuấn. Trong khi hợp đồng cao nhất là 14%- 21% thì mới nhận được mức lãi 58 tỷ đồng. Trong khi đó, theo lời khai của Huyền Như, đã chi lãi suất ngoài hợp đồng 1,3% - 3% nhưng số tiền Tuấn được hưởng lại lên tới 72 tỷ. Đây là vấn đề ông Thiệp muốn VKS được lý giải. 

14h00: Mở đầu phần bào chữa chiều nay, Luật sư Nguyễn Tiến Hùng – đại diện của Vietinbank, đề nghị được nêu lên các vấn đề như: Quan hệ giữa Vietinbank với ACB và Navibank không phát sinh mối quan hệ nào; trách nhiệm của ngân hàng Vietinbank về những giao dịch hợp pháp…

11h50: Phiên tòa sáng kết thúc với quan điểm bào chữa của luật sư Nguyên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank tại phiên tòa.

10h40: Luật sư Trương Xuân Tám – bảo vệ cho Vietinbank tiếp tục tiếp nối phần bào chữa cho ngân hàng này về kháng cáo của Công ty Phương Đông.

Tại tòa, ông Tám nêu quan điểm, số tiền 380 tỷ đồng của Công ty Phương Đông bị chiếm đoạt là tài sản của một ngân hàng mượn tài khoản của Công ty Phương Đông để gửi tiền lấy lãi.

Theo quy định, việc tổ chức tín dụng ủy thác gửi tiền để lấy lãi suất là điều NHNN cấm. Cho nên theo ông Tám, dòng tiền này là vi phạm. Và ông Tám cho rằng đây là nguyên nhân của hành vi lừa đảo.

Hàng triệu triệu tài khoản khách hàng tại Vietinbank đều an toàn không bị Huyền Như chiếm đoạt”, ông Tám nói.

Đối với trách nhiệm của Vietinbank với số tài sản này, ông Tám phân tích: Huyền Như “giấu trên, lừa dưới”, Vietinbank không biết sự việc nên không thể quy kết trách nhiệm cho Vietinbank.

Đối với việc Huyền Như đã lợi dụng chức vụ, cũng như quan điểm của luật sư trước đó, ông Tám cho rằng, theo quy định Huyền Như không có chức vụ quyền hạn trong hệ thống Ngân hàng Vietinbank.

11h30’: Phiên tòa sáng kết thúc với quan điểm bào chữa của luật sư Lê Hồng Nguyên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank tại phiên tòa.

Ông Nguyên trình bày quan điểm bào chữa về kháng cáo của Công ty An Lộc đòi Vietinbank phải bồi thường, và đối đáp lại quan điểm của VKS tại tòa phúc thẩm đề nghị hủy một phần bản án, để điều tra tội Tham ô tài sản của Huyền Như.

10h00: Luật sư của Vietinbank tiếp tục phần bào chữa liên quan đến kháng cáo của Công ty Toàn Cầu.

Liên quan đến số tiền 125 tỷ đồng bị mất của công ty Toàn Cầu, VKS đã đề nghị HĐXX tuyên hủy một phần bản án, trả hồ sơ điều tra bổ sung dấu hiệu của tội Tham ô tài sản của Huyền Như.

Đối với quan điểm của VKS, luật sư của Vietinbank cho rằng, tội tham ô liên quan đến chức vụ, nhưng theo quy định pháp luật của các tổ chức tín dụng, người đứng đầu phòng giao dịch không có chức vụ. Quy định này Vietinbank cũng khẳng định, lãnh đạo phòng giao dịch không liên quan đến chức vụ.

Trên cơ sở quan điểm này, luật sư của Vietinbank đề nghị HĐXX xem xét quan điểm của VKS về việc trả hồ sơ điều tra Huyền Như tội tham ô tài sản dựa trên quy định của pháp luật đối với tổ chức tín dụng và các văn bản liên quan.

Về hành vi chiếm đoạt tiền của Huyền Như tại Công ty Toàn Cầu, luật sư dẫn bút lục lời khai của người môi giới cho rằng, Công ty Toàn cầu muốn liên hệ với Huyền Như để gửi tiền vào Vietinbank. Mọi giao dịch thỏa thuận sau đó giữa Toàn Cầu và Huyền Như đều được thực hiện tại quán cà phê.

Từ những thỏa thuận giữa Huyền Như và Công ty Toàn Cầu, dẫn tới hàng loạt hành vi làm giả của Huyền Như để lừa Công ty Toàn Cầu, đó là: Giả chữ ký của Võ Anh Tuấn – khi đó không còn là Phó Giám đốc của Chi nhánh Nhà Bè, giả chữ ký của Công ty Toàn Cầu để chiếm đoạt tiền….

Theo quan điểm của luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Vietinbank, mọi giao dịch của Công ty Toàn Cầu đều thực hiện với Huyền Như, người của Huyền Như mà không thực hiện với Vietinabank.

Trong hợp đồng ủy thác đầu tư của Công ty Toàn Cầu cũng thực hiện giao toàn quyền tài khoản của mình cho Huyền Như mà không quản lý tài sản của mình.

Đồng thời, trước đó Công ty Toàn Cầu cũng đã có tài khoản tại Vietinbank nhưng các hợp đồng ủy thác gửi thông qua Huyền Như và bị chiếm đoạt lại lập một tài khoản khác. Theo luật sư của Vietinbank, phía sau giao dịch mở tài khoản này có hành vi không trung thực.

Đặc biệt, nội dung tài khoản, Huyền Như cũng soạn sẵn và Công ty Toàn Cầu chấp nhận những hành vi gian dối mà Như đặt ra.

Cho nên, luật sư của Vietinbank cho rằng, Công ty Toàn cầu phải chịu trách nhiệm về số tiền bị mất, Vietinbank không chịu trách nhiệm về số tiền 125 tỷ đồng của Công ty Toàn Cầu bị Huyền Như chiếm đoạt.

Ngoài ra, để có được hợp đồng với Công ty Toàn Cầu, Huyền Như đã phải chi 5 tỷ ngoài hợp đồng cho Toàn Cầu và 2,8 tỷ đồng cho người môi giới. Số tiền môi giới được chính người làm việc cho Huyền Như chuyển đến….

Cho nên, luật sư Vietinbank đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm, bác kháng cáo của Công ty Toàn Cầu.

 

9h30: Luật sư Trương Trọng Nghĩa tiếp tục phần bào chữa cho hai bị cáo Hồ Hải Sỹ (SN 1983, quê Quảng Ngãi) - Cựu Phó phòng Phòng giao dịch Võ Văn Tần và Lê Thị Ngọc Lợi (SN 1987, quê Vũng Tàu) - Cựu giao dịch viên Phòng giao dịch Võ Văn Tần.

Theo luật sư, mức án của Hồ Hải Sỹ và Lê Thị Ngọc Lợi là quá nặng. Hành vi của bị cáo liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản của Huyền Như đối với hai bà Nguyệt và Năm (nhân viên của Ngân hàng ACB).

Theo quan điểm của luật sư, việc các bị cáo thực hiện hai hợp đồng này khi tất cả đã hoàn thành.

Theo luật sư, hai bị cáo có nhân thân tốt, gia đình có nhiều bằng khen… nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Ông luật sư đề nghị HĐXX dựa trên tính chất, mức độ, vai trò hành vi phạm tội của các bị cáo mà cho hai bị cáo được hưởng án treo.

Bị cáo Huyền Như tại phiên tòa phúc thẩm

9h20: Luật sư Trương Trọng Nghĩa bào chữa cho bị cáo Tống Nguyên Dũng (SN 1987, quê Đồng Nai) - Cựu nhân viên tín dụng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ. Bị cáo Dũng bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 15 năm tù giam về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tại phần đề nghị của VKS ở phần tranh luận, bị cáo Dũng cũng được cơ quan giữ quyền công tố tại tòa đề nghị giảm nhẹ hình phạt.

Tại tòa, luật sư Nghĩa cũng đề nghị tòa xem xét, chiếu cố một số tình tiết về mặt chủ quan của bị cáo là không nghĩ vi phạm pháp luật, không nghĩ gây hậu quả nghiêm trọng. 

9h00: Đối với kháng cáo của Công ty Hưng Yên, luật sư của Vietinbank tiếp tục dẫn lại diễn tiến vụ việc, lời khai của các bị cáo, những người liên quan và chứng của vụ án.

Cũng giống như trường hợp của Ngân hàng Navibank, ông Trung cho rằng, trước khi gửi tiền, Công ty Hưng Yên đã có hàng loạt sai phạm quy định về gửi tiền vào tổ chức tín dụng. Việc gửi tiền vào Vietinbank là hậu quả của hàng loạt sai phạm trong thỏa thuận giữa Công ty Hưng Yên và Huyền Như.

Ngoài ra ông Trung còn cho rằng, tiền Công ty Hưng Yên gửi cho Vietinbank thông qua thỏa thuận với Huyền Như là tài sản của Ngân hàng Hàng Hải. Do vậy khi gửi tiền, chủ tài khoản đã có thái độ bỏ mặc.

Theo ông Trung, với thỏa thuận gửi tiền này, Công ty Hưng Yên, Ngân hàng Hàng Hải đã thu lợi bất chính số tiền 17 tỷ đồng.

Cũng với hành vi chiếm đoạt tiền của công ty mà ông Trung gọi là “sân sau” của các tổ chức tín dụng, một số công ty đã không kháng cáo. “Điều này cho thấy họ nhận thức được sai phạm”, ông Trung lập luận.

Ông Trung cho rằng án sơ thẩm tuyên đối với Công ty Hưng Yên là đúng quy định pháp luật, đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của Hưng Yên, quan điểm của VKS đối về hành vi của Huyền Như với Công ty Hưng Yên.

8h30: Trong phần bào chữa đầu phiên xét xử, ông Trung chỉ ra những sai phạm của Ngân hàng Navibank: Sai phạm trong hợp đồng của Navibank với nhân viên của ngân hàng này; Việc chỉ đạo  nhân viên vay tiền theo hợp đồng tiêu dùng… Theo quan điểm của ông Trung thì Ngân hàng Navibank đã có hàng loạt sai phạm trước khi gửi tiền.

Việc chuyển tiền lãi suất ngoài hợp đồng cũng được thực hiện sau khi Navibank thực hiện mở tài khoản.

Dẫn bút lục lời khai của các nhân viên Navibank cho thấy, họ không biết gì về tài khoản, số tiền gửi mà hoàn toàn giao khoán cho Huyền Như và cán bộ của Navibank. Hành vi này đã vi phạm quy định của NHNN đã để mặc cho Huyền Như sử dụng.

Theo ông Trung, Navibank đã thu lợi bất chính số tiền khoảng 25 tỷ đồng. “Thực chất số tiền này do Huyền Như phạm tội mà có”, ông Trung nói.

Dẫn lời của lãnh đạo Navibank tại cơ quan điều tra cũng xác nhận: Navibank nhận thức được số tiền lãi ngoài hợp đồng do Huyền Như phạm tội mà có. Khi cơ quan điều tra có yêu cầu, Navibank sẽ nộp lại.

Cho nên đối với kháng cáo của Navibank, ông Trung đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của Navibank và nhân viên Navibank. 

Huyền Như và các đồng phạm tại phiên tòa phúc thẩm 

Luật sư Trung là một trong bốn luật sư tham gia tranh tụng của Vietinbank tại phiên tòa này.

Trước đó, ngày 25/12, luật sư Nguyễn Thị Bắc – bào chữa cho Vietinbank cũng đã đưa ra những luận cứ bảo vệ quan điểm của Vietinabank tại phiên tòa này.

Theo quan điểm của bà Bắc, xuyên suốt hành vi của Huyền Như thể hiện tội danh lừa đảo. Bà Bắc bác kháng cáo của Ngân hàng ACB, Công ty SBBS và quan điểm của VKS tại tòa phúc thẩm về việc hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra hành vi tham ô tài sản của Huyền Như.

------------

17h00: Tòa nghỉ. 

16h20: Luật sư Nguyễn Thị Bắc mở đầu phần bào chữa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Ngân hàng Vietinbank tại phần tranh luận. Lập luận của bà Bắc là bác lại kháng cáo của Ngân hàng ACB, SBBS và quan điểm của VKS tại tòa phúc thẩm.

Đối với Ngân hàng ACB và SBBS, theo bà Bắc, Huyền Như đã có ý định chiếm đoạt tiền ngay từ đầu khi đã thỏa thuận với Huỳnh Thị Bảo Ngọc (của ACB) và Linh (của SBBS) với lãi suất ngoài hợp đồng cao.

Với “con mồi” lãi suất cao, Như đã tính toán những thủ đoạn gian dối, trong đó có “hậu thuẫn” từ sự tắc trách của nhân viên ACB và SBBS để chiếm đoạt tiền.

Sau đó, Như đã lấy tiền túi trả lãi suất ngoài hợp đồng, ngoài ra đã “lót tay” tiền tỷ cho Huỳnh Thị Bảo Ngọc và Linh.

Theo bà Bắc, nếu không có lãi suất ngoài hợp đồng cao, không có khoản lót tay cho Ngọc và Linh thì không có việc, các nhân viên được Ngân hàng ACB ủy thác sẽ gửi tiền cho Như và không có chuyện SBBS lập tài khoản để rồi bị Huyền Như chiếm đoạt.

Đối với nhân viên của ACB, bà Bắc cho rằng, họ đã không thực hiện trách nhiệm của chủ tài khoản, phó thác để Như giữ thẻ tiết kiệm là vi phạm quy định của NHNN.

Do đó, bà Bắc lập luận các nhân viên này phải tự chịu trách nhiệm đối với thiệt hại của ACB.

Dẫn hàng loạt bút lục lời khai của các cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB, bà Bắc cũng cho rằng: Chính lãnh đạo ACB đã thừa nhận là bị hại của Huyền Như….

Với SBBS, tài khoản của công ty này đã có những giao dịch bất thường, nhưng SBBS không có ý kiến khi với Vietinbank. Bà Bắc cho rằng họ đã có động cơ không bình thường nên đã bỏ mặc cả tài khoản của mình.

Có thời điểm đơn vị này chuyển số tiền 5 tỷ đồng nhưng họ không có ý kiến gì với ngân hàng Vietinbank về những giao dịch bất thường trong tài khoản trước đó.

Ngày 5/5/2011, Linh đến gặp Như, biết Như làm việc ở phòng giao dịch Điện Biên Phủ nhưng vẫn ký lập tài khoản ở Nhà Bè. Theo bà Bắc thì SBBS đã lợi dụng Vietinbank để thực hiện thỏa thuận ngầm với Huyền Như.

Đối với vai trò của Huyền Như là quyền trưởng phòng giao dịch thì không được phê duyệt giao dịch mà ở đây chỉ là vị trí tác nghiệp vụ. Huyền Như không có quyền quản lý số dư tài khoản của khách hàng….

Từ lập luận, bà Bắc khẳng định rằng, Huyền Như không thể là chủ thể của tội tham ô, Như đã phải bỏ tiền dẫn dụ để SBBS và ACB mắc sai phạm để chiếm đoạt tài sản.

Cuối bài bào chữa của mình, bà Bắc cho rằng, SBBS và ACB phải tự chịu trách nhiệm với sai phạm của mình, nếu không sẽ một số quy định của NHNN về vấn đề tín dụng sẽ bị vô hiệu hóa.

Đối với đề nghị điều tra tội Tham ô tài sản của Huyền Như, theo bà Bắc, xét thủ tục tố tụng là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Bà Bắc lập luận rằng, Huyền Như có ý đồ giả danh Vietinbank để huy động bằng lãi suất cao và thủ đoạn gian dối, và các công ty, tổ chức đã sập bẫy lãi suất.

15h20: Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hai công ty Công ty An Lộc, Công ty Phương Đông cùng nêu quan điểm bào chữa.

Luật sư của hai công ty này đều cho rằng, bản án sơ thẩm liên quan đến hai công ty có sai sót, do vậy họ đề nghị cần hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại phần liên quan đến hai công ty An Lộc và Phương Đông.

Theo án sơ thẩm, Công ty An Lộc bị Huyền Như chiếm đoạt hơn 170 tỷ đồng. Còn Công ty Phương Đông bị Huyền Như chiếm đoạt 380 tỷ đồng.

14h05: Phiên tòa xét xử vụ án Huyền Như và đồng phạm tiếp tục với sự tham gia của các luật sư với luận điểm bảo bào chữa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự tại phiên tòa.

Luật sư Nguyễn Thị Minh Phương mở đầu phần bào chữa bảo vệ quyền lợi cho Công ty SBBS.

Luật sư Phương đồng tình với quan điểm của VKS tại phiên tòa phúc thẩm khi đưa ra kết luận của cơ quan giữ quyền công tố tại phiên tòa về việc Công ty SBBS không phải là bị hại của Huyền Như.

Công ty SBBS là nhóm 5 công ty bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại phiên tòa phúc thẩm này, VKS đề nghị hủy phần bản án sơ thẩm liên quan đến 5 công ty trong đó có Công ty SBBS để điều tra lại.

11h30: Phiên tòa kết thúc sau phần bào chữa của luật sư Ngoan. Chiều nay tòa tiếp tục phần bào chữa của các đương sự liên quan đến vụ án. 

11h05’: Cuổi buổi sáng nay, luật sư Nguyễn Văn Ngoan đưa luận điểm bào chữa cho bị cáo Huyền Như.

Tại tòa phúc thẩm, đại diện VKS cho rằng, Huyền Như có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao; đồng thời VKS cũng đề nghị HĐXX hủy một phần bản án liên quan đến tội Chiếm đoạt tài sản của Huyền Như tại 5 công ty: Hưng Yên, SBBS, Toàn cầu… để điều tra hành vi Tham ô tài sản đối với Huyền Như.

Theo ông Ngoan, Huyền Như đã chấp nhận mức án được phán quyết tại tòa sơ thẩm. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo không có kháng cáo, đồng thời cũng không có kháng nghị liên quan đến tội danh của bị cáo.

Việc tại tòa phúc thẩm, đại diện VKS đề nghị điều tra tội danh Tham ô tài sản đối với Như, ông luật sư cho rằng như vậy sẽ bất lợi cho bị cáo, điều này không đúng với quy định.

Việc kiến nghị này chỉ được phán quyết khi có quyết định của HĐXX phúc thẩm”, ông Ngoan nói.

Với hành vi được VKS cho rằng có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn, ông Ngoan lập luận, Huyền Như không có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, tài sản Huyền Như chiếm đoạt không thuộc quyền quản lý, nên không phạm tội Tham ô tài sản. Đồng thời ông Ngoan cũng lập luận rằng, Vietinbank chưa có văn bản nào quy định, trưởng phòng giao dịch phải quản lý tài sản của khách hàng.

Đưa ra câu hỏi: Vì sao Huyền Như không chiếm đoạt tài sản của khách hàng khác mà chỉ chiếm đoạt tài sản của 3 ngân hàng, 9 công ty…? Theo ông Ngoan, việc chiếm đoạt tài sản của Huyền Như đã có ý thức từ trước, bắt đầu từ việc thành lập Công ty Hoàng Khải. Huyền Như đang có những khoản nợ khó chi trả nên đã thực hiện hàng loạt hành vi gian dối để chiếm đoạt.

Phương thức thủ đoạn chiếm đoạt là những hành vi gian dối: Giả tên, dẫn dụ, câu nhử bằng lãi suất vượt trần quy định, các khoản chi lót tay… Đấy là dấu hiệu đặc trưng của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Huyền Như đã liên hệ với đại diện các công ty quản lý tiền vốn, bằng thủ đoạn gian dối cùng với sự tiếp sức của từ sai phạm của những người đại diện quản lý nguồn vốn, Huyền Như đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Đối với các công ty, tổ chức Huyền Như chiếm đoạt tiền, ông Ngoan cho rằng đấy là sân sau của các ngân hàng, việc gửi tiền là để thu lợi nhuận bất hợp pháp và chính những công ty này không quan tâm đến nguồn vốn gửi….

Trên cơ sở quan điểm bào chữa, ông Ngoan đề nghị HĐXX xem xét đối với hành vi của Huyền Như.

Bị cáo Huyền Như đề nghị HĐXX xem xét về hành vi phạm tội

Sau phần bào chữa của luật sư Ngoan, bị cáo Huyền Như được HĐXX cho nêu quan điểm.

Huyền Như nói: “Bị cáo chỉ xin HĐXX xem xét hành vi phạm tội. Trong xâu chuỗi hành vi của bị cáo đã dẫn dắt khách hàng, và xuất phát từ sự đồng thuận của khách hàng. Bị cáo bản thân không có chức hạn quyền vụ để chiếm đoạt tài sản”.

10h45”: Luật sư Trần Bá Thân bào chữa cho bị cáo Đào Thị Tuyết Dung (SN 1969, trú tại TP HCM) - Cựu Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân.

Bị cáo Dung bị quy kết hai tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cho vay lãi nặng.

Dung đã có đơn xin giảm hình phạt, đồng thời VKS Nhân dân TP HCM cũng có kháng nghị tăng nặng hình phạt đối với bị cáo này. Tại tòa phúc thẩm, VKS bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đồng thời chấp nhận kháng nghị của VKS Nhân dân TP HCM. Dung bị công tố viên giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị mức án từ 13-14 năm tù giam. Trước đó bị cáo Dung bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 12 năm tù giam cho hai tội danh.

Đới với quan điểm tăng hình phạt của VKS, ông Thân cho rằng không bình đẳng so với hành vi phạm tội của nhóm bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức cho Huyền Như.

Đối với nhận định của VKS, vì tư lợi, Dung đã giúp chiếm đoạt tiền tại Ngân hàng VIB để Như có tiền trả cho Dung, luật sư lý luận rằng, hành vi này của Dung chỉ là vì quá tin tưởng Huyền Như nên đã vi phạm pháp luật.

Ông Thân cho rằng, hành vi phạm tội của Dung không có sự bàn bạc, tất cả đã được Huyền Như đã làm sẵn. Tiền chiếm đoạt của Như tại Ngân hàng VIB, Dung cũng không có lợi ích.

Luật sư Thân đề nghị HĐXX giữ nguyên quy kết tại bản án sơ thẩm và chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Đào Thị Tuyết Dung.

10h20: Phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Luật sư đưa quan điểm bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn (SN 1972, quê Thái Bình)- Cựu Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè. Võ Anh Tuấn bị quy kết tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức.

Võ Anh Tuấn bị VKS Nhân dân TP HCM kháng nghị tăng nặng hình phạt. Bị cáo Tuấn cũng có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại tòa, trong phần nêu quan điểm, đại diện VKS bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đồng thời cũng không xem xét kháng nghị của VKS Nhân dân TP HCM và đề nghị HĐXX giữ nguyên mức án đối với bị cáo Tuấn.

Ông luật sư đưa ra quan điểm, bị cáo Tuấn bị quy kết tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm, tại tòa cũng đã làm rõ, Huyền Như làm giả con dấu, chữ ký giả của Anh Tuấn. Vị luật sư đề nghị xem xét lại vấn đề này vì đây là đặc điểm rất quan trọng. Vai trò đồng phạm tội lừa đảo ở trường hợp của Tuấn không có sự đồng thuận về mặt ý chí, không có sự bàn bạc và giúp sức.

Theo luật sư, chưa đủ căn cứ pháp lý quy kết Võ Anh Tuấn tội lừa đảo với vai trò đồng phạm và đề nghị HĐXX xem xét bác kháng nghị của VKS Nhân dân TP HCM và chấp nhận một phần kháng nghị của Võ Anh Tuấn về xem xét giảm nhẹ hình phạt.

9h00: Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Giã Thị Mai Hiên nêu quan điểm. Theo bản án sơ thẩm, bà Hiên đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt số tiền 274 tỷ đồng. Theo đơn kháng cáo của bà Hiên là giám định lại hợp đồng ủy thác đầu tư. 

Tuy nhiên tại quan điểm của VKS tại phiên tòa phúc thẩm, công tố viên bác kháng cáo của bà Hiên và khẳng định rằng, đối với hành vi chiếm đoạt tài sản của Huyền Như với bà Mai Hiên đã được cơ quan tố tụng truy xét rõ ràng. 

Trong bài bào chữa hơn 10 phút của mình, luật sư cho rằng, việc truy xét hành vi chiếm đoạt tài sản của Huyền Như có sai sót về tố tụng liên quan đến việc giám định. Luật sư bảo vệ quyền lợi của bà Hiên đề nghị HĐXX hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan đến bà Giã Thị Mai Hiên để điều tra lại.

Huyền Như và các đồng phạm hầu tòa phúc thẩm

8h00: HĐXX bắt đầu làm việc. Mở đầu phần bào chữa sáng nay, luật sư Trương Thanh Đức đưa ra luận cứ bảo vệ quan điểm của Ngân hàng Navibank. Tại bản án sơ thẩm, Navibank được xác định bị Huyền Như lừa đảo chiếm 200 tỷ đồng.

Theo ông Đức: Bản án sơ thẩm xác định sai tư cách tham gia tố tụng của Navibank. Ông Đức cho rằng, Navibank tham gia phiên tòa xét xử vụ án Huyền Như với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Quan điểm của VKS tại tòa phúc thẩm là Huyền Như phải chịu trách nhiệm trả tiền cho Navibank, ông Đức cho rằng, như vậy là không hợp lý so với đề nghị của VKS đối với các công ty: Hưng Yên, SBBS, Bảo hiểm toàn cầu…

Đối với nhân viên của Navibank, ông Đức cho rằng, họ có sai sót, nhưng những sai sót này ông Đức cho rằng không phải là nguyên nhân mất tiền….

Từ những luận cứ của mình, ông Đức đề nghị HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm đối với phần liên quan đến Navibank và nhân viên Navibank để điều tra lại.

Sau phần bào chữa của luật sư Trương Thanh Đức, đến lượt đại diện của Ngân hàng Navibank đưa ra quan điểm về số tiền 200 tỷ được phán quyết bị Huyền Như chiếm đoạt.

Sáng 25/12, Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP HCM tiếp tục phần tranh luận trong phiên tòa xét xử “siêu lừa” Huyền Như và đồng phạm. Theo diễn biến phiên tòa, sáng nay, các luật sư, những người tham gia tố tụng sẽ tiếp tục phần bào chữa./.

-----------

Sáng 24/12, Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP HCM tiếp tục xét xử vụ án “siêu lừa” Huyền Như và đồng phạm. 

Mở đầu phần tranh luận sáng nay, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đưa ra quan điểm đối với các kháng cáo, kháng nghị.

Theo VKS, sau phiên tòa sơ thẩm, cơ quan tố tụng đã nhận được 60 kháng cáo, 1 kháng nghị liên quan vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt.

Sau khi công bố lại nội dung các kháng cáo, kháng nghị; tóm tắt lại nội dung xét hỏi tại tòa, VKS nêu quan điểm: Đối với kháng cáo của Huỳnh Mỹ Hạnh – chị gái của Huyền Như, VKS cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên đúng người, đúng tội. Xét vai trò lừa đảo của Hạnh là đồng phạm với Huyền Như nhưng tội phạm bị cáo này vi phạm là đặc biệt nghiêm trọng, nên VKS đề nghị không xem xét giảm nhẹ hình phạt. Trước đó, Hạnh bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 14 năm tù giam.

Bị cáo Đào Thị Tuyết Dung phạm hai tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cho vay lãi nặng. Bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, VKS Nhân dân TP HCM có đơn kháng nghị tăng nặng hình phạt. Theo quan điểm của công tố viên, hành vi của bị cáo Dung là đặc biệt nghiêm trọng. Mức hình phạt tù do tòa sơ thẩm tuyên là quá nhẹ. Việc kháng nghị tăng hình phạt của VKS nhân dân TP HCM được công tố viên cho rằng là có cơ sở.

Đối với hai kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét số tiền 174 tỷ đồng thu lợi bất chính, VKS cho hay: Hai kháng cáo này không có cơ sở.

Đối với bị cáo Trần Thị Tố Quyên, VKS cho rằng, bị cáo đã giữ vai trò giúp sức tích cực trong hành vi chiếm đoạt tài sản của Huyền Như, cho nên VKS xét thấy không có căn cứ để xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Nguyễn Thiên Lý, qua xét hỏi, VKS cho rằng kháng cáo của bị cáo có cơ sở nên đề nghị xem xét về số tiền thu lợi bất chính.

Phạm Anh Tuấn (SN 1977, quê Hải Phòng) - Cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Dầu khí Thái Bình Dương bị tòa sơ thẩm quy kết tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Tuấn xin giảm nhẹ hình phạt. VKS cho rằng, hành vi của bị cáo là gây hậu quả đậc biệt nghiêm trọng. Bản án sơ thẩm tuyên phạt là có căn cứ. Tuy nhiên, VKS cho rằng, bị cáo có nhiều tình tiết để giảm nhẹ hình phạt và đề nghị HĐXX xem xét cho Phạm Anh Tuấn.

Với số tiền được xác định là đã thu lợi bất chính khoảng 72 tỷ đồng, VKS khẳng định, quy kết này là có căn cứ theo hướng có lợi cho bị cáo Tuấn.

Với kháng cáo xem xét căn nhà chung của hai vợ chồng Tuấn, VKS cho rằng không có căn cứ, việc kê biên căn nhà là phù hợp với quy định.

Đối với kháng cáo của bà Giã Thị Mai Hiên về giám định chữ ký liên quan đến số tiền bị Huyền Như chiếm đoạt 274 tỷ đồng, VKS khẳng định, qua thẩm tra và căn cứ vào hồ sơ, tài liệu, cho thấy không liên quan đến Vietinbank nên không chấp nhận kháng cáo của bà này...

Liên quan đến kháng cáo của hai ngân hàng ACB và Navibank, theo quan điểm của VKS, hoạt động ủy thác gửi tiền và ký hợp đồng cho nhân viên Navibank đi gửi tiền sang Vietinbank là vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của NHNN, vi phạm chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Bản thân nhân viên của hai ngân hàng này đã không có trách nhiệm, có thái độ bỏ mặc dẫn tới việc Huyền Như chiếm đoạt tiền.

Do đó, quan điểm của VKS tại tòa phúc thẩm là bác bỏ kháng cáo của hai ngân hàng ACB, Navibank và nhân viên của các ngân hàng này.

Theo VKS, trong trường hợp này, Vietibank không có lỗi, bản án sơ thẩm đã tuyên đúng pháp luật. Việc xác định hai ngân hàng ACB và Navibank tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự là hoàn toàn đúng pháp luật. Huyền Như phải bồi thường cho Navibank, và ACB.

Đối với 5 đơn vị gồm: Công ty Phương Đông, Công ty An Lộc, Công ty Hưng Yên, Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn cầu, VKS cho rằng, Huyền Như đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền. Cho nên quan điểm của VKS là Vietinbank phải trả lại tiền cho các đơn vị này.

Đối với Võ Anh Tuấn - Cựu Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, đã giúp sức cho Huyền Như chiếm đoạt tài sản, quá trình điều tra đã nhận tội. Theo VKS, kháng nghị tăng nặng hình phạt của VKS Nhân dân TP HCM đối với bị cáo Tuấn là có căn cứ, nên cho rằng cần giữ nguyên hình phạt đối với Tuấn.

Đối với kháng cáo của bà Lê Thị Ngọc Nga và bà Nguyễn Thị Lang – mẹ Huyền Như liên quan đến căn biệt thự 43 tỷ đồng, VKS nêu quan điểm rằng, chứng cứ cho thấy, Huyền Như mua của công ty đã thanh toán hơn 40 tỷ bằng tiền Như vay cá nhân và ngân hàng. Khi mua Như ký tên mẹ nhưng không nói cho bà biết. Sau đó Như cầm cố cho bà Nga.

Bà Nguyễn Thị Lang cũng khai nhà này do Như mua. Như vậy bà Lang chỉ đứng tên để cho Như mua biệt thự.

Việc cấp sơ thẩm tuyên duy trì kê biên là hoàn toàn đúng pháp luật. Mọi tranh chấp giữa Huyền Như và Nga nếu có sẽ giải quyết trong vụ án khác. Kháng cáo đòi giải tỏa kê biên của bà Nga không có căn cứ.

Đối với bà Thịnh mua bán căn hộ 2,7 tỷ đồng nhưng tất cả các giao dịch đều không được pháp luật ghi nhận, chỉ có căn cứ chứng minh Như bỏ tiền ra mua căn hộ này.

Từ phân tích trên, VKS đề nghị chấp nhận giảm nhẹ hình phạt cho Phạm Anh Tuấn, Huỳnh Mỹ Hạnh. Đối với Hạnh, VKS đề nghị mức án 13 năm tù giam.

Đối với Đào Thị Tuyết Dung, VKS đề nghị tăng nặng hình phạt lên mức 13-14 năm tù giam; VKS cũng đề nghị tòa chấp nhận một phần kháng cáo của 5 Công ty: Phương Đông, An Lộc, Hưng Yên, SBBS, Bảo hiểm Toàn cầu. VKS đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm vụ án Huyền Như để xem xét hành vi hình sự khác.

Ngoài ra, quan điểm của VKS cũng buộc Nguyễn Thị Lành phải nộp số tiền thu lợi bất chính hơn 1000 tỷ đồng.

----------------

23/12, Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP HCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm. 

Theo công bố của chủ tọa Quảng Đức Tuyên, tòa sẽ xem xét kháng cáo của các đương sự liên quan trong vụ án này.

Mở đầu phiên tòa sáng nay, tòa xem xét kháng cáo của bà Vũ Thị Kim Thịnh (SN 1982, trú tại TP HCM). Theo kháng cáo, bà Thịnh yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét việc trả lại căn nhà ơ khu chung cư Orient Apartment (quận 4, TP HCM).

Bị cáo Huyền Như tại phiền tòa phúc thẩm

Theo bán án sơ thẩm, căn nhà ở khu chung cư này là 1/12 bất động sản của Huyền Như bị tòa sơ thẩm ra quyết định phong tỏa để đảm bảo công tác thi hành án.

Tại tòa, bà Thịnh cho hay, căn nhà này Như mua với giá 2,6 tỷ đồng, tính thêm các khoản phát sinh, Như bán lại cho bà Thịnh số tiền 2,7 tỷ đồng.

Bà Nga cũng cho biết, tài sản này đứng tên Huỳnh Mỹ Hạnh – chị gái của Huyền Như. Bà Thịnh mua của Huyền Như từ tháng 9/2010, nhưng đến nay vẫn chưa có quyền sở hữu hợp pháp.

Thẩm vấn bà Thịnh, VKS đặt câu hỏi việc mua bán đứng tên bất động sản này có giấy tờ chứng minh hay không? Bà Thịnh cho biết, việc mua bán không có giấy tờ chứng minh, tuy nhiên nhưng việc chuyển tiền mua căn nhà này được thực hiện qua việc chuyển khoản ngân hàng.

Tuy nhiên, quan điểm của VKS đưa ra cho rằng, việc chuyển tiền không có nội dung chưa phản ánh lên được sự việc. Bà Thịnh và Huyền Như ngoài quan hệ trong mua bán căn nhà thì theo VKS, giữa hai người này còn có mối quan hệ khác.

Sau thẩm vấn bà Thịnh, tòa tiếp tục xem xét kháng cáo đòi tiền của bị Lê Thị Ngọc Nga và chồng bị cáo Nguyễn Thị Lành – người bị tòa cấp sơ thẩm quy kết tội Cho vay lãi nặng.

Ông Quang – chồng bị cáo Lành đòi lại số tiền 5,9 tỷ đồng trong số tiết kiệm đứng tên ông này đang bị phong tỏa. Ông Quang cho biết, đấy là số tiền lao động của mình. Tại tòa, ông Quang cũng cho biết: “Không hề biết vợ mình hoạt động cho vay lãi nặng”.

Nguyễn Thị Kim Bình (SN 1983, quận Bình Thạnh, TP HCM) kháng cáo số tiền hơn 19 tỷ đồng. Đây là số tài sản bị kê biên của bị cáo Nguyễn Thiên Lý- người bị tòa cấp sơ thẩm quy kết tội danh Cho vay lãi nặng.

Mẹ Huyền Như vắng mặt khi tòa xét kháng cáo đòi biệt thự trị giá 43 tỷ đồng

Sau khi xem xét kháng cáo đòi tài sản của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tại vụ án, tòa bắt đầu chuyển sang xem xét kháng cáo đòi biệt thự của bà Nguyễn Thị Lang – mẹ của “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như. Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng nay, bà Lang đã không có mặt.

Trước đó, ở những ngày đầu của phiên tòa phúc thẩm, Huỳnh Thị Huyền Như cũng đã có đề nghị tòa xem xét kháng cáo xin lại căn biệt thự Villa H2 The Nam Hải (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) – Đây là ngôi biệt thự được định giá 43 tỷ đồng.

Nhắc lại thỉnh cầu của mình sáng nay tại tòa, Như tiếp tục nói: Bị cáo không kháng cáo mà chỉ xin lại căn nhà cho mẹ. Theo Huyền Như, đó là tài sản của bà Nguyễn Thị Lang.

Làm rõ kháng cáo đòi biệt thự, chủ tọa hỏi Huyền Như việc tại sao nhà của mẹ mà bị cáo lại bán. Trả lời chủ tọa, Như cho hay, bị cáo không bán mà chỉ thế chấp. “Đã thế chấp sao còn đòi lại”, chủ tọa đặt vấn đề. Trước câu hỏi của chủ tọa, Huyền Như im lặng.

Do bà Nguyễn Thị Lang vắng mặt tại phiên tòa, chủ tọa cho biết sẽ xem xét kháng cáo đòi biệt thự dựa trên đơn kháng cáo.

Tại tòa, vợ của bị cáo Phạm Anh Tuấn (SN 1977, quê Hải Phòng) - Cựu Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Dầu khí Thái Bình Dương cũng có đơn xin xem xét căn nhà chung của hai vợ chồng. Đại diện của vợ bị cáo Tuấn kể lể hoàn cảnh, việc nếu cơ quan thi hành pháp luật phong tỏa, kê biên ngôi nhà này để thực hiện thi hành án thì gia đình, vợ con của Phạm Anh Tuấn sẽ không còn biết ở đâu.

Sau khi xem xét kháng cáo của các đương sự trong vụ án, HĐXX quyết định quay lại thẩm vấn các bị cáo liên quan đến tội Cho vay lãi nặng.

Vẫn lời than vãn như ngày thẩm vấn hôm qua, bị cáo  Đào Thị Tuyết Dung (SN 1969, trú tại TP HCM) - Cựu Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân cho rằng, tòa cấp sơ thẩm quy kết bị cáo thu lợi bất chính số tiền 174 tỷ đồng là không chính xác. Trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa, Dung cho biết, không nhớ số tiền thu lợi bất chính từ việc cho Huyền Như vay nặng lãi là bao nhiêu

“Vậy như thế nào là không chính xác?”, chủ tọa đặt câu hỏi. Trả lời ông chủ tọa, Dung nói rằng: “Vì bị cáo không có sổ đối chiếu. Những con số này do bị cáo Huyền Như sao kê, ghi chép”.

“Nếu bị cáo có sổ sách thì HĐXX sẵn sàng đối chứng. Bị cáo đã thừa nhận cho Huyền Như vay tiền. Cấp sơ thẩm đã dựa vào đó để xem xét. Nếu bị cáo không có sổ sách thì HĐXX sẽ căn cứ vào tài liệu và hồ sơ”.

Đối với số tiền 150 tỷ đồng cho Huyền Như vay bằng việc thế chấp 7 tài sản, bị cáo Dung cho biết là có giấy ghi nợ. Tuy nhiên chủ tọa khẳng định: Đấy vẫn là tài sản của bị cáo Huyền Như. Hiện những tài sản này đã được kê biên phong tỏa để phục vụ công tác thi hành án.

Ngoài ra, HĐXX còn thẩm vấn bị cáo liên quan đến tội Cho vay lãi nặng nhưng không kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm gồm: Nguyễn Thị Lành, Hùng Mỹ Phương, Phạm Văn Chí.

Tại tòa, trả lời HĐXX về số tiền phải giao nộp từ thu lợi bất chính 150 tỷ đồng mà tòa sơ thẩm buộc Lành giao nộp.

Đối với việc không có kháng cáo để được xem xét tại phiên tòa phúc thẩm, Lành cho hay: “Bị cáo nghĩ là số tiền nhiều hay ít thì bị cáo không khắc phục được nên bỏ mặc”.

“Bỏ mặc hay ở đây có gì mờ ám”, chủ tọa nêu vấn đề với Nguyễn Thị Lành.

Theo tài liệu mà VKS công bố tại tòa, số tiền Nguyễn Thị Lành cho Huyền Như vay là hơn  7.800 tỷ đồng. Huyền Như đã trả cho bị cáo cả gốc lẫn lãi là hơn 9.000 tỷ đồng. Tiền thu lợi bất chính là hơn 1.186 tỷ đồng.

“Đương nhiên là bị cáo chấp nhận án sơ thẩm đã tuyên vì số tiền thu lợi bất chính của bị cáo phải sung công quỹ nhà nước quá nhỏ so với thực tế”, VKS khẳng định.

Theo Nguyễn Thị Lành, một số tiền Lành vay của người khác với lãi suất thấp, sau đó cho Huyền Như vay với lãi suất cao.

Navibank chưa cung cấp chứng cứ hợp đồng cho nhân viên vay tiền

Sau giờ nghỉ giải lao, HĐXX quay lại thẩm vấn những vấn đề liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huyền Như tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank).

Trả lời HĐXX, ông Đoàn Đăng Luật – cựu Trưởng phòng nguồn vốn Navibank cho biết, về lãi suất huy động vốn thông qua 14 nhân viên của Ngân hàng Navibank, theo thỏa thuận là 14%/năm. Đối với hợp đồng của nhân viên Navibank gửi sang Vietinbank chi nhánh Nhà Bè lấy lãi, ông Luật cho hay, đó là quyết định của lãnh đạo ngân hàng Navibank.

Đối với số tiền lãi suất ngoài hợp đồng 9,4 tỷ đồng, ông Luật phủ nhận nhận tiền của Huyền Như và cho rằng Võ Anh Tuấn trả khoản tiền ngoài lãi suất cho Ngân hàng Navibank từ hợp đồng huy động vốn.

Đối chất với lời khai, bị cáo Võ Anh Tuấn phủ nhận và cho biết: Lời khai tại tòa của ông Luật không chính xác. “Bị cáo không biết về số lãi suất ngoài hợp đồng”.

Để làm rõ vấn đề này, tòa quay sang thẩm vấn Huyền Như. Theo lời khai của Huyền Như tại tòa, Như thông qua ông Luật để thống nhất hợp đồng. Lãi suất ngoài hợp đồng, Như nhờ bị cáo Trần Thị Tố Quyên giao cho Luật. Số tiền lãi ngoài hợp đồng, Huyền Như tiếp tục khẳng định tại tòa là tiền túi của Huyền Như.

Tại tòa Tố Quyên cũng khai rằng, việc bị cáo này mang tiền giao cho Luật là do Huyền Như chỉ đạo. “Bị cáo không nhớ số tiền bao nhiêu nhưng giao nhiều lần. Tiền này lấy từ Công ty Hoàng Khải – Công ty của Huyền Như. Người giao tiền cho Tố Quyên là Huỳnh Mỹ Hạnh – chị gái Huyền Như. Còn tiền giao cho bị cáo, Hạnh có lưu vào sổ sách”, Tố Quyên cho biết.

Tới đây, ông Đoàn Đăng Luật mới xác nhận, có nhận tiền từ nhân viên Vietinbank. Tuy nhiên, ông Luật cho rằng: “Nhân viên đưa tiền lãi ngoài hợp đồng là do Võ Anh Tuấn cử tới”

Cuối phiên làm việc sáng nay, chủ tọa Quảng Đức Tuyên “đòi nợ” đại diện Ngân hàng Navibank về chứng cứ hợp đồng cho nhân viên vay tiền để rồi đi gửi tiền sang Vietinbank nhằm lấy lãi. Tuy nhiên, vị đại diện của Ngân hàng Navibank cho biết, đang yêu cầu phía ngân hàng cung cấp, do sự việc diễn ra lâu nên tìm kiếm khó khăn.

Để sớm làm rõ vụ việc, tại tòa, chủ tọa cũng công bố luôn bản hợp đồng tín dụng mà Ngân hàng Navibank ký với các nhân viên. Theo tài liệu này thì: Hợp đồng tín dụng Ngân hàng Navibank ký với nhân viên, với lãi suất 16%/năm. Hợp đồng nhân viên ký với Vietinbank lãi suất là 14%/năm.

Ông Quảng Đức Tuyên tiếp tục quay lại câu hỏi về mục đích việc Ngân hàng Navibank đem tiền cho nhân viên vay để gửi tiền. Vị đại diện Ngân hàng Navibank khẳng định đi gửi tiền nơi khác để hưởng lãi suất.

Vậy gửi vào Vietinbank với mục đích gì”. Câu hỏi của vị chủ tọa không được đại diện Ngân hàng Navibank trả lời thẳng đúng vấn đề.

Sáng nay, HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi. Ngày mai (24/12), tòa sẽ bắt đầu bước vào phần tranh luận.

----------------

11h30: Chiều nay, lúc 13h30, Tòa tiếp tục làm việc.

Phiên tòa sáng nay kết thúc với việc xem xét kháng cáo của các bị cáo liên quan đến hai tội danh Cho vay lãi nặng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

10h45: Thẩm phán Phan Thanh Tùng chuyển sang thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thiên Lý (SN 1975, quê Quảng Bình). Tại tòa, thông qua một người bạn giới thiệu cho Lý biết và gặp Như. Lý cho hay, thông tin Lý ghi nhận được từ người bạn này về Như là: “Huyền Như là một người làm ăn lớn”, Lý khai.

Lý nói rằng, quan hệ giữa hai người ban đầu là hợp tác làm ăn, sau đó mới chuyển sang cho vay lãi nặng.

Trả lời thẩm phán, Lý cho biết, giao dịch giữa hai người vừa giao trực tiếp cho Như, cho nhân viên của Như, vừa chuyển khoản. Và việc chuyển tiền thông qua những công ty của Huyền Như.

Lý cho hay: “Nếu đúng bản chất vụ việc thì bị cáo cũng chỉ là một nạn nhân thôi ạ”

Tại tòa, Nguyễn Thiên Lý xin tòa xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Mức án 2 năm tù tòa sơ thẩm tuyên phạt tội Cho vay lãi nặng, Lý cho rằng là quá nặng và xin tòa phúc thẩm xem xét. 

10h30: HĐXX tiếp tục làm việc.

10h10: HĐXX nghỉ giải lao

10h00: Tại tòa, Đào Thị Tuyết Dung khai, việc cho Huyền Như mượn tiền bằng “niềm tin”. Số tiền Dung cho Huyền Như vay hàng trăm tỷ bị cáo hoàn toàn không ghi vào sổ sách, tài sản thế chấp cũng không có chứng thực của cơ quan chức năng.

Theo bị cáo Dung, tại tòa cấp sơ thẩm, tòa quy kết, bị cáo thu lãi hơn 174 tỷ đồng là không đúng. Tuy nhiên, Dung không đưa ra được cơ sở để bảo vệ lập luận của mình.

Trả lời thẩm vấn, Dung cho rằng, cơ sở kháng cáo là tổng số tiền 150 tỷ đồng cho Huyền Như vay mà chưa lấy được lại, nên mong tòa dựa trên cơ sở này để xem xét giảm nhẹ. 

Liên quan đến Đào Thị Tuyết Dung, VKS thẩm vấn Huyền Như về đường đi của dòng tiền Huyền Như chiếm đoạt của 3 công ty: Hưng Yên, Phúc Vĩnh, Thịnh Phát.

Theo Huyền Như, bị cáo đã “nhờ” tài khoản của Dung mở tại ngân hàng Eximbank. Một phần Huyền Như trả cho Dung, một phần Như lấy để trả nợ.

 

9h40: Thẩm phán Phan Thanh Tùng thẩm vấn các bị cáo thuộc nhóm tội: Cho vay lãi nặng.

Đối với tội cho vay lãi nặng, có hai bị cáo kháng cáo gồm: Đào Thị Tuyết Dung (SN 1969, trú tại TP HCM) - Cựu Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân và bị cáo Nguyễn Thiên Lý (SN 1975, quê Quảng Bình).

Đối với tội Cho vay lãi nặng, các bị cáo Nguyễn Thiên Lý, Đào Thị Tuyết Dung, đã cho bị cáo Huyền Như vay một số tiền lớn để thu lãi cao và thu bất chính hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.

Tài liệu của cơ quan điều tra xác định, Lý đã chủ động gặp Huyền Như và đề nghị cho Như vay tiền với lãi suất 0,4%/ngày. Sau đó, số tiền vay càng nhiều hơn có món lên đến 40 tỷ đồng với lãi suất dao động từ 0,4%/ ngày đến 1,2%/ngày, đặc biệt, có những khoản, Huyền Như phải trả cho Lý từ 3% đến 3,7%/ngày.

Kết quả điều tra xác định, từ ngày 1/12/2009 đến 14/9/2011, Nguyễn Thiên Lý đã cho Như vay tổng số tiền trên 554 tỷ đồng và 340.000.000 USD. Lý đã nhận của Huyền Như tổng số tiền gốc và lãi 1.296.366.236.245 đồng.

Đối với Đào Thị Tuyết Dung, cơ quan điều tra xác định, tổng số tiền Như vay của Dung là 265,5 tỷ đồng, số tiền Như đã trả cho Dung là 440,4 tỷ đồng.

9h15: Liên quan đến tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tại tòa bị cáo Lê Thị Ngọc Lợi và Hồ Hải Sỹ xin xét được giảm nhẹ hình phạt.

9h00: Làm rõ hành vi của bị cáo Việt Yên, công tố viên đã thẩm vấn các bị cáo liên quan gồm: Hồ Hải Sỹ, Lê Thị Ngọc Lợi, Trần Thị Tú Quyên.

Theo Hồ Hải Sỹ, bị cáo nhân được chỉ đạo qua điện thoại của Việt Yên, rồi sau đó chỉ đạo cho Ngọc Lợi mở tài khoản.

Bị cáo Ngọc Lợi thừa nhận sau khi mở tài khoản thì Trần Thị Tú Quyên mới mang hồ sơ đến để bổ sung. Bộ hồ sơ này đã điền sẵn thông tin. 

Trả lời VKS, bị cáo Trần Thị Tú Quyên cho hay: Quyên không biết ai đề nghị mở tài khoản. Bộ hồ sơ mở tài khoản, Quyên nhận từ Huyền Như.

Tại tòa, bị cáo Việt Yên không đi thẳng vấn đề thẩm vấn của công tố viên.

“Bị cáo không thừa nhận việc chỉ đạo phó phòng mở tài khoản. Chúng tôi sẽ căn cứ vào hồ sơ và lời khai của các bị cáo tại tòa để xem xét, đánh giá”, VKS nói. 

8h45:  Trả lời thẩm vấn, bị cáo Việt Yên, xin Tòa xem xét vai trò, hành vi của bị cáo trong vụ án để được giảm nhẹ hình phạt. 

Hành vi phạm tội của các bị cáo liên quan đến hai tài khoản của tên Nguyệt và Năm – nhân viên của Ngân hàng ACB bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 50 tỷ đồng.

8h40: Đối với tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, các bị cáo đã thiếu trách nhiệm trong việc mở tài khoản cho khách hàng mà không có mặt của khách hàng để ký chữ ký mẫu.

Hậu quả của việc làm thiếu trách nhiệm này đã để cho bị cáo Huyền Như dùng chữ ký giả của khách hàng mở tài khoản sau đó dùng lệnh chi giả chuyển tiền và chiếm đoạt của khách hàng 50 tỷ đồng gây nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 

 8h30: Chủ tọa Quảng Đức Tuyên công bố, HĐXX tiếp tục thẩm vấn để xem xét kháng cáo của các bị cáo, các đương sự trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm trong vụ án lừa đảo 4.000 tỷ đồng.

Mở đầu phiên tòa, thẩm phán Phan Thanh Tùng thẩm vấn các bị cáo thuộc nhóm tội: Cho vay lãi nặng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

 3 bị cáo thuộc nhóm tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng kháng cáo gồm: Lương Thị Việt Yên; Hồ Hải Sỹ, Lê Thị Ngọc Lợi.

 8h20: HĐXX bát đầu làm việc

8h00: Huyền Như và các đồng phạm đã có mặt tại Tòa. Phiên xét xử phúc thẩm vẫn chưa bắt đầu.

Hôm nay 22/12, Tòa phúc thẩm, TAND TP HCM tiếp tục xét xử Huyền Như và đồng phạm. 

Trong những ngày trước, Tòa đã thẩm vấn Huyền Như và các bị cáo   tội thẩm vấn tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ; Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; thẩm vấn đại diên ACB về việc thực hiện ủy thác; thẩm vấn các bị cáo về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”...

Theo bản án sơ thẩm, sau khi biết ACB có nguồn tiền muốn gửi vào Vietinbank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh để lấy tiền lãi cao hơn (lãi chênh ngoài hợp đồng), nhưng theo nguyên tắc ngân hàng này không được đem tiền đến ngân hàng khác gửi để lấy lãi cao hơn nên ACB (cũng như Navibank) đã phải dùng đến các nhân viên của mình, uỷ thác cho họ đem tiền đến gửi tại Vietinbank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, thông qua bà Huỳnh Thị Ngọc Ánh – Phó phòng kế toán ACB, lấy danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, làm giả hợp đồng tiền gửi, ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn – Phó Giám đốc Vietinbank –chi nhánh Nhà Bè đóng dấu giả Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè để huy động 50 tỷ đồng của ACB thông qua hai người gửi.

Chưa dừng lại ở đó, ACB tiếp tục sử dụng 17 nhân viên của mình, uỷ thác cho họ đem số tiền 668,908 tỷ đồng gửi vào Vietinbank với lãi suất 14%/năm, lãi ngoài từ 3,8 đến 4%/năm, để Như chiếm đoạt.

Để chiếm đoạt đựơc số lượng tiền khổng lồ của ACB, Như đã dùng thủ đoạn “Câu, nhử” đó là trích trả ngay hơn 10 tỷ đồng tiền lãi ngoài hợp đồng cho ACB.

Ngoài việc làm giả 16 lệnh chi, ký giả chữ ký của 09 chủ tài khoản để làm thủ tục tất toán và chiếm đoạt số tiền hơn 81 tỷ đồng, Như làm giả lệnh chi, ký giả chữ ký của các chủ tài khoản để chuyển hết số tiền từ tài khoản tiền gửi tiết kiệm của các nhân viên ACB đi trả nợ và chiếm đoạt số tiền còn lại trong tài khoản tiền gửi của các nhân viên ACB..

Ngày thứ 6 xét xử vụ Huyền Như và đồng bọn 

--------------------

16h35: Tòa kết thúc buổi làm việc hôm nay. Thứ 2 (22/12), Tòa tiếp tục làm việc.

16h30: Liên quan đến hành vi của Phạm Anh Tuấn, trả lời thẩm vấn của luật sư bào chữa cho Phạm Anh Tuấn, Huyền Như xác nhận thông tin Tuấn khai nhận.

Đối với việc chênh lệch lãi ngoài hợp đồng, Như cho biết đã trao đổi với Anh Tuấn qua điện thoại. Theo Huyền Như, lãi chênh lệch ngoài hợp đồng, Như giao trực tiếp cho Phạm Anh Tuấn. Ngoài ra, một số lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng, Như chuyển cho Phạm Anh Tuấn qua người môi giới hợp đồng.

15h50: Chủ tọa chuyển sang thẩm vấn Phạm Anh Tuấn (SN 1977, quê Hải Phòng) - Cựu giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Dầu khí Thái Bình Dương. Bi cáo bị tòa sơ thẩm quy kết tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Tại tòa, bị cáo Tuấn cho biết đã nhận thức được hành vi phạm tội, đồng thời xin tòa phúc thẩm giảm án. Ngoài ra, bị cán Tuấn xin xem xét trách nhiệm dân sự với ngôi nhà là tài sản chung của hai vợ chồng; Bị cáo Anh Tuấn cũng xin tòa xem xét số tiền hưởng lợi hơn 72 tỷ đồng. Tuấn cho rằng, số tiền này là vay mượn để làm ăn.

Đối với ngôi nhà này, vợ bị cáo Tuấn cũng có đơn xin xem xét lại căn nhà của hai vợ chồng.

Đối với số tiền hơn 72 tỷ đồng, khi công tố viên yêu cầu bị cáo Tuấn có những tài liệu xác thực số tiền này là vay mượn, thì bị cáo Tuấn cho biết hoàn toàn không có bất kỳ tài liệu nào.

Theo bản án sơ thẩm, Phạm Anh Tuấn – Tổng giám đốc công ty cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương đã có hành vi ký hợp đồng uỷ thác đầu tư vốn với Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè để gửi tiền vào ngân hàng kiếm tiền lời cho công ty và thu lợi bất chính cho cá nhân nhưng chỉ có 01 hợp đồng uỷ thác 114  đầu tư vốn mà Phạm Anh Tuấn ký với Vietinbank – chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, bị cáo góp vào 118 tỷ là đựơc tất toán cả vốn và lãi.

Còn lại 15 hợp đồng uỷ thác đầu tư vốn bị cáo ký với Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè, bị Như làm giả, ký giả tên Võ Anh Tuấn và đóng dấu giả Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè, bị cáo đã chuyển theo yêu cầu của Như 1.493.600.000.000 đồng. Như đã thanh toán 1.413.600.000.000 đồng tiền gốc, trả lãi theo quy định 58.690.000.000 đồng. Số tiền còn lại 80 tỷ đồng bị bị cáo Như chiếm đoạt. 

Như vậy, mặc dù không có chức năng kinh doanh tiền tê, uỷ thác đầu tư  vốn nhưng vì vụ lợi, vì mức trả lãi ngoài hợp đồng từ 1% đến 4%/ năm/tổng số tiền gửi quá lớn, và số tiền này bị cáo Phạm Anh Tuấn được hưởng riêng,
vì vậy bị cáo Phạm Anh Tuấn đã bất chấp pháp luật, đã gửi tiền vào  Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè mà thực chất là đã bị bị cáo Như lừa đảo để chiếm đoạt 80 tỷ đồng. Kết quả của việc làm trái công vụ đã gây thiệt hại cho
Tổng công ty vận tải dầu khí Thái Bình Dương 80 tỷ đồng và bị cáo thu lợi  bất chính 72,568 tỷ đồng.

Hành vi của bị cáo Phạm Anh Tuấn đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tội phạm đựơc quy định tại Điều 281 của Bộ luật hình sự. 

15h15: HĐXX tiếp tục thẩm vấn Huỳnh Hữu Danh (SN 1981, quê Phú Yên) - Cựu nhân viên ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Chi nhánh TP HCM. Bị cáo Danh xin giảm nhẹ hình phạt. Theo Danh, bị cáo đã nhận thức ra hành vi vi phạm pháp luật. Lỗi của bị cáo là không đến Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè để làm thủ tục xác nhận, phong tỏa các hợp đồng tiền gửi dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt tiền.

Trong nhóm bị cáo “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” bị cáo Danh là nhân viên duy nhất không thuộc Vietinbank.

Theo bản án sơ thẩm: có nhiệm vụ kiểm tra, hoàn tất các thủ tục hồ sơ vay tiền, thẩm định tài sản bảo đảm và để xuất cho vay. Tuy nhiên từ tháng 1/2011 đến ngày 8/9/2011, Danh đã làm thủ tục hồ sơ cho 12 cá nhân do Huyền Như giới thiệu đến VIB – Chi nhánh TP HCM vay tổng cộng số tiền hơn 480 tỷ đồng, tài sản thế chấp là 40 hợp đồng mang tên 12 người xin vay, gửi tiền tại Vietinbank – Chi nhánh Nhà Bè.

 Bị cáo Danh đã không đến Vietinbank – Chi nhánh Nhà Bè để làm thủ tục xác nhận, phong tỏa các hợp đồng tiền gửi nên không biết Huyền Như làm giả xác nhận phong tỏa mà vô tư nhận khi bị cáo Trần Thị Tố Quyên giao, cũng không biết được các thẻ tiết kiệm mà những người vay thế chấp là thẻ tiết kiệm do Như làm giả, là không có thật.

Hành vi của Huỳnh Hữu Danh đã vi phạm quy định của NHNN ban hành quy chế cho vay và bảo lãnh cho vay và hậu quả là bị cáo Như đã chiếm đoạt của VIB Chi nhánh TP HCM 180 tỷ đồng.

15h00: Thuộc nhóm bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, bị cáo Tống Nguyên Dũng (SN 1987, quê Đồng Nai) - Cựu nhân viên tín dụng xin giảm nhẹ hình phạt.

Dũng khai, hành vi lập hồ sơ tín dụng cho các cá nhân đứng tên vay tiền nhưng không có mặt người vay và người bảo lãnh là do “bị cáo nghĩ Huyền Như đã tiếp xúc với các khách hàng đó rồi. Hơn nữa bị cáo Như là lãnh đạo của bị cáo”, Dũng nói. 

14h45: Luật sư bào chữa của bị cáo Thanh Thanh tham gia thẩm vấn. Vị luật sư này bị chủ tọa 4 lần nhắc nhở vì cách đặt vấn đề khi thẩm vấn. Chủ tọa còn nhắc khéo: Luật sư nên xem lại bộ luật tố tụng hình sự.

 Thẩm phán Tú Oanh còn kết thúc phần thẩm vấn của luật sư và nói rằng, “Tôi không hiểu luật sư xét hỏi bị cáo với mục đích gì, nhưng qua phần thẩm vấn của luật sư càng khẳng định thân chủ của mình – bị cáo Thanh Thanh bị tuyên phạt ở tòa sơ thẩm là hoàn toàn đúng người, đúng tội”.

14h30: Bị cáo Trần Thanh Thanh (SN 1980, quê Quảng Ngãi) - Cựu Phó phòng dịch vụ khách hàng xin xem xét giảm nhẹ hình phạt. 

Thanh Thanh xin tòa xem xét lại hoàn cảnh phạm tội; mức độ hành vi nguy hiểm của hành vi; hậu quả mà bị cáo gây ra… Theo nhận thức của Trần Thanh Thanh thì mức độ phạm tội của bị cáo không nghiêm trọng.

Thẩm phán Tú Oanh đặt vấn đề: “Hành vi của bị cáo liên quan đến 25 tỷ đồng bị Huyền Như chiếm đoạt mà không nghiêm trọng, số tiền này nhỏ lắm sao. Theo bị cáo, một người đi làm việc bao nhiêu năm để có được số tiền 25 tỷ đồng mà bị cáo lại bảo không nghiêm trọng”. 

14h15: Bị cáo Hoàng Hương Giang (SN 1987, quê Gia Lai) giao dịch viên được thẩm vấn đầu tiên. Trà lời công tố viên, Giang đề nghị HĐXX xem xét lại việc quy kết bị cáo tội danh.

14h05: HĐXX bắt đầu phiên làm việc chiều với việc tiếp tục thẩm vấn các bị cáo liên quan đến hành vi  “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

11h30: HĐXX nghỉ phiên làm việc buổi sáng .

11h00: Xem xét hành vi phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, luật sư tham gia thẩm vấn Huyền Như về việc bị cáo làm giả bao nhiêu hồ sơ, số tiền phải bồi thường thiệt hại là bao nhiêu… thì Huyền Như đều nói tại tòa rằng: “Tôi không nhớ rõ”. 

Huyền Như xác nhận lời khai trong hồ sơ vụ án và số tiền phải bồi thường cho các bị hại mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt.

10h20:  Trong các trường hợp bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, HĐXX xem xét rất kỹ trường hợp của bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên (SN 1975, trú tại TP HCM) - Cựu Phó trưởng phòng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank Chi nhánh TP HCM.

Tại tòa, bị cáo Xuân Tiên kêu oan và cho rằng mình không phạm tội. HĐXX sử dụng hồ sơ gốc để đối chứng với lài khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. 

Trước đó, bản án sơ thẩm xác định, Tiên là người ký phê duyệt hồ sơ tín dụng và ký giải ngân đối với 6 khoản vay do Trần Thị Tố Quyên và Phan Văn Long đứng tay vay tổng số tiền hơn 33 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là 5 thẻ tiết kiệm có tổng giá trị hơn 34 tỷ đồng mang tên 3 cá nhân là nhân viên ACB và Navibank – Đây là những hồ sơ do Huyền Như làm giả. Hậu quả là Huyền Như đã chiếm đoạt trót lọt hơn 33 tỷ đồng.

9h45: Theo đánh giá của tòa cấp sơ thẩm, đối các bị cáo phạm tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” đã tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt một khối lượng tiền khổng lồ, hậu quả là làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của các cá nhân và mất đi một lực lượng cán bộ ngân hàng – những người đều có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức. Tuy nhiên vì cả nể, tin tưởng về năng lực, phẩm chất đạo đức của Huỳnh Thị Huyền Như mà phạm tội.

9h20:  Ngoài Đoàn Lê Du, HĐXX xem xét 15 bị cáo khác cùng phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Đa số các bị cáo xin tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt. 

8h50:  Trả lời VKS Huyền Như cũng thừa nhận, đối với những trường hợp Như cầm cố thẻ tiết kiệm của nhân viên ACB và Navibank tại Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng không đảm bảo quy định của Ngân hàng Vietinbank.

Hành vi này của bị cáo gian dối với ai”, thẩm phán Tú Oanh đặt câu hỏi.

Bị cáo đã gian dối với đồng nghiệp. Các đồng nghiệp đã tin tưởng bị cáo nên mới bị dẫn đến hoàn cảnh này”, Huyền Như nói. 

8h35: Tham gia thẩm vấn, VKS đặt câu hỏi:

VKS: Khi thực hiện cầm cố những thẻ tiết kiệm này có đúng với quy định của Ngân hàng Vietinbank không?

Đoàn Lê Du: Dạ, không

VKS: Thế có vi phạm không?

Đoàn Lê Du: Dạ có.

Trả lời VKS, đại diện Vietinbank tại tòa cho biết, hành vi của Du vi phạm quy định số 069 của Vietinbank về quy định cho vay cầm cố bằng thẻ tiết kiệm

 8h10: Tòa bắt đầu làm việc. Chủ tọa thông báo sáng nay sẽ xem xét tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng

Bị cáo Đoàn Lê Du (SN 1980, quê Kiên Giang) - Cựu Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank Chi nhánh TP HCM được chủ tọa yêu cầu đứng lên vành móng ngựa để trả lời thẩm vấn

Trước tòa, Đoàn Lê Du cho hay, Du không cố ý phạm tội. Du cho biết, cái sai của bị cáo là giải ngân nhưng không gặp khách hàng, trái với quy định của Ngân hàng. “Do Huyền Như là đồng nghiệp nên tạo lòng tin với bị cáo. Những “khách hàng” này đều là của Như”, Du khai.

“Biết sai thì cố ý hay là vô ý?”, thẩm phán Tú Oanh đặt câu hỏi.

Du ngập ngừng: Dạ cố ý ạ. 

Du cho rằng, đấy là những khoản vay bình thường, không có vấn đề, không biết những sai phạm nào phía sau của Như.

Theo bản án cấp sơ thẩm: Từ ngày 13/5/2011 đến tháng 10/2011, khi được Huỳnh Thị Huyền Như đặt vấn đề giải quyết cho khách hàng của Như vay tiền tại đây, thế chấp bằng thẻ tiết kiệm gửi tiền tại Vietinbank chi nhánh TPHCM, nhưng khách hàng không có mặt do bận; đề nghị cho vay trước rồi bổ sung thủ tục hồ sơ sau; Đoàn Lê Du đã chỉ đạo nhân viên Phòng giao dịch lập 51 hồ sơ tín dụng cho vay đứng tên 16 cá nhân vay tổng cộng 239,94 tỷ đồng; thế chấp bằng 37 thẻ tiết kiệm trị giá 246,85 tỷ đồng mang tên 12 cá nhân là nhân viên Ngân hàng ACB; Nam Việt có tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh TPHCM; trong đó chỉ có 6 cá nhân được Như nhờ đứng tên vay trên 13 khoản vay 70,44 tỷ đồng là có mặt tại Phòng giao dịch để ký trong hồ sơ tín dụng; còn lại đều không có mặt người vay, người có tài sản bảo lãnh để ký vào hồ sơ khi vay; sau khi giải ngân xong mới chuyển lại hồ sơ cho Như để bổ sung chữ ký.

Tài liệu điều tra xác định 37 thẻ tiết kiệm mang tên 12 cá nhân là ký hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh TP HCM nhưng không nhận các thẻ tiết kiệm; mục đích dùng thế chấp vay tiền tại Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng. 10 cá nhân đứng tên vay tiền và 12 người đứng tên tài sản bảo lãnh đều không làm thủ tục vay tiền và bảo lãnh việc vay tiền nêu trên tại Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng; chữ ký của những người này trên các Hợp đồng 62 tín dụng là do Như tự ký giả (Kết luận giám định số 3101/C54-P5 ngày 26/12/2011).

Hành vi của Đoàn Lê Du chỉ đạo việc cho vay không có mặt khách hàng vay; người có tài sản bảo lãnh đã vi phạm quy định tại Hướng dẫn cho vay tiêu dùng có bảo đảm bằng số dư tiền gửi, sổ/thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá; được ban hành theo Quyết định số 069/QĐ-NHCT19 ngày 25/1/2010 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; dẫn đến việc Như thực hiện trót lọt việc lừa đảo bằng thủ đoạn dùng thẻ tiết kiệm mang tên 12 nhân viên Ngân hàng ACB, Nam Việt để dùng thế chấp vay tiền tại Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng, ký giả chữ ký của người vay và người có tài sản bảo lãnh, chiếm đoạt được 239,94 tỷ đồng.  

 

8h00: Các bị cáo có mặt đầy đủ chuẩn bị cho phiên tòa bắt đầu làm việc.

Ngày 18/12, Tòa phúc thẩm, TAND TP HCM tiếp tục đưa Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm ra xét xử. 

Trong ngày hôm qua, ngày thứ 4 xét xử Huyền Như và các bị cáo tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; thẩm vấn đại diên ACB về việc thực hiện ủy thác...

HĐXX cũng đã thẩm vấn hành vi lừa đảo của Huyền Như tại Ngân hàng Navibank.
 
Theo bản án sơ thẩm, sau khi biết ACB có nguồn tiền muốn gửi vào Vietinbank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh để lấy tiền lãi cao hơn (lãi chênh ngoài hợp đồng), nhưng theo nguyên tắc ngân hàng này không được đem tiền đến ngân hàng khác gửi để lấy lãi cao hơn nên ACB (cũng như Navibank) đã phải dùng đến các nhân viên của mình, uỷ thác cho họ đem tiền đến gửi tại Vietinbank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, thông qua bà Huỳnh Thị Ngọc Ánh – Phó phòng kế toán ACB, lấy danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, làm giả hợp đồng tiền gửi, ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn – Phó Giám đốc Vietinbank –chi nhánh Nhà Bè đóng dấu giả Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè để huy động 50 tỷ đồng của ACB thông qua hai người gửi.

Chưa dừng lại ở đó, ACB tiếp tục sử dụng 17 nhân viên của mình, uỷ thác cho họ đem số tiền 668,908 tỷ đồng gửi vào Vietinbank với lãi suất 14%/năm, lãi ngoài từ 3,8 đến 4%/năm, để Như chiếm đoạt.

Để chiếm đoạt đựơc số lượng tiền khổng lồ của ACB, Như đã dùng thủ đoạn “Câu, nhử” đó là trích trả ngay hơn 10 tỷ đồng tiền lãi ngoài hợp đồng cho ACB.

Ngoài việc làm giả 16 lệnh chi, ký giả chữ ký của 09 chủ tài khoản để làm thủ tục tất toán và chiếm đoạt số tiền hơn 81 tỷ đồng, Như làm giả lệnh chi, ký giả chữ ký của các chủ tài khoản để chuyển hết số tiền từ tài khoản tiền gửi tiết kiệm của các nhân viên ACB đi trả nợ và chiếm đoạt số tiền còn lại trong tài khoản tiền gửi của các nhân viên ACB.